Viettel cho rằng, hiện doanh thu từ cước kết nối của nhà mạng này chỉ chiếm 7% tổng doanh thu, nên nếu áp dụng chính sách một giá cước thì mức sụt giảm doanh thu cũng chỉ khoảng 1.5%, không ảnh hưởng nhiều đến tình hình tài chính của tập đoàn.

Cụ thể, tại buổi họp giao ban quản lí Nhà nước tháng 9/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông hôm 6/10, Phó tổng giám đốc Viettel Lê Đăng Dũng kiến nghị Bộ cho phép Viettel áp dụng cước nội mạng bằng ngoại mạng, để “có lợi cho khách hàng”.

Lãnh đạo Viettel cho rằng, hiện doanh thu từ cước kết nối của nhà mạng này chỉ chiếm 7% tổng doanh thu, nên nếu áp dụng chính sách một giá cước thì mức sụt giảm doanh thu cũng chỉ khoảng 1,5%, không ảnh hưởng nhiều đến tình hình tài chính của tập đoàn.

Đồng thời, theo ông, nếu giảm cước ngoại mạng bằng nội mạng sẽ giúp khách hàng sử dụng dịch vụ thuận lợi hơn vì không phải nhớ nhiều loại cước. Ngoài ra, lưu lượng thoại có thể sẽ tăng lên sau khi áp dụng chính sách này và bù đắp phần sụt giảm doanh thu từ việc giảm cước ngoại mạng.

“Viettel đưa ra kiến nghị này sau khi đã tính toán giá thành dịch vụ”, ông Dũng khẳng định.

Tuy nhiên, trước kiến nghị trên của Viettel, Cục Viễn thông cho rằng, cách tính toán giá thành hiện nay của Viettel vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lí và chưa phù hợp với thực tế. Còn nếu việc giảm giá ngoại mạng về bằng với nội mạng mà không phá giá thị trường thì doanh nghiệp được phép tự quyết định gói cước.

Trước đó, đầu tháng 7/2014, tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó tổng giám đốc Viettel Hoàng Sơn đã lần đầu tiên đề xuất với Bộ được giảm cước ngoại mạng bằng nội mạng, để áp dụng chính sách một giá cước.

Ngoài ra, ông Sơn cho rằng, việc giảm cước có thể giúp nhà mạng đối phó tốt hơn với các dịch vụ OTT.

Lãnh đạo một mạng di động lớn thì nhận xét, trên thực tế, người tiêu dùng lâu nay cũng không quan tâm đến việc phải nhớ giá cước hay một loại cước. Nếu Viettel được giảm cước ngoại mạng bằng với nội mạng thì buộc các mạng khác sẽ phải giảm theo, nếu không muốn mất lợi thế cạnh tranh.

Theo Vneconomy.




Bình luận

  • TTCN (0)