Dáng vẻ thư sinh, cặp kính cận dày cộp ít ai đoán được rằng hai chàng trai cùng sinh năm 1992 này lại có một niềm đam mê và gắn bó với vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn đến vậy. Đó là Trịnh Xuân Thành và Bùi Văn Liệu, sinh viên năm cuối Khoa Kĩ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Khơi nguồn ý tưởng sau những chuyến đi

Đam mê phượt từ khi còn đang theo học phổ thông, Xuân Thành luôn khao khát được một lần đặt chân lên vùng trung du miền núi, tìm hiểu về cuộc sống của người dân nơi đây.

Bước chân vào giảng đường Đại học, Thành quen và kết bạn với Liệu. Rồi những chuyến phượt lên các tỉnh như Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Hà Giang, Vĩnh Phúc,... không chỉ giúp hai chàng trai được đắm mình với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, điều các em nhận thấy và trăn trở sau mỗi chuyến đi đó là vấn đề nước sạch cho người dân các tỉnh này còn nhiều bất cập.

“Dù nước suối trên đây chảy tự nhiên, tuy nhiên không phải nơi nào, nhà nào cũng có. Chính vì thế để có nước sinh hoạt, những hộ dân ở xa thường phải đi gùi nước hoặc phải mua nước với một mức giá rất đắt trong khi thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào cây ngô, cây lúa”, Thành tâm sự.

Từ những trăn trở đó, ý tưởng lợi dụng vận tốc của dòng chảy để cung cấp nước một cách thuận tiện đến người dân được thai nghén và chỉ đến khi cuộc thi Holcim Prize 2014 phát động, nhóm của Thành mới có cơ hội biến những ý tưởng còn đang dang dở thành hiện thực. Và bơm va là một hướng đầu tiên hai bạn nghĩ đến.

Tuy nhiên, ý tưởng sản xuất một loại bơm không cần sử dụng đến năng lượng nhân tạo vẫn có thể hoạt động của nhóm Thành vấp phải không ít khó khăn ngay từ ngày đầu khởi nghiệp.

Những hạn hẹp về kinh tế, rồi những chuyến đi lại bằng xe máy giữa Hà Nội và các tỉnh miền núi để khảo sát địa hình. Những lần trắng đêm dịch tài liệu từ tiếng nước ngoài để lựa chọn chất liệu sản xuất chiếc bơm sao cho giá cả hợp lí và sử dụng hiệu quả nhất.

Rồi những lần lắp ráp máy bơm thất bại, hai chàng trai lại tiếp tục mày mò, bắt đầu từ con số không. Sự phản đối từ người dân khi cho rằng đó là điều không tưởng, sự hồ nghi khả năng từ những người bạn... tất cả tưởng như rút cạn niềm tin ở nhóm bạn trẻ này.

Chia sẻ về những kỉ niệm đáng nhớ của nhóm, Thành tâm sự: “Trong một lần đi khảo sát địa hình tại Vĩnh Phúc, do mải mê tìm địa hình phù hợp hai chúng em đã tiến khá sâu vào rừng và bị lạc không tìm thấy đường ra.

Đói, khát và mệt mỏi, hai chúng em đi bộ suốt 5km đường rừng trong khi trời đang tối dần. Đi bộ quá nửa ngày cuối cùng nhóm cũng tìm gặp được một bác nông dân và nhờ giúp đỡ”.

Ước mơ nhân rộng mô hình

Vượt lên trên sự nghi ngờ đó là sự giúp đỡ từ phía nhà trường, gia đình và sự ủng hộ của tổ chức Holcim Prize đã giúp nhóm hoàn thành suất sắc đề tài “Ứng dụng, chế tạo bơm và cấp nước cho vùng nông thôn, biên giới, hải đảo”.

Sản phẩm dự thi của Thành và Liệu là chiếc bơm va được thiết kế dựa trên chất liệu bằng đồng, thép và nhựa. Hoạt động hoàn toàn dựa vào hiện tượng thủy lực nước va.

“Đây là hiện tượng khi nước chảy xuống qua một quả nặng, quả nặng được nâng lên. Khi quả nặng được nâng lên, hiện tượng nước va sẽ xảy ra, từ đó nước được đẩy ngược lên. Nhờ hiện tượng này, người dân sẽ không còn cảnh phải đi xa gùi nước về sử dụng”, Thành phân tích.

Cầm trên tay giải thưởng cao quý, hai sinh viên Trịnh Xuân Thành và Bùi Văn Liệu mong muốn được tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.

“Trước mắt thì tốt nghiệp đại học vẫn là mục tiêu hàng đầu của chúng em. Bên cạch đó, chúng em sẽ tiếp tục tìm hiểu những nơi thực sự cần nước sạch để tuyên truyền, phổ biến dụng cụ cũng như ngày càng hoàn thiện thiết kế bơm va nhằm tăng hiệu quả của bơm”, Thành chia sẻ.

Không chỉ dừng lại ở ý tưởng phổ biến, nhân rộng mô hình đến từng hộ dân. Thành và Liệu còn bày tỏ nguyện vọng sẵn sàng giúp đỡ cũng như trao đổi ý tưởng đối với những bạn quan tâm đến vấn đề cấp thoát nước vùng cao, vùng sâu và hải đảo.

Đối với nhóm của Thành, đoạt được giải thưởng rất quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn đối với hai em đó là sản phẩm được thực tiễn áp dụng, phát huy hiệu quả phục vụ cuộc sống của con người.

Theo Infonet.




Bình luận

  • TTCN (0)