Một chuyên gia tại tạp chí Computerworld mạnh dạn đưa ra dự báo rằng Google sẽ “kết liễu” Gmail trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, đến nay thì Google vẫn chưa có bất kì thông báo hay động thái nào về chuyện sẽ đưa dịch vụ này vào viện dưỡng lão.
Nhưng cho dù chúng ta thích hay không thích Gmail, thậm chí Google biết hay không biết điều đó thì Gmail không sớm thì muộn cũng sẽ chịu chung số phận với những sản phẩm “đàn anh” hết thời trước đây, chẳng hạn như Google Reader bởi thực tế cho thấy mọi hoạt động của những dịch vụ hiện phụ thuộc vào người dùng, chứ không phải là các thuật toán như trước.
Email thực sự là gì?
Email về cơ bản là dịch vụ được tạo ra với mục đích hoạt động như “đường ống” (dumb pipe). Theo cách hiểu trong lĩnh vực mạng di động, “đường ống” có nghĩa nhà mạng đơn thuần truyền tải các bit dữ liệu giữa thiết bị của người dùng và mạng Internet. Do đó, nhà mạng không mong muốn xây dựng các “đường ống” đơn thuần vì chúng không đem lại lợi nhuận. Giá trị của “đường ống” chỉ nằm ở đặc tính độ tin cậy và tốc độ truyền tải.
Với người dùng, họ luôn mong muốn “đường ống” nhà mạng cung cấp sao cho thật nhanh, tin cậy và có giá thành rẻ. Sau đó, thông qua “đường ống” này, họ sẽ tải ứng dụng, dịch vụ và các sản phẩm mạng xã hội từ Internet.
Email là phiên bản “đường ống” của công nghệ truyền thông, và đó là lí do vì sao nó vẫn phổ biến cho đến tận thời điểm hiện tại.
Ý tưởng đằng sau email là phương tiện truyền thông không có trung gian. Nghĩa là, bạn gửi thông điệp đến ai đó, thì người đó sẽ nhận được thông điệp của bạn mà không phải qua ứng dụng, bộ lọc hay hệ thống hỗ trợ nào khác. Còn khi người khác gửi thông điệp cho bạn, các thông điệp sẽ xếp chồng nhau trong hộp thư của bạn theo thứ tự thời gian, thông điệp mới nhất sẽ nằm ở phía trên cùng.
So sánh với Facebook, sẽ có một chút khác biệt, bởi khi bạn gửi thông điệp đến ai đó, mạng xã hội này sẽ chuyển thông điệp đó vào hộp thư “Other”, là nơi ít ai vào kiểm tra để xem. Như vậy thông điệp bạn gửi đã qua trung gian, hay bộ lọc xử lí.
Dĩ nhiên, email không phải hoàn toàn không có trung gian. Thư rác (spam) cho thấy đặc điểm này. Bạn có thể thiết lập các quy luật để bộ lọc nhận dạng chính xác thư nào là spam, thư nào không phải là spam.
Nhưng cốt lõi, email vẫn là phương tiện truyền thông không có trung gian, và nó là một dạng “đường ống”. Và đó là lí do tại sao mọi người vẫn thích và dường như trung thành với cái gọi là thư điện tử - tức email.
Vậy tại sao email lại là "cái gai" trong mắt Google?
Bạn sẽ nhận thấy Google đã có nhiều nỗ lực trong việc thay thế “đường ống” Gmail với một thứ gì đó thông minh hơn. Gã khổng lồ công nghệ đầy tham vọng này từng thử tung ra Google Wave, nhưng thất bại. Tiếp nữa là mạng xã hội "vòng kết nối" Google+ với ý tưởng sẽ thay thế email, nhưng rồi cũng thất bại.
Tiếp tục với những nỗ lực, Google bổ sung các tính năng ưu tiên trong Gmail. Sau đó thêm các thẻ, tách các thông điệp theo nhãn như "Primary," "Promotions," "Social Messages," "Updates" và "Forums" và rồi thỉ các bổ sung này vẫn không tạo ra “cú hích” như mong muốn, thay vào đó là sự xáo trộn những gì đã có.
Nhưng dường như, mọi chuyện sẽ thay đổi, chí ít trước động thái Google vừa ra mắt ứng dụng/dịch vụ mới mang tên Inbox.
Ở một góc độ nào đó, đây vẫn tiếp tục là một nỗ lực khác nữa của Google để xây dựng trung gian cho “đường ống” email mà hãng này đã và đang cung cấp cho khách hàng.
Inbox đơn thuần là ứng dụng hỗ trợ người dùng thuận tiện hơn trong việc quản lí email với các chức năng "cốt lõi" như phân loại email, tự động dán nhãn, nhắc nhở đọc mail, sắp xếp nhóm email theo chủ đề, kết nối thông tin Google Now,…
Điểm mấu chốt, Inbox giúp mở rộng kênh thông tin liên lạc giữa bạn và những người khác, những công ty cung cấp hàng hóa, dịch vụ, nội dung cho bạn, và tất cả điều này mang đến sức mạnh, khả năng xử lí thông minh cho hộp thư.
Tuy vậy, Inbox vẫn tồn tại một số vấn đề về kiểm soát người dùng, khả năng dự đoán và sự rõ ràng, do đó người dùng sẽ đánh giá các vấn đề này và quyết định tương lai của dịch vụ, ứng dụng mới mà Google cung cấp.
Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Google và các công ty như Google luôn thích những thứ có trung gian. Lí do ư, quá đơn giải, bởi Google kinh doanh dựa trên giải thuật, theo dõi hành vi người dùng để tùy biến, cá nhân hóa trải nghiệm trực tuyến và cung cấp quảng cáo.
Google tồn tại để “làm trung gian cho những thứ không trung gian” thể hiện qua các hoạt động: công cụ tìm kiếm Google làm trung gian giữa chúng ta và Internet; và đó cũng chính là lí do Google “kết liễu” Google Reader.
Các chuyên gia tin rằng Google sẽ sớm “xếp kho” Gmail ngay khi người dùng yêu thích dịch vụ thay thế mà Google cung cấp. Dĩ nhiên, Google có thể vẫn cung cấp Gmail như một hộp thư mặc định cho vài nhóm người dùng.
Tóm lại, email không có trung gian, vì vậy Google sẽ muốn loại bỏ nó càng sớm càng tốt. RSS và email sẽ biến mất, mặc dù tốt nhưng chúng không đem lại lợi nhuận, chí ít là với Google.
Theo PC World VN. Nguồn Computerworld.
Bình luận