Một nhà máy của Nokia. Ảnh: Bloomberg.

Yahoo! đang theo đuổi những thương vụ đầu tư siêu quy mô, gần đây nhất là 9 tỉ USD đổ vào đợt niêm yết của công ty thương mại điện tử Alibaba, tiếp đó là những cái bắt tay với Snapchat và AOL vẫn còn đang nằm trên giấy.

Tuy nhiên, một mặt Yahoo! đổ tiền vào các công ty tiềm năng, mặt khác, công ty này lại đang rút đầu tư khỏi nhà máy tại Ấn Độ, quốc gia từng là vùng đất hứa của công ty công nghệ trụ sở tại Mỹ.

Theo Bloomberg đưa tin, Yahoo chuẩn bị cắt giảm 400 vị trí tại văn phòng ở Bangalore, Ấn Độ, chiếm khoảng 1/3 lực lượng tại quốc gia này. Theo thông cáo của công ty, đây là kết quả “của một số thay đổi về mặt vận hành tại Bangalore”.

Ấn Độ đang mất dần sức hấp dẫn của một tụ điểm đầu tư công nghệ thông tin. Ngày 8/10, Nokia cũng thông báo sẽ đóng cửa nhà máy Sriperumbudur sản xuất điện thoại gần thành phố Chennai, Ấn Độ từ ngày 1/11 sau khi kết thúc hợp đồng sản xuất với Microsoft.

Trong thông cáo, Nokia cho biết: “Trong trường hợp Microsoft không có thêm đơn đặt hàng, Nokia sẽ tạm ngưng sản xuất thiết bị di động tại cơ sở ở Sriperumbudur từ ngày 1/11".

Đây là một trong những nhà máy sản xuất lớn nhất của Nokia, cho ra hơn 800 triệu điện thoại di động với đội ngũ nhân viên gồm 8.000 người lao động toàn thời gian và 25.000 lao động phụ trợ.

Theo lời lãnh đạo Nokia, nguyên nhân dẫn đến quyết định trên là do cơ quan thuế của Ấn Độ đóng băng tài sản công ty Phần Lan.

Ảnh
Ấn Độ từng là quốc gia lí tưởng để các ông lớn công nghệ đặt nhà máy sản xuất.

Bước đi này của Nokia tái khẳng định lí do lớn nhất khiến các công ty công nghệ phương Tây ngừng chuyển dịch nhà máy sang Ấn Độ.

Quốc gia này vẫn đang loay hoay với nạn tham nhũng và cửa quyền, khiến Ấn Độ lọt top những nước phát triển mảng công nghệ thông tin chậm nhất nhóm quốc gia mới nổi BRICS, theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới. Vấn nạn này dựng lên rào chắn đối với cả các doanh nghiệp nước ngoài và công ty nội địa.

Trong tháng Chín, Thủ tướng mới nhậm chức – ông Narendra Modi – đã có chuyến thăm và làm việc tại Mỹ. Ông nhấn mạnh với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng chuyến thăm sẽ “củng cố niềm tin rằng Ấn Độ và Mỹ là hai đối tác quốc tế gắn bó”.

Tuy nhiên, viễn cảnh đối với các nhà máy có vốn đầu tư của tập đoàn Mỹ tại Ấn Độ không hề tươi sáng. Tổ chức tư vấn Hackett Group của Mỹ đã dự đoán trong một báo cáo năm 2012 rằng đây sẽ là năm khởi đầu cho chuỗi 8 năm “lụi tàn” của các nhà máy nước ngoài tại Ấn Độ.

Thậm chí công ty IBM – một trong những tập đoàn nước ngoài đặt nhà máy công nghệ quy mô lớn nhất tại Ấn Độ, cũng đã bắt đầu cắt giảm nhân công tại quốc gia này.

Đối với các công ty nước ngoài, Nokia là một bài học đối với Ấn Độ. Công ty này đã lên kế hoạch chuyển nhà máy về cho Microsoft thuộc một phần trong thỏa thuận bán đơn vị điện thoại di động cho tập đoàn này vào năm ngoái.

Tuy nhiên, chỉ một vài tuần sau khi hai bên thống nhất về các điều khoản, chính quyền Ấn Độ đã niêm phong tài sản của Nokia trong lãnh thổ, cáo buộc công ty này nợ 333 triệu USD tiền thuế.

Trong tháng 12, Nokia đã đồng ý trả 487 triệu USD để chuyển nhà máy về cho Microsoft. Nhưng ngay sau đó, một luật sư của chính phủ Ấn Độ khẳng định Nokia có thể phải đối mặt với một hóa đơn thuế bổ sung lên tới 3,4 tỉ USD, gần bằng một nửa so với cái giá Microsoft bỏ ra để mua về toàn bộ đơn vị điện thoại của Nokia.

Sau nhiều tháng bất đồng, cuối cùng Nokia và Microsoft đã thống nhất sẽ loại bỏ nhà máy ra khỏi hợp đồng chuyển nhượng.

Sau khi Nokia thông báo sẽ đóng cửa nhà máy vào tháng 11 tới, Bộ trưởng thương mại Ấn Độ đã lập tức lên tiếng khẳng định chính phủ cam kết sẽ ngăn chặn những sự việc tương tự xảy ra trong tương lai.

Theo Bizlive.



Bình luận

  • TTCN (0)