Samsung vừa báo cáo kết quả kinh doanh tệ nhất kể từ Q2I/2011, trong đó mảng di động trở thành “tội đồ” khi lợi nhuận giảm tới 74% so với cùng kì năm 2013. Cùng lúc này, hai hãng nghiên cứu thị trường IDC và Strategy Analytics cho biết, thị phần smartphone toàn cầu của Samsung giảm còn chưa tới 24%, do bị cạnh tranh bởi Apple ở phân khúc cao cấp và các hãng của Ấn Độ, Trung Quốc ở phân khúc bình dân.
Để tránh rơi tự do, Samsung lên kế hoạch “cải cách triệt để” dòng sản phẩm và “tăng cường tính cạnh tranh cho mỗi tầm giá”, sử dụng vật liệu, công nghệ mới để giúp thiết bị nổi bật. Hãng sẽ tập trung nhiều hơn vào chiến lược trong tương lai để đảm bảo smartphone của mình hấp dẫn nhất có thể.
Ông Hyun Joon Kim, Phó Chủ tịch Samsung Mobile Commnucations, xem đây là cơ hội để công ty cải thiện gốc rễ, củng cố lợi thế cạnh tranh để tiếp tục dẫn đầu thị trường, ổn định tăng trưởng. Dù vậy, theo các nhà quan sát, các nỗ lực trên chưa đủ để đưa Samsung trở lại. Dưới đây là 5 giải pháp gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc có thể thực hiện để vực dậy mảng di động:
1. Giảm số lượng mẫu mã
Samsung muốn cung cấp nhiều loại sản phẩm để hấp dẫn mọi đối tượng mua hàng, đây là cách tiếp cận từng giúp công ty vươn lên thành nhà sản xuất di động hàng đầu thế giới. Song, hãng tạo ra quá nhiều mẫu mã mà ngay cả nhà bán lẻ lẫn khách hàng cũng khó phân biệt.
Với dòng cao cấp, Samsung không chỉ bán Galaxy S5 mà còn 5 biến thể khác gồm S5 Active, S5 Sport, S5 Mini, Galaxy K Zoom, S5 LTE-Advanced. Với dòng Galaxy Alpha mới, công ty cũng đi theo hướng này khi vừa giới thiệu Galaxy A3 và A5 kim loại. Lợi ích từ việc bán ra nhiều sản phẩm là nhận diện thương hiệu tăng cao và mua linh kiện rẻ hơn. Song với thiết bị đặc biệt như Note Edge có màn hình cong, chi phí cho từng phần lại tăng lên.
Samsung không cần phải “tiết kiệm” như Apple khi mỗi năm chỉ ra một đến hai mẫu iPhone. Song, loại bỏ các phiên bản gây nhiễu sẽ tốt cho Samsung và cả người tiêu dùng hơn nhiều.
2. Chú trọng đến Trung Quốc, Ấn Độ
Samsung là nhà sản xuất smartphone hàng đầu tại các thị trường mới nổi song trong quý II, công ty phải nhượng lại vị trí số 1 tại Trung Quốc và Ấn Độ cho Xiaomi, Micromax. Trong quý III, thậm chí Xiaomi còn chen chân vào tốp 5 thương hiệu smartphone toàn cầu, chỉ sau Samsung, Apple theo thống kê của IDC. IDC cho biết chìa khóa thành công của Xiaomi là phát hành smartphone cao cấp Mi4 hồi tháng 8/2014.
Các thương hiệu nội phát triển nhanh chóng nhờ am hiểu thị hiếu người dùng, phương pháp bán hàng. Chẳng hạn, tại Trung Quốc, nhiều smartphone được bán qua website thương mại điện tử, trong khi Samsung từ lâu lại dựa vào các nhà mạng. Như vậy, Samsung cần hợp tác với nhiều đối tác bán lẻ trực tuyến lớn tại các thị trường này.
Lợi thế khác nằm ở phần mềm và dịch vụ. Ví dụ, ứng dụng Google phát triển không thể hoạt động tại Trung Quốc nên Xiaomi đã cung cấp phần mềm tương ứng hoặc liên kết với công ty nội khác. Samsung cũng thử phát triển ứng dụng song không thành công. Dù vậy, hiện hãng điện thoại Hàn Quốc đã bắt đầu bắt tay với các doanh nghiệp địa phương trên toàn cầu để viết nội dung, dịch vụ phù hợp.
3. Tập trung dịch vụ, phần mềm
Sức mạnh cốt lõi của Samsung nằm ở phần cứng. Smartphone Samsung thường dùng chip nhanh nhất, màn hình tốt nhất, các tính năng hiện đại nhất. Song, chừng đó là chưa đủ để níu chân khách hàng. Chính phần mềm, dịch vụ kết hợp với phần cứng mới tạo ra người dùng trung thành.
Theo nhà phân tích Jan Dawson, phiên bản Android trên điện thoại Samsung cần cuốn hút hơn và ổn định hơn. Samsung đầu tư mạnh vào phần mềm, tuyển dụng hàng trăm kĩ sư và thậm chí còn mở bộ phận mới như Media Solutions Center. Vấn đề là phần lớn nỗ lực này đều không gây ấn tượng với người dùng.
Một số phần mềm như cuộn màn hình theo mắt người dùng, dịch thuật, chia sẻ ảnh, nội dung với bạn bè trong khoảng cách gần đều không hoạt động tốt như mong đợi. Google Android và Apple iOS đều phát triển theo thời gian nhưng thiết kế giao diện TouchWiz lại không thay đổi nhiều. Người dùng không đòi hỏi nhiều phần mềm, dịch vụ trên thiết bị song họ cần trải nghiệm mượt mà, đồng nhất. Samsung có thể cần mua công ty mới là chuyên gia trong lĩnh vực này hoặc hợp tác nhiều hơn để đáp ứng mục tiêu.
4. Xác định mục tiêu cuối cùng
Samsung cho biết năm 2014, hơn một nửa smartphone xuất xưởng sẽ là giá rẻ. Trong quý vừa qua, lợi nhuận công ty giảm mạnh cũng vì bán được nhiều điện thoại bình dân hơn cao cấp. Hãng còn lên kế hoạch đối đầu với “dế” rẻ tiền.
Samsung phải đứng trước lựa chọn khó khăn: thị phần hay lợi nhuận. Hãng có thể đi theo con đường của Apple bằng cách tung ra sản phẩm giá bán cao nhưng đánh mất vị trí số 1 về thị phần; hoặc nhấn chìm thị trường bằng thiết bị bình dân, cấu hình tương đối và thu về lợi nhuận thấp.
Samsung cũng phải tấn công phân khúc tầm thấp mà không làm tổn hại đến danh tiếng một hãng cao cấp. Công ty có thể làm điều này bằng cách tạo ra thương hiệu giá rẻ mới dành cho vài thị trường như Ấn Độ, Trung Quốc trong khi bán thiết bị đắt tiền tại thị trường khác. Dù vậy, bản thân giải pháp tiềm ẩn mâu thuẫn khi Samsung chi ra không ít tiền để quảng bá tên tuổi. Một thương hiệu không có chữ Samsung trong đó sẽ không được lợi lộc gì.
Vài công ty như Xiaomi, Huawei sẵn sàng hi sinh lợi nhuận, thậm chí là mất tiền để lôi kéo khách hàng. Họ tin rằng sẽ kiếm được tiền khi doanh số tăng lên, chi phí linh kiện giảm. Chẳng hạn, tại Trung Quốc, smartphone Xiaomi mạnh mẽ nhưng giá trung bình hoặc rẻ hơn nhiều giá trị thực. Công ty mới xuất hiện 4 năm song đã qua mặt Samsung về thị phần tại đây nhờ điện thoại giá 154 USD (Redmi Note) hay 322 USD (Mi4), chỉ bằng 1/2 giá của Galaxy S5 dù cấu hình tương đương.
Ông Kim cho biết, Samsung sẽ dùng màn hình và vật liệu khác, nâng cấp máy ảnh, giao diện người dùng để biến smartphone tầm trung hấp dẫn hơn. Ngoài ra, giá bán cũng cạnh tranh hơn dù làm ảnh hưởng đến lợi nhuận biên trong tương lai gần.
5. Nhanh song không vội
Thời gian phát triển sản phẩm mới của Samsung khá ngắn. Smartwatch đầu tiên, Galaxy Gear, ra đời sau 1 năm nghiên cứu, trong khi Apple Watch mất tới hơn 3 năm và năm sau mới bán ra. Tuy nhiên, Samsung lại chậm trễ khi đối phó với các thương hiệu Trung Quốc. Phó Chủ tịch Quan hệ nhà đầu tư của Samsung, Robert Yi, thừa nhận công ty không đủ nhanh trước sự thay đổi nhanh chóng của thị trường dẫn tới kết quả kinh doanh yếu kém.
Samsung hiểu rõ hơn ai hết kết cục gì đang chờ đợi khi một gã khổng lồ trở nên chậm chạp. Sau tất cả, công ty là người hưởng lợi lớn nhất từ BlacBerry, Nokia, Motorola. Tất cả đều bỏ lỡ cuộc “di dân” sang smartphone từ điện thoại phổ thông của người dùng. Samsung chớp cơ hội này và qua mặt Nokia trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn nhất vào đầu năm 2012.
Song, phản ứng hấp tấp có thể đẩy Samsung vào tình trạng bi thảm hơn. Điều đó có nghĩa chi phí tiếp thị sẽ cao hơn, giá bán thấp đi và lợi nhuận giảm sâu hơn. Hành động vội vã ảnh hưởng tiêu cực hơn nhiều việc chỉ ngồi yên mà không làm gì cả.
Theo ICTnews. Nguồn Cnet.
Bình luận