Thời gian qua, việc kiểm tra, quản lí các nguồn, thiết bị phóng xạ đang được dư luận cũng như các cơ quan chức năng hết sức quan tâm. Đặc biệt là sau vụ việc một thiết bị chứa chất phóng xạ hạt nhân bị mất cắp tại TP HCM đã gióng lên một hồi chuông về việc quản lí các thiết bị hết sức nguy hiểm này.
Theo thống kê, trên địa bàn TP hiện có hơn 1200 nguồn phóng xạ với 10 chủng loại khác nhau, được sử dụng tại 624 cơ sở y tế. Ngoài ra, còn có 67 cơ sở đang sử dụng 241 và lưu giữ 39 nguồn phóng xạ trong lĩnh vực công nghiệp….
Ngày 1/10 vừa qua, trong buổi làm việc với Sở Khoa học & Công nghệ TP HCM cùng Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP HCM đã chỉ đạo hai đơn vị nói trên xây dựng đề án theo dõi các thiết bị bức xạ, phóng xạ trên địa bàn TP. Đây là một việc làm hết sức cần thiết để có thể quản lí, giám sát một cách có hiệu quả các thiết bị này.
Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC cho rằng, số lượng nguồn phóng xạ và cơ sở lưu trữ, sử dụng như trên là không lớn, hoàn toàn có thể định vị và giám sát bằng một hệ thống tập trung, cộng với công nghệ, thiết bị, phần mềm hoàn toàn do Việt Nam làm chủ. Sau một thời gian nghiên cứu, ICDREC đã xây dựng được một hệ thống quản lí và định vị nguồn phóng xạ mang đúng chuẩn “made in Việt Nam”.
Hệ thống bao gồm các thiết bị giám sát, quản lí thông tin, vừa có chức năng thu thập dữ liệu định vị tọa độ, hướng di chuyển, tốc độ … của nguồn phóng xạ được giám sát thông qua vệ tinh GPS hoặc Cell ID của hệ thống viễn thông, vừa truyền các dữ liệu này về hệ thống máy chủ thông qua mạng viễn thông (GPRS/GSM).
“Hệ thống quản lí nguồn phóng xạ trên cho phép chúng ta có thể theo dõi có bao nhiêu thiết bị phát xạ đang ở trạng thái nào (di chuyển, đứng yên, cảnh báo, mất tín hiệu GPS, sắp hết pin…) và vị trí trực quan trên bản đồ với các màu sắc và biểu tượng rõ ràng. Đồng thời có thể tìm kiếm nhanh một thiết bị bất kì cũng như cho phép xem lại lịch sử hành trình và trạng thái thiết bị phát xạ trong quá khứ”, ông Hoàng cho biết.
Về nguyên tắc hoạt động, các thiết bị này sẽ được gắn trên máy phát xạ cần giám sát và sử dụng nguồn pin có dung lượng cao. Thời gian sử dụng từ 6 tháng đến 1 năm. Khi ở trạng thái không di chuyển, thiết bị sẽ chuyển sang trạng thái chờ nhằm giảm thiết tối đa lượng điện tiêu thụ. Khi máy phát xạ di chuyển, thiết bị sẽ tự động phát hiện và cấp nguồn cho các khối chức năng hoạt động để xác định vị trí của máy (gửi tin nhắn/ gọi điện cảnh báo đến người quản lí, gửi cảnh báo đến trung tâm điều hành), ghi lại nhật kí hành trình của máy phát xạ và hiển thị theo thời gian thực). Khi máy phát xạ ngừng di chuyển, thiết bị tự động trở lại trạng thái chờ.
Ông Hoàng cho biết thêm, để tăng độ nhanh chóng, chính xác trong việc quản lí, tìm kiếm nguồn phóng xạ nếu xảy ra sự cố, hệ thống do ICDREC thiết kế chỉ thu nhận thông tin thông qua tín hiệu vệ tinh (GPS) chứ không thông qua mạng lưới viễn thông di động như nhiều hệ thống khác trên thế giới. “Việc định vị thông qua mạng lưới viễn thông di động có sai số trong phạm vi bán kính 100 m2. Đối với một TP lớn như TP HCM, việc sai số như trên là vô cùng lớn, không hiệu quả trong việc định vị và tìm kiếm thiết bị khi cần thiết. Với phương pháp định vị bằng GPS, sai số chỉ nằm trong bán kính khoảng 10m, phù hợp hơn so với điều kiện của Việt Nam”.
Thiết bị theo dõi và quản lí nguồn phóng xạ được sử dụng chịp điện tử SG8V1 - KIT DE-SG8V1.Đây là sản phẩm vừa được ICDREC thương mại hóa, nằm trong chương trình trọng điểm về nghiên cứu phát triển Vi mạch của TP HCM. Đến thời điểm hiện tại, chip SG8V1 đã được ứng dụng vào nhiều thiết bị điện tử như khóa điện tử giám sát quản lí Container, thiết bị thu thập dữ liệu điện kế từ xa, thiết bị giám sát hành trình xe ô tô… được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao về tính năng cũng như giá thành.
Theo Khám Phá.
Bình luận