Cách đây hai năm, các nhà phân tích bắt đầu có cái nhìn tiêu cực về tương lai của ngành PC. Nhiều người tỏ ra lo lắng người dùng sẽ chán chẳng muốn mua PC nữa. Các nhà quan sát cho rằng thời của PC đã hết, và bắt đầu dùng tới cụm từ hậu-PC. Thậm chí trước đà sụt giảm liên tục của thị trường PC, một số phát biểu mang tính cường điệu kiểu như PC đã “chết”. Trong khi đó có một thực tế là các nhà cung cấp dường như ngày càng miễn cưỡng sản xuất PC.

Hơn một năm trở lại đây xảy ra một loạt biến cố trong làng PC. Dell đã chuyển đổi mô hình thành công ty tư nhân, Samsung rút chân khỏi thị trường PC ở châu Âu, Sony bán mảng kinh doanh PC, và bây giờ đến lượt HP công bố kế hoạch tách mảng kinh doanh PC và máy in ra riêng. Và có vẻ như mọi thứ chưa dừng lại, theo nhận định của các nhà phân tích, khi ngành công nghiệp PC vẫn đang tìm đủ cách đương đầu với vô vàn khó khăn trong kỉ nguyên di động.

Vậy tiếp theo nhà sản xuất nào sẽ “qui hàng”?

Áp lực lợi nhuận buộc các công ty sản xuất PC sẽ phải xem xét lại chiến lược kinh doanh PC. Ngoài hai đại gia Dell và Lenovo đang ở vị thế tốt, không tính tới việc chia tách hay “bán mình”, các nhà sản xuất PC lớn khác chắc sẽ phải có những toan tính riêng. Acer và Asus dù có nhiều hiềm khích sẽ buộc phải liên kết để tăng sức mạnh, Samsung sẽ bỏ hẳn thị trường PC để tập trung cho máy tính bảng, Toshiba cũng sẽ bán bộ phận PC, chuyên gia Bob O'Donnell của hãng nghiên cứu Technalysis Research nhận định.

Ảnh
Samsung là nhà cung cấp màn hình hàng đầu thế giới, nhưng vẫn đang phải vật lộn trên thị trường PC.

Thực tế là trong khi người tiêu dùng vẫn muốn mua PC rẻ và tốt hơn, thì lợi nhuận trên thị trường PC dường như ngày càng teo nhanh. Điều này đã được cảm nhận từ các đây 3 năm. Năm 2011, CEO của HP lúc đó là Leo Apotheker đã đưa ra đề xuất tách mảng PC ra riêng nhưng không được Phố Wall hưởng ứng. Lí lẽ của các cổ đông là một công ty như Hewlett-Packard có thể đàm phán để bán trọn gói cho các tập đoàn lớn, gồm cả máy tính xách tay, máy chủ, phần mềm và dịch vụ, đem lại nhiều giá trị hơn so với một công ty chỉ chuyên bán PC.

Trong khi đó, các công ty nhỏ hơn, xoay xở nhanh hơn như Lenovo lại cho thấy không hẳn như vậy. HP, nhà sản xuất PC lớn thứ hai thế giới, ước tính tỉ suất lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đối với HP Inc (tên công ty dự kiến khi tách ra với mảng PC và máy in) khoảng 9,4%. Tỉ suất này chẳng kém bao nhiêu so với 10,2% của HP Enterprise. Nhưng các đối thủ nhỏ hơn có chi phí hợp lí hơn, sẽ tạo áp lực giá cả mạnh hơn. Và điều đó khiến một số nhà sản xuất PC đối mặt với thách thức lớn.

Điều gì sẽ đến?

Điều đó không có nghĩa là đã đến lúc bỏ kinh doanh PC. Lượng PC xuất xưởng trên toàn cầu sẽ chỉ giảm 3,7% trong năm nay, với 303,5 triệu máy, theo báo cáo hồi tháng 8 của IDC, thay cho dự báo mức giảm 6% trước đó.

Trớ trêu thay, theo O'Donnell, PC đã tự mình vượt qua bão tố. Theo ông, PC vẫn có mảnh đất doanh nghiệp, và quan điểm máy tính bảng thay thế PC là hoàn toàn sai lầm.

Tuy nhiên, các nhà phân tích dự kiến số các nhà sản xuất PC sẽ giảm dần. Vậy, ai sẽ đuối sức trước?

Năm nhà sản xuất PC hàng đầu thế giới có lẽ không nằm trong nhóm nguy hiểm. Tuy nhiên, các nhà sản xuất dễ bị tổn thương là các đại gia điện tử tiêu dùng vẫn đang duy trì chỗ đứng trong thị trường PC. Đó là những cái tên như Toshiba, dù đã thành công trong ngành hàng điện tử tiêu dùng, nhưng tháng trước cho biết sẽ sa thải 20% nhân lực bộ phận kinh doanh PC và tái tập trung vào mảng PC cho doanh nghiệp. Hay Vizio của Mỹ, có lẽ đã sai lầm khi nghĩ rằng hãng có thể thành công tương tự trong thị trường PC như đã đạt trong lĩnh vực TV tiêu dùng. Ngay cả Acer và Asus được dự kiến sẽ hợp nhất.

Acer và Asus hiện không có dòng PC nào phổ biến rộng rãi, không mạnh ở phân khúc giá thấp, thương hiệu cũng không phải hàng đầu. Cả hai hãng sản xuất Đài Loan này rõ ràng đang đối mặt với thách thức lớn của ngành công nghiệp.

Lịch sử phát triển của ngành PC đã chứng kiến nhiều tên tuổi danh tiếng rời bỏ đấu trường: Digital Equipment Corp., Compaq, Silicon Graphics, Sun Microsystems. Và cũng đừng quên là IBM đã bán mảng kinh doanh PC từ năm 2005, và mới đây cả mảng máy chủ của mình cho Lenovo.

Tuy nhiên, điều thú vị không phải ai sẽ là kẻ tiếp theo rời thị trường PC, bán mình cho Lenovo, Dell hay công ty nào khác. Điều đáng nói là, khi một loại sản phẩm phần cứng biến thành hàng hóa thông thường, thì châu Á, đặc biệt là Đài Loan và Trung Quốc, sẽ trở thành trung tâm sản xuất.

Ảnh
Thật khó hình dung HP Inc kinh doanh PC mà lại không có máy chủ. Không rõ CEO của HP, bà Meg Whitman, nghĩ gì?

Đối với HP, một số nhà phân tích dự đoán giá PC của hãng này sẽ tăng, và điều đó sẽ khiến HP có thể sụp đổ trước các đối thủ thành công hơn. Tất nhiên, bà Meg Whitman, CEO hiện tại của HP, không nhìn nhận như vậy.

HP nhìn thấy “sức mạnh” khi còn là một công ty kết hợp, nhưng bây giờ là lúc chia tách, bà nói trong cuộc họp vào hôm thứ Hai. “Trong công việc kinh doanh của chúng tôi, cũng như mọi công ty khác, thị trường không đứng yên, và bạn phải tăng tốc thật lực và nhanh hơn mỗi ngày”, bà nói. “Nhanh nhẹn là con đường duy nhất để chiến thắng”.

Theo PC World VN.



Bình luận

  • TTCN (0)