Một thời gian dài trước khi Steve Jobs thuyết phục John Sculley, Chủ tịch Pepsi, gia nhập Apple, cả hai đã thảo luận về sức mạnh của “tiếp thị trải nghiệm”. Khi còn giữ chức Phó Chủ tịch phụ trách Tiếp thị tại Pepsi những năm 1970, Sculley muốn giành thị phần của kình địch Coca-Cola bằng “Pepsi Challenge”. Đây là chiến dịch quảng bá trong đó công ty mời mọi người trên đường phố tham gia bài kiểm tra “mù” giữa Coke và Pepsi rồi ghi lại phản ứng của họ. Tại thời điểm đó, Coke nổi tiếng hơn nhiều Pepsi song khi nhãn hiệu bị che phủ, nhiều người lại chọn Pepsi hơn.

Jobs yêu thích mô hình của Pepsi Challenge. Sculley hồi tưởng: “Tôi nói, “Steve, điều chúng tôi học được là về trải nghiệm. Chúng tôi chưa bao giờ nói về chi tiết sản phẩm mà chỉ muốn mang đến trải nghiệm””.

Jobs đã tiếp thu bài học này một cách xuất sắc. Năm 1984, khi Apple giới thiệu máy tính Macintosh trong quảng cáo phát trong giải đấu Super Bowl, nó đơn thuần là về trải nghiệm (lúc này Sculley đã trở thành Tổng Giám đốc Apple).

“Điều ấn tượng ở quảng cáo đó, đặc biệt đối với sản phẩm công nghệ cao, là chúng tôi không trình diễn sản phẩm hay nhắc đến một thông số kĩ thuật nào. Tất cả những gì chúng tôi làm là bán trải nghiệm, một điều khác thường chuẩn bị xảy ra vào ngày 24/1/1984”.

Từ sự kiện và chiến dịch quảng bá gần đây của Apple, rõ ràng 30 năm sau, công ty vẫn là bậc thầy trong việc bán trải nghiệm thay vì sản phẩm. “Xét nhiều khía cạnh, Apple không thực sự là công ty công nghệ cao mà là công ty tiếp thị trải nghiệm nhiều hơn”, Sculley nói.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)