Hơn một tuần nay, hệ thống kiểm tra thẻ trên nhiều xe buýt tuyến 06 vẫn chưa thể đi vào hoạt động vì không có thẻ để kiểm tra. Ảnh: KS.

Khai trương thí điểm sử dụng vé xe buýt điện tử, UBND Hà Nội kì vọng sẽ cải thiện khả năng kết nối và độ tin cậy của các hệ thống giao thông công cộng, bao gồm cả xe buýt nhanh và đường sắt đô thị. Tuy nhiên qua một tuần triển khai, tình hình thực tế không được như mong đợi.

Có mặt tại bến xe Giáp Bát, nơi thí điểm sử dụng vé xe buýt điện tử trên tuyến 06 Giáp Bát - Cầu Giẽ, hơn 1 tuần trôi qua nhưng hầu hết các hành khách trên tuyến 06 vẫn đang sử dụng vé thường. Khi được hỏi, nhiều hành khách cũng không biết khi nào hệ thống hiện đại này mới được đi vào hoạt động. Khẳng định việc hiện đại hóa hệ thống bán và kiểm soát vé cá nhân khi đi xe buýt là việc cần làm, phù hợp với quy luật phát triển, nhưng nhiều hành khách vẫn bày tỏ quan điểm, cần có lộ trình hợp lí để triển khai và quan trọng nhất vẫn là ý thức của hành khách.

Trao đổi với phóng viên, bạn Phạm Ngọc Quân (sinh viên Cao đẳng nghề Bách Khoa) cho biết: “Em thường xuyên đi tuyến này nhưng hiện tại khi lên xe vẫn chưa có hành khách nào sử dụng loại vé điện tử như thông báo. Theo em, lợi ích của việc sử dụng vé xe buýt điện tử thì ai cũng có thể nhận ra là phù hợp với xu hướng phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, việc đưa vào áp dụng với các tuyến xe đông thì không phù hợp. Buổi sáng, sinh viên và học sinh đi học rất đông, có lúc hàng chục người lên xe một lúc thì khó có thể xếp hàng để lần lượt quét thẻ, gây mất thời gian. Em nghĩ thẻ này chỉ nên sử dụng với tuyến vắng người".

Đồng quan điểm với Quân, bạn Nguyễn Minh Nguyệt, sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân, người có "thâm niên" đi xe buýt cho rằng, bình thường phụ xe đã khó có thể kham nổi việc kiểm soát vé của hành khách khi tuyến quá đông, nên nếu đưa máy móc vào hoạt động cũng khó nói có xảy ra tình trạng trốn vé hay không. Cũng theo sinh viên này, khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng gồm nhiều thành phần, trong đó nhiều người chưa quen, chưa biết đến công nghệ thông tin. Do đó, thời gian đầu, cơ quan quản lí nên áp dụng một số tuyến mà có lượng khách sử dụng vé tháng nhiều. Đối tượng áp dụng việc dùng vé trước tiên là sinh viên vì thành phần này tiếp cận với công nghệ thông tin nhanh nhất và sử dụng xe buýt thường xuyên.

Trong khi đó, bác Nguyễn Xuân Vũ (65 tuổi, Đại Cồ Việt) chia sẻ: “Tiến tới hiện đại hóa là tốt nhưng tôi nghĩ các cơ quan chức năng cũng cần tính đến những người già như chúng tôi. Bình thường đi được xe buýt đã khó, giờ lên xe lại phải kiểm tra theo công nghệ mới. Nhiều khi mắt mờ, chân chậm cũng khó tránh ảnh hưởng đến thời gian lên xe của mọi người".

Không chỉ có ý kiến hành khách, bản thân những người lái xe, phụ xe buýt cũng có ý kiến của họ. Theo một số phụ xe lâu năm, ở những địa điểm trung chuyển, trường đại học, lượng khách lên khá đông, có khi tới chục người mà chỉ cần quá trình quẹt thẻ chậm có thể gây mất thời gian cho xe buýt trong khi quy định ở mỗi địa điểm, xe buýt chỉ được dừng trong vài phút. Hơn nữa, vừa sử dụng thẻ điện tử, vừa sử dụng thẻ giấy truyền thống, vé ngày sẽ khiến cho nhân viên trên xe rất khó kiểm soát sự trung thực của hành khách.”

Anh Phạm Quyết Chiến, lái xe trên tuyến 06 cho biết, dù đã khai trương nhưng hiện nay hệ thống quét thẻ điện tử trên nhiều xe vẫn chưa hoạt động. Vì vậy phụ xe vẫn đảm nhận việc kiểm tra vé như bình thường. Theo các lái xe, việc triển khai này sẽ phải mất khoảng một tháng mới thực sự đi vào đồng bộ trên tất cả các xe. Lí giải về sự chậm trễ này, các lái xe cho rằng có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, hiện nay chúng ta chưa đồng bộ hệ thống máy móc trên tất cả các xe, nhiều xe vẫn còn thiếu một số bộ phận. Thứ hai, để người dân có thể chuyển từ vé thường sang vé điện tử thì cần phải có thời gian. Và chỉ khi nào toàn bộ số vé điện tử được tung ra thì quá trình thí điểm mới thực sự cho thấy hiệu quả của nó.

Ảnh
Hiện hành khách vẫn dùng vé thường còn các nhân viên trên xe buýt thì cũng chưa biết bao giờ hệ thống điện tử mới đi vào đồng bộ. Ảnh: KS.

Đề cập đến lợi ích mà những tấm vé xe điện tử mang lại, anh Chiến cho rằng: Chỉ khi nào đi vào thực tế mới biết được. Tuy nhiên, việc thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh trước đây sẽ cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm. “Nếu theo đúng tiêu chí văn minh đô thị người lên xe ngồi đủ số ghế thì "quẹt" thoải mái, nhưng hiện nay mỗi chuyến chúng ta có quá đông hành khách nên việc kiểm soát được hay không sẽ là một vấn đề khác”, anh Chiến chia sẻ.

Vé xe buýt điện tử - một xu hướng tất yếu đối với phương tiện giao thông công cộng được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Tại Việt Nam, việc đưa những tấm thẻ thông minh này vào thí điểm là một tín hiệu đáng mừng trong phát triển loại hình phương tiện giao thông công cộng hiện đại. Tuy nhiên, để có thể thành công trong quá trình thay đổi này, trước mắt chúng ta cần phải có sự tính toán kĩ lưỡng trong thời gian thí điểm và đặc biệt là lắng nghe ý kiến từ chính những người đang hàng ngày sử dụng các phương tiện công cộng.

Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận phương án thí điểm hệ thống vé điện tử thông minh cho xe buýt của Sở Giao thông Vận tải. Giai đoạn 1 sẽ trang bị toàn bộ thiết bị phát hành thẻ cho hai điểm trung chuyển Long Biên và Cầu Giấy; trang bị thiết bị gia hạn thẻ cho 42 điểm bán vé tháng trên toàn mạng. Thời gian thực hiện giai đoạn này trong vòng 15 tháng. Giai đoạn hai sẽ mở rộng lắp đặt thiết bị cho toàn hệ thống xe buýt trên thành phố. Sở Giao thông Vận tải dự kiến thực hiện giai đoạn này sau năm 2015. Với giai đoạn 3 sẽ mở rộng sử dụng vé điện tử đối với các loại hình vận tải công cộng khác, trong đó có đường sắt đô thị (dự kiến sau năm 2017, sẽ thực hiện giai đoạn này).

Theo ĐCSVN.



Bình luận

  • TTCN (0)