Con số 67.000 người đi thu tiền điện tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh đưa ra tại phiên làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Bộ Công thương chiều 2/10.
Tại phiên làm việc này, báo cáo Thủ tướng, ông Thanh cho biết, hiện nay số lượng cán bộ công nhân viên đi “ghi chữ, thu tiền” tại EVN là rất đông, đến 67.000 người trong các Tổng công ty Điện lực chủ yếu làm công việc này.
Tuy nhiên, ngày 3/10, EVN đã có công văn thông tin chính xác đính chính lại số liệu mà ông Thanh công bố. Theo đó, EVN cho biết, hiện nay, Tập đoàn có 5 Tổng công ty Điện lực: Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Điện lực Miền Trung, Tổng công ty Điện lực Miền Nam và Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh.
Tổng số cán bộ công nhân viên của 5 Tổng công ty nói trên là 67.000 người. Số lượng 67.000 người này làm việc trong tất cả các khâu có liên quan đến kinh doanh, phân phối điện năng.
“Số lượng nhân sự nói trên đang hàng ngày, hàng giờ duy trì, đảm bảo công tác cung cấp điện, đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, quản lí vận hành đường dây và trạm biến áp phân phối, xử lí sự cố… để điện đến với tất cả khách hàng trên mọi miền đất nước: từ biên giới, hải đảo, vùng núi, vùng sâu đến đồng bằng, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Và công tác thu tiền điện chỉ là một phần nhỏ trong các công việc của 67.000 cán bộ, kĩ sư, công nhân viên tại các Tổng công ty Điện lực”, theo văn bản đính chính của EVN.
Trong phiên làm việc giữa Thủ tướng với Bộ Công thương, vấn đề năng suất lao động của EVN đã được xoáy sâu khi khoảng cách còn rất xa so với các đồng nghiệp khác trong khu vực và trên thế giới.
Năng suất thấp được lí giải chủ yếu do biên chế lao động tại EVN quá lớn, trong đó, với điều kiện mà theo như ông Thanh nói thì trong khi các nước đã dùng đồng hồ điện tử đo từ xa, đóng tiền qua ngân hàng thì Việt Nam vẫn sử dụng đồng hồ đo điện cơ, phải huy động một lực lượng đông đảo nhân viên đến từng nhà ghi số, thu tiền điện.
Theo tìm hiểu của Dân trí, ở thời điểm hiện tại, không phải là EVN chưa áp dụng đồng hồ điện tử đo từ xa để giảm thiểu lượng nhân lực và sai số. Trên thực tế, một đơn vị của EVN là Công ty Công nghệ thông tin Điện lực Miền Trung đã phát minh được loại công nghệ này, mà đáng chú ý là đã triển khai tại Lí Sơn (Quảng Ngãi) – huyện đảo mới chỉ được tiếp nhận điện lưới quốc gia từ hơn nửa tháng nay.
Ưu điểm của công nghệ không dây theo kiểu mắt lưới (được gọi là RF-Spider) là tạo được mạng thu thập dữ liệu công tơ hoàn toàn tự động. Công cụ này được cho là sẽ đảm bảo được khách quan trong việc giám sát, tra cứu sản lượng điện tử dân dụng của chính mình qua Internet.
Ông Trần Dũng, Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin Điện lực Miền Trung cho biết, hệ thống này sẽ tự động đọc chỉ số công tơ bất kì thời điểm nào, tự động đọc chỉ số công tơ theo thời gian cấu hình trong hệ thống; tính được tổn thất trạm theo ngày, tự động ghép được số liệu để tính hóa đơn; tự động đưa ra biểu đồ sản lượng sử dụng điện theo ngày của khách hàng; tự động đưa ra cảnh báo khi sản lượng tăng đột biết trong ngày hoặc chỉ số bất thường; giảm thiểu tối đa nhân viên đi ghi chỉ số.
Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng nhân rộng loại công nghệ này, ông Dũng cho biết, phải thực hiện theo lộ trình vì thay toàn bộ phải tốn chi rất lớn. Mặt khác, các công tơ cơ đang còn sử dụng được (chưa đến thời hạn thay thế) thì vẫn tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn sẽ thay bằng công tơ điện tử. Dự kiến, tiến tới sẽ thay thế toàn bộ hệ thống này trên địa bàn các tỉnh khu vực miền Trung (là địa bàn của Tổng công ty Điện lực miền Trung quản lí).
Theo Dân Trí.
Bình luận