Line có lượng người trung thành nhất định

Ứng dụng Nhật Bản này khá giống với KakaoTalk về chiến lược phát triển cũng như thời gian gia nhập thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi phần mềm Hàn Quốc đã từ bỏ cuộc chơi thì Line vẫn tồn tại nhờ vào lượng người dùng nhất định.

So với các tên tuổi khác, Line là ứng dụng thương mại hoá sớm nhất. Người dùng Line có thể chơi game, mua sticker cũng như tham gia các sự kiện mang tính thương mại của họ sớm.

Việc xây dựng một nền tảng chơi game với một vài trò chơi hấp dẫn đã khiến Line có một lượng fan. Nhưng thách thức lớn nhất của phần mềm này là làm thế nào những khách hàng đó chuyển sang liên lạc, kết nối thay vì chơi game, độ điểm.

Trong suốt 1 năm gần đây, Line hầu như không công bố số lượng người dùng cũng như lượt tin nhắn hoạt động mỗi ngày. Phần mềm hoạt động cầm chừng và thi thoảng có các sự kiện quảng bá. Bên cạnh đó, ứng dụng này cũng xếp khá thấp trên Google Play hay App Store. Vì thế, có thể khẳng định sự tồn tại của Line chủ yếu nhờ các trò chơi đi kèm và việc tham gia của cộng đồng người dùng riêng của họ.

Zalo tiếp tục đầu tư vào tin nhắn nhanh, ổn định

Cuối tháng 7/2014, Zalo thông báo đã có 15 triệu người dùng. Trước đó, Viber cho biết họ cũng có 12 triệu khách hàng tại Việt Nam. Như vậy, có thể thấy cuộc đua OTT đã ngã ngũ trong suốt thời gian dài của năm 2014. Ứng dụng nội Zalo vượt lên trên các đối thủ và trở thành sản phẩm đứng đầu thị trường OTT trong nước.

Nhìn vào cuộc đua OTT hơn 1 năm qua, có thể thấy tin nhắn nhanh, ổn định là thế mạnh để Zalo trở thành tên tuổi số một. Thực tế, phần mềm nội này không hơn các đối thủ về tính năng, nếu không muốn nói là chậm hơn so với các đối thủ trong việc cập nhật tính năng mới. Tuy nhiên, sự ổn định là lại vấn đề mà các tên tuổi ngoại đang gặp phải.

Zalo có sự đảm bảo kết nối khi hạ tầng 3G cũng như điều kiện mạng Internet tại Việt Nam có vấn đề. Nhiều người dùng cho biết, ngay cả khi đứt cáp quang, kết nối đến các dịch vụ quốc tế trục trặc thì Zalo vẫn ổn định.

Trong thời gian gần đây, người dùng chứng kiến việc Zalo từng bước thêm các tính năng mới như thử nghiệm phần mềm cho PC. Song sự thành công và duy trì vị thế dẫn đầu của họ vẫn là nhờ nhanh và ổn định.

Viber mạnh tay cho truyền thông

Chính thức đến Việt Nam từ cuối 2013 nhưng Viber lại chứng kiến sự sa sút về vị trí ở thị trường này. Nếu như cuối năm ngoái, đại diện của hãng cho biết, họ không tốn một đồng chi phí để có 8 triệu người dùng thì giờ mọi việc hoàn toàn ngược lại.

Viber là tên tuổi đổ nhiều tiền bạc nhất cho các kế hoạch marketing gần đây. Hãng này liên tục “làm tím” nhiều trang tin tức, báo điện tử cũng như mạng xã hội bằng thông tin, hình ảnh, logo của mình.

Bên cạnh đó, Viber cũng liên tục tổ chức các event trên mạng xã hội, hỗ trợ người dùng tham gia những hoạt động của họ. Phần mềm OTT thuộc sở hữu của Nhật hiện cũng quảng cáo trong thang máy, các điểm đến công cộng.... Trong vài tháng trở lại đây, Viber là OTT tốn nhiều tiền bạc nhất cho các chiến lược quảng bá.

Tuy nhiên, ứng dụng này vẫn không khắc phục được hai điểm yếu của mình là spam tràn lan và thường xuyên mất kết nối. Nhiều người dùng cho biết, Viber là phần mềm có lượng spam nhiều nhất và được ví như “thùng rác tím”. Viber cho biết họ sẽ tuyên chiến với thư rác, nhưng vẫn đang “bó tay” trước điều này. Bên cạnh đó, ứng dụng ngoại này cũng thường xuyên mất kết nối, cuộc gọi nghẽn âm thanh hay tin nhắn không ổn định.

Gần đây, Viber vừa công bố dịch vụ gọi điện video. Đây là một trong những điểm sáng của họ tại Việt Nam.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)