Hiểu thế nào cho đúng?
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông - công nghệ thông tin, ít nhiều đã có sự hiểu nhầm trong cộng đồng xã hội liên quan đến nội dung quyết định “thu hồi điện thoại di động (ĐTDĐ), máy tính hết hạn sử dụng sau 2015”.
Trách nhiệm của nhà sản xuất
Cụ thể theo Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định thu hồi và xử lí sản phẩm thải bỏ (dưới đây gọi là QĐ-50) thì thu hồi sản phẩm thải bỏ là việc doanh nghiệp (DN) sản xuất, nhập khẩu thu lại sản phẩm đã hết thời hạn sử dụng hoặc sản phẩm được thải ra sau quá trình sử dụng.
Nằm trong danh mục sản phẩm phải thu hồi có ắc quy, pin; các thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp như bóng đèn, máy vi tính, máy in, máy chụp ảnh, quay phim, ĐTDĐ, các loại đầu đọc băng đĩa, tivi, tủ lạnh, máy điều hòa; các loại hóa chất, dầu nhớt, mỡ, săm lốp, ô tô, xe máy...
Theo chuyên gia này, QĐ-50 chủ yếu hướng tới gắn trách nhiệm của các công ty sản xuất, nhập khẩu với các sản phẩm của mình. Chuyên gia này cho biết trước đây thông thường các sản phẩm được bán cho người tiêu dùng thì nhà sản xuất hoặc các công ty nhập khẩu chỉ có trách nhiệm trong thời gian bảo hành sản phẩm. Hết thời gian này coi như họ không còn liên quan gì nữa.
Tuy nhiên, QĐ-50 đã gắn nghĩa vụ của các đơn vị sản xuất, nhập khẩu trong trách nhiệm thu hồi nếu người dùng không muốn sử dụng, lưu giữ sản phẩm nữa.
“Ví dụ ở một số nước, các hãng như Canon hoặc HP thường có các điểm thu hồi các hộp mực in. Người dùng thay vì vứt vào sọt rác có thể mang các hộp mực đã qua sử dụng đến các điểm thu hồi này và nhà sản xuất có trách nhiệm xử lí sau đó”, chuyên gia cho biết
Không ảnh hưởng đến người tiêu dùng
Theo chuyên gia này, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền quyết định với sản phẩm mà họ đã mua. Chuyên gia cho biết: “Nếu điện thoại, TV hay tủ lạnh của bạn dùng đã 20 năm, đã hỏng nhưng bạn muốn giữ lại làm kỉ niệm cũng không ai có quyền thu hồi của bạn. Tuy nhiên nếu thay vì muốn bán đồng nát hoặc vứt bỏ bạn có thể đem sản phẩm đến điểm thu hồi của nhà sản xuất hoặc đơn vị nhập khẩu”.
Cũng theo chuyên gia trên, QĐ-50 không ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Người tiêu dùng chỉ có trách nhiệm chuyển giao sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi, phần còn lại là công việc của các nhà sản xuất hoặc công ty nhập khẩu sản phẩm. “Ví dụ sau này các hãng như Samsung hoặc Nokia sẽ phải thành lập các bộ phận thu hồi trực tiếp hoặc thông qua các kênh phân phối của mình để nhận sản phẩm chuyển lại từ người dùng”, chuyên gia cho biết.
Tuy nhiên chuyên gia này cũng cho rằng với trình độ kinh tế và tiêu dùng như ở Việt Nam thì việc người dùng đem các sản phẩm cũ hỏng đến các điểm thu hồi có lẽ sẽ ít được lựa chọn. “Có lẽ với nhiều người đem các đồ vật cũ hỏng bán đồng nát để thu lại chút tiền là hành vi phổ biến hơn”, chuyên gia này nói.
Chuyên gia trên cũng bày tỏ tin tưởng quyết định này ít nhiều sẽ có những tác động tích cực liên quan đến vấn đề môi trường ở Việt Nam.
"Giật mình" vì... không có hạn sử dụng
Hạn sử dụng không có
Theo ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại di động Mai Nguyên, từ trước đến nay, các thiết bị viễn thông như điện thoại di động, tablet, loa, thiết bị máy tính... đều chưa thấy ghi hạn sử dụng cụ thể trên sản phẩm.
Hiện nay, quy trình của các nhà sản xuất thiết bị điện tử là chỉ ghi tháng và năm sản xuất lên vỏ hộp. Thậm chí, trong sách hướng dẫn sử dụng sản phẩm (đi kèm theo khi mua máy mới) cũng không hề đề cập đến thời gian sử dụng tối đa của sản phẩm, có chăng chỉ là thông tin về chính sách và thời gian bảo hành.
Ngoài ra, thói quen của người dùng các thiết bị di động hiện nay là sử dụng sản phẩm cho đến khi thiết bị gặp lỗi, hoặc hư hoàn toàn, hoặc đã quá lạc hậu, mới bỏ thiết bị.
Vì thế, nếu quyết định này được triển khai, nhà sản xuất cần phải thông tin rõ về hạn sử dụng sản phẩm cho khách hàng, ông Triều Nguyên cho biết.
Theo ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc Trung tâm Phát triển Kinh doanh của chuỗi bán lẻ FPT Shop, hiện nay vì chưa có quy định hay hướng dẫn về thời hạn sử dụng các sản phẩm công nghệ từ các nhà sản xuất, nên việc xác định "điện thoại nào đã quá hạn sử dụng" là không dễ. FPT Shop chỉ có thể đưa ra biện pháp hỗ trợ khi nhận được quy định về cách thức kiểm tra/thu hồi chính thức các sản phẩm này.
Nếu áp dụng quy định, FPT Shop sẽ sử dụng 150 điểm bán hàng trên phạm vi cả nước của mình để làm nơi tiếp nhận sản phẩm thuộc diện thu hồi.
Chờ thông tư hướng dẫn
Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Công ty điện tử Samsung Vina, cho biết việc góp phần bảo vệ và giảm thiểu tác động đến môi trường là mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển của Samsung. Vì vậy, sau khi nhận được thông báo về quyết định 50/2013/QĐ-TTg, Samsung đã chủ động liên hệ với các bộ, ban ngành và hiện vẫn đang chờ thông tư hướng dẫn thực hiện của Bộ Tài nguyên - Môi trường về quy trình thu hồi và xử lí rác thải điện tử.
Ông Đạo cũng cho biết đối với các sản phẩm điện tử nói chung, thì các thiết bị này chỉ có hạn bảo hành chứ không có hạn sử dụng.
Ngoài ra, ông Đạo còn cho biết phạm vi ảnh hưởng của quyết định nói trên không chỉ là điện thoại di động hay máy tính bảng mà còn liên quan đến nhiều thiết bị điện tử khác như: máy tính để bàn, màn hình, máy in, đầu đĩa, tủ lạnh, máy giặt...
Như vậy, vai trò của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thiết bị liên quan là cần phải thiết lập các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ, thỏa thuận với người dùng về cách thức chuyển giao và tiếp nhận sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi… Ngay từ bây giờ, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thiết bị điện tử cần chuẩn bị việc này để góp phần tích cực bảo vệ môi trường.
Một điện thoại cũ bằng một cây xanh
Trao đổi với Thanh Niên Online, bà Lê Ngọc Vi, Trưởng bộ phận truyền thông của Nokia tại Việt Nam, cho biết công ty Microsoft (sở hữu Nokia) vẫn đang triển khai chương trình thu hồi điện thoại hoặc linh kiện cũ của Nokia không còn sử dụng. Nokia tổ chức thu hồi tại các điểm bảo hành trên phạm vi cả nước, sau đó xử lí theo quy định của nhà nước.
Microsoft cũng đã triển khai thêm chương trình “Một điện thoại, một cây xanh” tại Huế. Cụ thể, cứ mỗi một sản phẩm không còn sử dụng mà khách hàng đem đến các điểm bảo hành của Nokia, Microsoft sẽ trồng thêm một cây xanh cho rừng ngập mặn Việt Nam. Chương trình này còn đưa ra ý tưởng mỗi một cây xanh trồng trong rừng ngập mặn như vậy sẽ mang tên của chính khách hàng. Microsoft dự định nhân mô hình này ra rộng khắp các thành phố tại Việt Nam.
Tương tự, đại diện của Sony tại Việt Nam cũng cho biết bắt đầu từ năm 2009, Sony đã triển khai chương trình thu hồi tất cả các thiết bị linh kiện, sản phẩm cũ không còn được sử dụng của Sony. Điểm thu hồi đặt tại các cửa hàng bảo hành ủy quyền của Sony. Khi thu hồi, Sony sẽ tiêu hủy hoặc tái chế các thiết bị điện tử cũ theo đúng quy định của nhà nước.
Chưa chuẩn bị kịp quy trình thu hồi
Ông Lê Văn Khoa, nguyên Giám đốc Quỹ Tái chế chất thải TP HCM, hiện công tác tại Đại học Bách khoa TP HCM, cho hay với tình hình hiện tại thì quyết định này khó khả thi.
Lí do, theo ông Khoa, là nhìn vào thực tế hiện nay, chưa có doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm điện tử chuẩn bị cho việc thu hồi hay tái chế sản phẩm. Doanh nghiệp cũng chưa xây dựng các hệ thống đại lí thu gom các sản phẩm hết hạn sử dụng, thu hồi để làm gì…
“Việc kiểm tra, xử phạt, cưỡng chế trong trường hợp doanh nghiệp không chịu thu hồi cũng chưa thấy quyết định nhắc tới. Việc tuyên truyền liên quan đến thu hồi các sản phẩm điện tử chưa sâu rộng khiến người tiêu dùng, thậm chí doanh nghiệp chưa hiểu”, ông Khoa nói.
Về kinh nghiệm ở các nước tiên tiến, ông Khoa cho biết ngoài việc chuẩn bị tốt công tác thu hồi, tái chế sản phẩm, hệ thống thu gom, xử phạt, các nước còn có chính sách, biện pháp khuyến khích trong việc thu hồi các sản phẩm điện tử hết hạn sử dụng.
Ông Khoa nói: “Biện pháp đó là buộc người mua phải kí quỹ hoàn chi. Ví dụ sản phẩm có giá 5 đồng nhưng khi mua, người mua phải trả 6 đồng. Khi sản phẩm hết hạn sử dụng, nếu đem trả lại, người mua sẽ được trả lại 1 đồng. Cách làm này rất hiệu quả khuyến khích người mua phải nộp lại sản phẩm hết hạn đúng nơi đúng chỗ”.
Theo Thanh Niên.
Bình luận