iOS 8 vừa được Apple cho tải về cùng lúc với thời điểm bán ra hai dòng iPhone 6 và iPhone 6 Plus. Phiên bản hệ điều hành di động mới này hỗ trợ các thiết bị cũ, thấp nhất là iPhone 4S và iPad 2. Có vẻ như cuộc đua hệ điều hành di động đang trở nên gay cấn hơn bao giờ hết khi Google cũng sắp tung ra Android L với nhiều cải tiến, Windows Phone cũng có bản 8.1 hỗ trợ nhiều tính năng ưu việt. Mặc dù chậm chân, nhưng bản BlackBerry 10.3 cũng có những thay đổi đáng kể, nhất là việc cho phép người dùng cài ứng dụng Android từ file *.APK (định dạng cài đặt ứng dụng cho Android).
Đối thủ lớn nhất của iOS 8 vẫn là Android L – phiên bản hệ điều hành di động có thay đổi lớn nhất kể từ Android 4.0 (Ice Cream Sandwich) ra mắt 3 năm trước. Dù chỉ là bản dùng thử dành cho lập trình viên nhưng Android L cũng chứa hầu hết những tính năng quan trọng có thể đọ sức với iOS 8.
Thiết kế giao diện
Android L có thiết kế theo ngôn ngữ “Material Design” mới giúp màn hình làm việc thoải mái và thực hơn nhờ các biểu tượng được thiết kế phẳng, hiệu ứng đổ bóng đẹp mắt hơn. Những phản hồi khi người dùng chạm và thao tác cũng tốt hơn, từ kiểu vòng xoay trong quá trình xử lí cho đến các menu tùy chọn được làm trong suốt. Chẳng hạn như giao diện xổ xuống của thanh thông báo có thiết kế mới, người dùng có thể thao tác nhanh ngay trên từng thông báo. Bên cạnh đó, các thông báo cũng hiển thị trên màn hình khóa theo thứ tự quan trọng của từng ứng dụng. Các nút đặc trưng của Android cũng đơn giản nhưng rất hòa hợp trên giao diện phẳng của Android L. Tuy vậy, tổng thể giao diện Android L vẫn còn có vẻ tối, không đạt được mức độ “sạch” (clean graphic design) cần thiết như yêu cầu của phong cách phẳng.
Có vẻ như iOS 8 không khác biệt nhiều về giao diện so với iOS 7 – phiên bản trước đó với cuộc “đại tu” về giao diện sử dụng. Phiên bản hệ điều hành di động mới của Apple cũng có thiết kế phẳng với các biểu tượng được “gọt giũa” lại với màu sắc đậm hơn. Tổng thể giao diện sạch, đơn giản và đẹp, thanh công cụ khi vuốt từ dưới lên cũng trau chuốt lại các biểu tượng và màu nền cũng ấn tượng hơn.
Sự thay đổi trong cách thiết kế giao diện từ phong cách “skeumorphic” (thực tế hóa - tức các biểu tượng được chăm chút sao cho giống với thực tế nhất) tồn tại từ phiên bản iPhone OS 1.0 sang kiểu phẳng hóa (Flat Design) khiến người dùng bất ngờ. Tuy nhiên, sau một thời gian làm quen, kiểu thiết kế mới này mang lại cảm giác sử dụng thoải mái và giao diện sử dụng được “sạch sẽ” hơn. Từ đó, phong cách phẳng dần trở thành xu hướng và Google cũng đã áp dụng cho Android, Chrome OS và đến cả hệ điều hành cho thiết bị đeo Android Wear.
Tóm lại, có thể Android phiên bản mới có thể sẽ có những thay đổi so với bản thử nghiệm, nhưng giao diện sử dụng của Android L vẫn chưa đạt mức tối ưu kiểu “phẳng” cần thiết và cần thời gian để hoàn thiện như iOS 8.
Chức năng Notifications
Thanh thông báo của cả iOS 8 và Android L đều có thể hỗ trợ tất cả những trạng thái, thông báo của mọi ứng dụng, từ cuộc gọi, tin nhắn, nhắc nhở, lịch làm việc, mạng xã hội, các ứng dụng…
Chức năng lớn nhất ở iOS 8 là khả năng tương tác với thông báo, chẳng hạn bạn có thể thực hiện những thao tác như trả lời, xóa tin nhắn ngay trên thanh thông báo mà không cần khởi động ứng dụng riêng.
Thông báo của Android L cũng hỗ trợ tương tác nhanh, nhưng chỉ hỗ trợ một số ứng dụng như lịch sử cuộc gọi, tin nhắn hay email. Với những ứng dụng khác chưa hỗ trợ, bạn phải chạy ứng dụng để thao tác những tính năng khác. Bên cạnh đó, chức năng thông báo của Android L cũng hỗ trợ hiển thị trên màn hình khóa, người dùng cũng có thể xóa nhanh các thông báo này bằng thao tác cảm ứng.
Chức năng liên kết nhiều thiết bị
Đây là chức năng bổ sung lớn nhất trong giao tiếp giữa máy tính dùng OS X và iOS 8. Bạn đang soạn dở một email trên thiết bị iOS, sau đó vẫn tiếp tục viết email này trên máy tính Mac mà với bản nháp được lưu trên đám mây. Chức năng này cũng cho phép bạn trả lời cuộc gọi điện thoại, gửi nhận tin nhắn SMS ngay trên máy Mac và iPad. Handoff hiện tại hỗ trợ nhiều ứng dụng như trình duyệt web Safari, trình soạn thảo văn bản Pages, tạo bản tính Numbers, trình chiếu Keynote, Maps, Messages, Reminders, Calendar và Contacts. Theo Apple. lập trình viên cũng có thể tích hợp Handoff vào trong các ứng dụng của họ. Tóm lại, Handoff là chức năng quan trọng mà Apple bổ sung trên iOS và OS X, giúp phá bỏ rào cản vốn khá lớn giữa iPhone và máy tính Mac.
Trong khi đó, Google cũng đang tìm cách để liên kết nhiều thiết bị với nhau với hệ thống cảnh báo có thể làm việc trên nhiều thiết bị khác nhau, như đồng hồ thông minh Android Wear và xe hơi Android Auto.
Chức năng đám mây, chia sẻ
Apple đã nâng cấp chức năng đám mây iCloud trở thành iCloud Drive trên iOS 8. Ứng dụng lưu trữ đám mây của Apple giờ đây đóng vai trò như một ổ đĩa lưu trữ có thể dùng được trên mọi thiết bị. Bạn có thể đăng nhập tài khoản iCloud trên các thiết bị iOS 8, Mac và Windows để đồng bộ và sử dụng những dữ liệu lưu trữ trên ổ đĩa này. Tất nhiên, các chức năng trên iCloud Drive cũng liên kết chặt chẽ với các ứng dụng, tiện ích của Apple như Photos, Notes, bộ ứng dụng iWorks…
Android L cũng được Google cài sẵn ứng dụng Google Drive giúp lưu trữ dữ liệu trên đám mây. Công cụ này được tích hợp vào chức năng chia sẻ của nhiều ứng dụng khác. Dung lượng lưu trữ miễn phí của Google Drive hơn hẳn iCloud Drive với 15 GB, trong khi đó dịch vụ đám mây của Apple chỉ miễn phí 5 GB.
Một lần nữa, Google và Apple lại là “kì phùng địch thủ” trong cuộc đua chia sẻ nội dung trong gia đình (Home Sharing). iOS 8 của Apple giờ đây có thể cho phép chia sẻ những nội dung như trò chơi, nhạc, phim và ứng dụng với các thành viên khác trong gia đình. Số lượng tối đa lên đến 6 người. Có thể nói chức năng có tên gọi Family Sharing thực sự dễ dùng và giúp kết nối các thành viên trong gia đình lại gần nhau hơn.
Mặc dù vậy, Apple chỉ cho phép iOS 8 chia sẻ nội dung nhưng không cho phép dùng chung thiết bị, tức hỗ trợ đa tài khoản (multi user) cho iPhone hay iPad. Trong khi đó, Google lại hỗ trợ tốt cả hai cho các máy tính bảng dùng Android. Người dùng có thể tạo ra nhiều tài khoản để các thành viên trong gia đình sử dụng, chẳng hạn tài khoản dành cho trẻ con sẽ tùy biến lại màn hình chủ, hạn chế các ứng dụng bạo lực, phim ảnh phù hợp với lứa tuổi hơn…
Bàn phím, nhập liệu
Bàn phím của iOS quá nổi tiếng vì khả năng dễ đánh chữ trên màn hình cảm ứng, được tối ưu phù hợp cho cỡ màn hình lớn như iPad hay nhỏ như iPhone vẫn sử dụng thoải mái. Trên iOS 8 thì khả năng nhập liệu còn nhanh hơn với khả năng đoán chữ thông minh hơn và chức năng gõ nhanh QuickType bằng cách lướt tay trên các kí tự (giống như Word Flow trên Windows Phone).
Ở tiêu chí cài thêm bộ gõ bổ sung thì Apple có vẻ chậm chân hơn so với Android, khi đến tận iOS 8 mới hỗ trợ người dùng cài thêm bàn phím ảo của bên thứ ba (Cài thêm bộ gõ trên iOS 8).
Trợ lí ảo thông minh và chăm sóc sức khỏe
Android L có Google Now, iOS 8 có Siri. Cả Google và Apple đều rất kì vọng vào tương lai của những trợ lí ảo này và từng bước hoàn thiện chúng. Người dùng giờ đây có thể gọi nhanh Siri với khẩu lệnh “Hey Siri” và giao tiếp với “cô trợ lý” này hay cập nhật các thông tin liên quan đến nhiều lĩnh vực. Tuy vậy, khẩu lệnh này chỉ có tác dụng khi bạn cắm sạc, bình thường không thể sử dụng được.
Với lệnh “OK Google” để kích hoạt Google Now thì khác, bạn có thể gọi chức năng trợ lí ảo này mọi lúc mọi nơi. Giao diện sử dụng của Google Now cũng ngày càng được tối ưu để sử dụng hiệu quả trên máy tính bảng lẫn smartphone.
Cả Android L và iOS 8 đều hỗ trợ nền tảng chăm sóc sức khỏe của mình và có thể đồng bộ dữ liệu thu thập được từ các thiết bị đeo. Cụ thể, Android L với Google Fit có thể thu thập và phân tích dữ liệu thu được từ các cảm biến trên thiết bị đeo dùng Android Wear, từ đó đưa ra lời khuyên về sức khỏe phù hợp cho người dùng. iOS 8 cũng thế, ứng dụng Health Kit có thể đồng bộ những dữ liệu trên đồng hồ thông minh Apple Watch, sử dụng hoặc chia sẻ chúng với các tiện ích chăm sóc sức khỏe của bên thứ 3.
Hiệu năng và thời lượng pin
Giống như phiên bản trước đó, iOS 8 là hệ điều hành di động 64 bit được thiết kế để khai thác tối đa sức mạnh xử lí của phần cứng 64 bit. Tất nhiên, Apple không phải đi theo hướng cạnh tranh về cấu hình như Android, nhưng mục tiêu nhắm tới là hệ điều hành (phần mềm) phải khai thác tối đa và có hiệu quả cấu hình phần cứng của iPhone và iPad. Do đó, sẽ không có gì ngạc nhiên khi một chiếc iPhone có cấu hình thấp hơn nhưng chạy mượt mà hơn so với một smartphone chạy Android.
Google cũng đã bắt đầu thay đổi Android L để hỗ trợ kiến trúc xử lí 64 bit. Hãng đã thay đổi trình biên dịch Dalvik bằng ART để cải tiến hiệu năng cho các ứng dụng, nhất là với các trò chơi đồ họa nặng.
Riêng với khả năng tối ưu thời gian dùng pin thì Google cho biết Android L được tích hợp khả năng quản lí năng lượng tốt hơn. Nhiều phép thử trên Android L phiên bản dành cho lập trình viên cho thấy thời lượng dùng pin của hệ điều hành mới này tăng lên 36% so với Android 4.4 KitKat. Trong khi đó, iOS 8 vừa được Apple cho nâng cấp trên các dòng thiết bị không có nhiều khác biệt về thời lượng dùng pin so với iOS 7.
Cách chuyển môi trường (Runtime) Dalvik sang ART cho Android 4.4 KitKat
Android L được Google chuyển môi trường Dalvik sang ART nhằm tăng hiệu năng xử lí của thiết bị Android. Môi trường Dalvik hiện tại chỉ hỗ trợ cấu trúc ứng dụng 32 bit nhưng với ART hỗ trỡ cả 32 và 64 bit. Trong lúc chờ đợi nâng cấp lên phiên bản này, giờ đây bạn có thể tự chuyển qua ART với các bước sau:
- Vào Settings > About Phone > tìm đến mục Build number > nhấn tùy chọn này 7 lần.
- Quay trở lại mục Settings, bạn sẽ thấy thêm tùy chọn Developer options > tìm Select runtime và chọn Use ART thay cho Use Dalvik.
- Khởi động lại máy để cập nhật thay đổi.
Theo PC World VN.
Bình luận