Parisa Tabriz được xem là “vũ khí bí mật” của Google. Cô là một hacker chuyên nghiệp, người được nhận tiền lương để tấn công vào các hệ thống của Google và tìm ra các lỗ hổng bảo mật trước khi hacker thực hiện điều đó.
Năm nay mới 31 tuổi và chưa lập gia đình, Tabriz không chỉ được xem là “vũ khí bí mật” của Google mà cô còn được xem là một trường hợp khác thường tại thung lũng Silicon. Không chỉ vì Tabriz là phái nữ, giới tính được miêu tả không đúng mức trong ngành công nghệ cao đang bùng nổ trên toàn cầu, mà còn bởi vì Tabriz hiện đang là lãnh đạo của một nhóm 30 chuyên gia, chủ yếu là nam, cả ở Mỹ lẫn châu Âu. Đó là lí do tại sao Tabriz lại chọn cho mình danh hiệu “Công chúa bảo mật” và cô in danh hiệu này trên card visit của mình. “Tôi thấy rằng nếu chỉ ghi là Kĩ sư bảo mật thông tin lên card visit thì thật là nhàm chán”, Parisa Tabriz chia sẻ. “Nhiều người trong giới công nghệ thường quá nghiêm trọng vấn đề, còn với tôi, công chúa bảo mật là một danh hiệu nghe khá phù hợp”.
Parisa Tabriz lớn lên tại vùng ngoại ô Chicago với người cha mang quốc tịch Iran nhập cư của mình và người mẹ mang 2 quốc tịch Ba Lan và Mỹ. Cha cô là một bác sĩ, trong khi mẹ cô là y tá, cả 2 đều rất thông minh tuy nhiên hoàn toàn không có kiến thức về công nghệ lẫn máy tính. Tabriz là chị của 2 người em trai, và cô cho biết chính điều này đã giúp cô có năng khiếu chỉ huy phái mạnh ngay từ khi còn nhỏ.
Bản thân Tabriz cũng không hề biết đến máy tính cho đến năm đầu tiên của cô tại trường Đại học, nơi cô theo học ngành kĩ sư máy tính tại trường Đại học Illinois. Tại đây, cô đã nhanh chóng ấn tượng với câu chuyện của một trong những hacker đầu tiên trên thế giới, John Draper, hay còn được biết đến với biệt danh Captain Crunch. Draper là một kĩ sư radar của không quân Mỹ vào cuối những năm 1960, và ông đã phát hiện ra cách để thực hiện những cuộc gọi điện thoại đường dài miễn phí chỉ bằng cách sử dụng chiếc còi đồ chơi được tặng kèm trong hộp ngũ cốc Cap’n Crunch.
Tiếng còi này phát ra âm thanh có tần số cố định 2.600 Hz, cũng là tần số được sử dụng vào thời điểm bấy giờ của nhà mạng lớn nhất nước Mỹ để định tuyến các cuộc gọi quốc tế. Ấn tượng vì điều đó, Tabriz đã quyết tâm đi theo con đường trở thành một hacker, tuy nhiên cô trở thành “hacker mũ trắng”, những người chịu trách nhiệm bảo mật hệ thống, thay vì các “hacker mũ đen”, những tên tội phạm tin tặc tấn công hệ thống máy tính vì mục đích riêng và lợi nhuận. Nhiệm vụ của Tabriz là “đọc tâm trí” của hacker để từ đó dự đoán các hành động, mục đích của chúng. Tabriz chịu trách nhiệm tấn công vào các hệ thống của Google, máy tính nhân viên làm việc tại đây để tìm ra các lỗ hổng bảo mật trước khi hacker thực sự làm điều đó.
Ngoài ra, điều này cũng giúp các nhân viên làm việc tại Google có được những kĩ năng để tự bảo vệ máy tính của mình trước sự xâm nhập của hacker bên ngoài. Nhiệm vụ của Tabriz là vô cùng quan trọng tại Google. Với vai trò của một “gã khổng lồ công nghệ”, chứa thông tin của hàng tỉ người dùng, Google vẫn luôn được xem là “mồi ngon” để các hacker mũ đen nhắm đến trong những chiến dịch tấn công quy mô lớn.
Ngoài công việc bảo mật, sở thích khác của Tabriz là nhiếp ảnh và leo núi Bản thân của Google cũng đang tìm cách để trở nên “thân thiện” hơn với các hacker. Thay vì sử dụng đến các biện pháp pháp lí để đe dọa và ngăn chặn các vụ tấn công nhằm vào Google, “gã khổng lồ tìm kiếm” này còn trao những giải thưởng hấp dẫn cho ai phát hiện ra các lỗ hổng bảo mật trên hệ thống. Có những hacker đã từng nhận được số tiền thưởng lên đến 30.000 USD vì phát hiện ra các lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng trên hệ thống cũng như các dịch vụ, phần mềm của Google. Tính đến nay, Google đã chi ra tổng số tiền 1,25 triệu USD và vá lại hơn 700 lỗi bảo mật được tìm thấy bởi những hacker bên ngoài, những người không phải nhân viên của Google.
Tabriz cho rằng hành động của Google là hoàn toàn hợp lí, khi những phần thưởng hấp dẫn có thể biến các “hacker mũ đen” trở thành “hacker mũ trắng” và có ích hơn cho cộng đồng. “Có một ranh giới giữa 2 bên và chúng tôi luôn muốn các hacker đứng về phía mình, thay vì chống lại chúng tôi”, Tabriz chia sẻ. “Ngày nay, hack là một khái niệm xấu xa và hacker thường gắn liền với những hành động phạm pháp. Bản thân là một hacker, tôi cảm thấy buồn vì điều đó”. “Tôi cảm thấy rằng có lẽ chúng tôi, những hacker mũ trắng, cần nhiều biện pháp PR hơn nữa để cho mọi người thấy rằng không phải tất cả đều xấu”, Tabriz hài hước nói.
Hiện tại, bên cạnh công việc tại Google, Tabriz đang nỗ lực để cải thiện hình ảnh của hacker trong mắt niều người. Cô là cố vấn của Hội nghị khoa học máy tính dưới 16 tuổi vẫn tổ chức thường nên tại Las Vegas. Tại đây, Tabriz dạy cho trẻ em cách thức “hack vì điều tốt đẹp” và khuyến khích bé gái tham gia vào thế giới công nghệ. Parisa Tabriz cũng được xem là biểu tượng cho sự bình đẳng giới tại Google nói riêng cũng như trong giới công nghệ nói chung. Tabriz cho biết cô chưa bao giờ gặp phải tình trạng phân biệt giới tính công khai khi làm việc tại Google, kể từ khi cô gia nhập công ty này vào năm 2007, tuy nhiên, vào thời điểm cô được nhận vào làm việc tại Google, Tabriz vẫn đang là một sinh viên đại học, một sinh viên nam khác, người cũng được tuyển dụng vào Google đã nói: “Cô biết không, cô được tuyển vào Google vì cô là phái nữ”. “Anh ấy đã nói điều đó trực tiếp với tôi, và tôi chắc chắn rằng nhiều người khác cũng đang nghĩ đến điều đó”, Tabriz chia sẻ.
Tuy nhiên, Tabriz đã không bị điều đó chi phối và cô đã làm việc chăm chỉ tại Google. Năm 2012, Tabriz được bầu vào danh sách 30 người dưới 30 tuổi có đóng góp lớn cho ngành công nghệ toàn cầu, danh sách được bình chọn bởi tạp chí danh tiếng Forbes. Đầu năm nay, Google trở thành “gã khổng lồ công nghệ” đầu tiên công bố số liệu về sự đa dạng giới tính trong lực lượng lao động, trong đó 30% nhân viên tại Google là nữ, nhiều người trong số đó đang nắm giữ các vai trò quan trọng tại Google, trong đó có Parisa Tabriz.
Theo Dân Trí.
Bình luận