Samsung mới hồi đầu tuần đã chính thức công bố chuẩn kết nối Wi-Fi mới 802.11ad (WiGig) hoạt động trên băng tần 60 GHz - vốn được xem là một bước tiến quan trọng trong việc rút ngắn cách biệt về tốc độ truyền tải dữ liệu giữa kết nối dây dẫn với kết nối Wi-Fi.
Tuy nhiên, chuẩn kết nối Wi-Fi mới của Samsung thực sự có ý nghĩa gì cho người dùng? Để có được những khái niệm cơ bản về chuẩn không dây mới này, bạn hãy xem tiếp các hạng mục được liệt kê ngay sau đây.
Wi-Fi 802.11ad có tốc độ rất cao
Chuẩn kết nối Wi-Fi 802.11ad của Samsung có thể truyền dữ liệu với tốc độ lên đến 4,6 Gbps, tương đương 575 MB/giây. Với tốc độ truyền tải dữ liệu này, chuẩn Wi-Fi 802.11ad nhanh hơn tốc độ truyền tối đa của chuẩn kết nối Wi-Fi hiện tại đến 5 lần.
Nói một cách đơn giản hơn là với chuẩn Wi-Fi mới của Samsung, người dùng chỉ mất chưa đầy 3 giây để download 1 GB dữ liệu từ trên mạng. Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể truyền trực tuyến nội dung video HD định dạng không nén mà không hề gặp bất kì trở ngại nào.
Nhưng không phải là một ý tưởng mới
Mặc dù có tốc độ được xem là đột phá hiện nay, song chuẩn Wi-Fi 60 GHz này không hoàn toàn mới và cũng không hoàn toàn là ý tưởng của Samsung. Hiệp hội Wi-Fi Alliance năm 2011 đã công bố chuẩn 802.11ad “WiGig” nhằm tận dụng lợi thế của băng tần 60 GHz chưa được đăng kí trước đó.
Băng tần 60 GHz từ lâu đã được biết đến với lợi thế về băng thông siêu rộng, song lại không có khả năng xuyên tường hay các vật cản vật lí khác thật tốt cũng như khả năng hoạt động tốt trên diện rộng vì bước sóng chỉ vài milimet. Do đó, bất kì sản phẩm hỗ trợ kết nối Wi-Fi băng tần 60 GHz nào cho đến nay cũng chỉ có tầm hoạt động rất ngắn, đa phần ứng dụng cho các giải pháp trong cùng một diện tích căn phòng.
Năm 2012, Intel cũng có màn trình diễn về 802.11ad nhưng không có sản phẩm nào được ra mắt cũng vì khó khăn trên.
Giải pháp của Samsung
Dù chuẩn 802.11ad không hoàn toàn do Samsung phát triển, song hãng với giải pháp ăng-ten chùm (beam-forming) độ phủ rộng; và công nghệ modem hiện đại của mình đã tìm ra cách khả thi để sử dụng phổ 60 GHz một cách đáng tin cậy nhất.
Công nghệ ăng-ten Beam-forming một lần nữa mặc dù không phải là công nghệ độc quyền của Samsung nhưng nó cho phép phát sóng một cách có định hướng - thay vì phát tràn lan trong không khí như các tiêu chuẩn hiện tại. Để tăng chất lượng sóng không dây, Samsung còn ứng dụng công nghệ micro beam-forming control (điều chỉnh tín hiệu trực tiếp trên ăng-ten giúp tăng vùng phủ sóng và hiệu suất bằng cách hạn chế nhiễu.
Thời gian thương mại hóa
Samsung cho hay công nghệ không dây 802.11ad của hãng đã vượt qua được các rào cản trong việc thương mại hóa; và đã sẵn sàng để đưa ra thị trường trong năm 2015. Kế hoạch cụ thể cho việc ứng dụng công nghệ kết nối Wi-Fi tốc độ cao này lên một loạt các sản phẩm khác nhau bao gồm các thiết bị y tế, các thiết bị viễn thông, các thiết bị IoT... cũng đã được Samsung vạch ra.
Tuy nhiên, người dùng đừng quá mong đợi các thiết bị di động của hãng sẽ được ứng dụng chuẩn Wi-Fi mới này trong năm sau.
Wi-Fi 802.11ad không giúp tăng tốc những tác vụ quan trọng
Người dùng cũng cần phải lưu ý rằng chuẩn không dây tốc độ cao này chỉ thực sự tốc độ khi truyền tải dữ liệu cục bộ. Có nghĩa là chuẩn 802.11ad của Samsung sẽ chẳng giúp cải thiện tốc độ cho các tác vụ trực tuyến như: stream video từ Netflix, download tập tin, tăng tốc duyệt web, chơi game hay các tác vụ phụ thuộc vào tốc độ đường truyền Internet.
Theo PC World VN.
Bình luận