Captain Strike, game bắn súng góc nhìn thứ 3 phong cách e-sport

Casual vs gMO

Với những tên tuổi kì cựu như Flappy Bird, Ninja Revenge, Zombie Age, Rip Off, School Cheater hay DidiDodo,…những tựa game đã đạt được hàng triệu lượt tải và được xuất hiện trên một số trang tin game nước ngoài, có thể thấy game mobile Việt được đón nhận trên thế giới không phải ít. Tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở Casual, thể loại game đơn giản và dễ tiếp nhận, tuy vậy casual không mang về nguồn thu lớn cũng như khó có khả năng thu hút nhiều game thủ “hardcore”.

Khác hẳn với game casual, gMO có thể thu hút được game thủ “hardcore” và mang về doanh thu “khủng” cho cả Studio và NPH. Điều đáng tiếc, Việt Nam vẫn chưa thể xuất hiện trên bản đồ gMO thế giới. Gần đây nhất, Magic Stamp – bản quốc tế của Tem Phép Thuật do AVA game phát triển ra mắt hồi đầu tháng 10 và Captain Strike - bản quốc tế của Chiến Binh CS do Joy Entertainment phát triển, ra mắt 20/10, là 2 gMO “made in Vietnam” đầu tiên bắt đầu thực hiện tham vọng tiến đánh thị trường thế giới.

Khá dễ hiểu khi các studio nhà còn chần chừ trong bước đi này. Thời gian phát triển một game casual chỉ từ vài tháng, có khi vài ngày, chi phí cũng không quá tốn kém, việc phân phối chỉ cần đưa lên các kho tải. Còn phát hành gMO lại không đơn giản như vậy, thời gian và tiền bạc đầu tư cho game là rất lớn. gMO phát hành ra quốc tế ngoài chất lượng tốt còn cần nhiều yếu tố như chiến lược marketing, xây dựng cộng đồng, chăm sóc khách hàng, chưa kể đến sự cạnh tranh khốc liệt từ những tựa gMO của nhà phát hành ngoại và khác biệt thị hiếu người chơi. Trong khi thị trường trong nước đã có sẵn cộng đồng cũng như quy trình vận hành nên việc ra mắt game sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Độ khó của bài toán marketing và rủi ro đang cản bước những Studio Việt muốn đầu tư vào gMO cho thị trường quốc tế. Bởi vậy, dám mang game online đi đánh xứ người đòi hỏi phải có ước mơ lớn và dám chấp nhận rủi ro.

Cơ hội cho game nhà trên đất khách

Khó khăn là vậy nhưng không phải là không thể. Nếu xét về trình độ, các Studio Việt làm ra game chất lượng không thua kém gì thế giới, có những studio còn quyết tâm đầu tư vào gMO một cách nghiêm túc, Captain Strike đã được JOY Entertainment dành đến 2 năm để phát triển, 1 năm để vận hành game tại sân nhà nhằm thu thập ý kiến người chơi và xây dựng cộng đồng trước khi cho ra mắt bản quốc tế.

Mặc dù được đầu tư khá tốt nhưng điều mà nhà phát triển game Việt còn thiếu đó là cộng đồng game thủ ngoại và khả năng thấu hiểu thị hiếu người chơi của từng thị trường nhất định. Bởi vậy, cả JOY và AVA đều chọn 2 thể loại game khá khác biệt với thị trường game Việt là bắn súng và Card Battle để dò dẫm thị trường ngoại.

Ngoài ra, hai Studio này cũng chọn cho mình hướng đi khôn khéo và ít rủi ro hơn khi hợp tác với nhà phát hành Appota Inc (chi nhánh Singapore của Appota) để phân phối ra thị trường quốc tế. Việc “chọn mặt gửi vàng” này cũng không mấy ngạc nhiên khi Appota Inc đang có trong tay 15 triệu người dùng trên toàn thị trường Đông Nam Á và từng có kinh nghiệm phân phối cho nhiều sản phẩm ứng dụng nổi tiếng của ZeptoLab, Line, UC Web, v.v..

Màn “song kiếm hợp bích” studio - NPH tuy không mới nhưng có lẽ vẫn là phương pháp phát huy được tối đa hiệu quả cho nhà phát triển game khi muốn đem sản phẩm của mình ra cộng đồng. Studio có thể rảnh tay để nghiên cứu phát triển game khi NPH giúp xử lí các vấn đề về xây dựng cộng đồng, thị trường và marketing.

Sau hơn 2 tuần ra mắt, Magic Stamp cũng nhận được những phản hồi tích cực bước đầu trên các trang tin nước ngoài. Còn Captain Strike thì leo lên được vị trí đầu tiên của bảng xếp hạng game hot trên Touch Arcade ngay sau ngày đầu ra mắt. Hi vọng, những thành công bước đầu này sẽ mở đầu cho phong trào studio Việt mang game mobile online ra biển lớn.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)