Ngày 3/11, Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế TW (CIEM) tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam”. Theo báo cáo, có 3 hình thức chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam, đó là liên kết ngược (chuyển giao công nghệ từ khách hàng); liên kết xuôi (chuyển giao công nghệ từ nhà cung cấp); nghiên cứu, cải tiến và điều chỉnh công nghệ.
Mặc dù nghiên cứu và triển khai được xem là chỉ số quan trọng trong đổi mới công nghệ, nhưng báo cáo cho thấy, tại Việt Nam, chỉ 1% doanh nghiệp vừa thực hiện cải tiến vừa nghiên cứu công nghệ; 3% doanh nghiệp chỉ cải tiến mà không nghiên cứu; 5% doanh nghiệp chỉ nghiên cứu mà không cải tiến và có hơn 90% doanh nghiệp không thực hiện cả hai.
Trong số các doanh nghiệp có đầu tư chi phí nghiên cứu và cải tiến công nghệ, thì chỉ có 4% chi phí nghiên cứu dành cho công nghệ tiên phong; còn lại chỉ đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ mới đối với thị trường doanh nghiệp đang hoạt động hoặc dành cho phát triển công nghệ mới đối với doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng CIEM, có vẻ như các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nghiên cứu và cải tiến công nghệ chủ yếu nhằm phát triển công nghệ đã có sẵn ở nơi khác. Nguyên nhân do xác suất thất bại cao, chi phí tốn kém của nghiên cứu và cải tiến công nghệ, trong khi việc tiếp nhận và điều chỉnh công nghệ sẵn có sẽ có lợi hơn cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng không có khả năng đầu tư cho nghiên cứu, cải tiến công nghệ bởi những hạn chế về tín dụng hoặc không đủ vốn tự có.
“Do năng suất tăng lên nhờ điều chỉnh công nghệ, các chính sách để thúc đẩy loại hình đầu tư này cần được xem xét nghiêm túc và nên bao gồm việc gỡ khó cho doanh nghiệp”, bà Tuệ Anh đề xuất.
Theo Giaothongvantai.
Bình luận