Trong cuộc phỏng vấn trên chương trình “60 Minutes” của đài CBS, ông Comey cho rằng tiêu chuẩn mã hóa trên iPhone, iPad của Apple đặt mọi người ngoài vòng pháp luật. Gần đây, Apple thực hiện một số biện pháp nhằm tăng cường quyền riêng tư cho người dùng. Chỉ người dùng mới có mã số để mở khóa tin nhắn, hình ảnh, email trên thiết bị. Như vậy, iOS 8 giúp bảo vệ dữ liệu khỏi bất cứ ai, kể cả cảnh sát.
Cơ chế hoạt động của tính năng như sau: Bạn gửi đi tin nhắn được mã hóa, nó vượt qua máy chủ của Apple dưới dạng code mà không ai phá được và chỉ được giải mã khi đến tay người nhận. Google cũng tuyên bố làm điều tương tự với thiết bị Android.
Tuy nhiên, Giám đốc FBI không hài lòng vì điều này, bởi chẳng hạn khi có lệnh của tòa án dựa trên các bằng chứng có liên quan tới bắt cóc trẻ em, ấu dâm hay khủng bố, cơ quan chức năng không bao giờ có thể mở được chúng.
Ông ví việc bán iPhone cũng giống như bán “xe hơi với cốp xe mà nhà hành pháp không thể mở được dù có lệnh của tòa”.
Nhưng theo CNN, có hai điểm sai trong lời nói của ông Comey. Thứ nhất, FBI bằng cách này hay cách khác vẫn có được dữ liệu điện thoại của người dân, chỉ khác là họ không được đi “cửa sau” mà phải gõ cửa trước kèm theo lệnh. Nếu từ chối để FBI truy cập điện thoại, FBI có thể yêu cầu tòa án buộc bạn phải làm vậy. Nếu kháng lệnh, chính phủ có thể khép bạn vào tội chống đối. Dù vậy, điều đó đồng nghĩa với FBI phải đánh động kẻ bị tình nghi dẫn tới các nỗ lực xóa bỏ dấu vết.
Thứ hai, nhà hành pháp nếu được phép truy cập thiết bị, tin tặc có thừa khả năng để khai thác bất kì khe hở nào. Đối với dữ liệu, sở hữu chìa khóa có ý nghĩa quan trọng vì đó là thứ duy nhất có thể mở ra cuộc sống số của bạn. Do đó, dù là FBI hay tin tặc, chúng cũng như nhau.
FBI muốn các công ty để ngỏ cửa hậu trên sản phẩm, dịch vụ, nó là vấn đề vì trên chương trình trước đó, ông Comey từng nói mọi người đều là nạn nhân của tin tặc: “Có người bị tấn công bởi hacker Trung Quốc và có người không biết rằng mình bị tấn công bởi hacker Trung Quốc”.
Theo ICTnews.
Bình luận