621.000 mã độc mới xuất hiện, vượt xa số lượng 528.000 của năm 2013. Đặc biệt, mỗi ngày có 262.000 điện thoại bị nhiễm loại mã độc gửi tin nhắn SMS đến đầu số tính phí. Đây là các đầu số thu phí 15.000đ/tin nhắn, tính ra mỗi ngày người sử dụng Việt Nam bị "móc túi" 3,9 tỉ đồng... Đây là con số mà Phần mềm bảo vệ Smartphone Bkav Mobile Security cập nhật trong 5 tháng đầu năm 2014.
Bị “móc túi” trắng trợn
Liên tục trong thời gian qua, nhiều trang mạng xã hội, báo chí bị hacker tấn công, cướp mật khẩu sử dụng online lừa gạt tiền người thân, bạn bè... vi rút mới xuất hiện hằng ngày với số lượng khổng lồ. Theo thống kê từ hệ thống giám sát của Bkav, riêng ở Việt Nam, mỗi tháng có tới 4 - 5 triệu lượt máy tính bị nhiễm vi rút. Điện thoại di động cũng đã trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm qua cách giả mạo nhà mạng, lừa tiền bằng tin nhắn thu phí.
Từ đầu năm đến nay, xảy ra nhiều vụ việc lừa đảo nhắm vào người dùng điện thoại gây tổn thất lên đến hàng trăm tỉ đồng. Đầu tháng 6, hơn 14.000 điện thoại tại Việt Nam bị cài phần mềm nghe lén Ptracker. Cuối tháng 7, vụ việc phát tán tin nhắn với nội dung lừa đảo liên quan đến các đầu số 7x68 và 7x77 chiếm đoạt hơn 20 tỉ đồng. Gần 800.000 thuê bao di động bị trộm hơn 9 tỉ đồng vì dính "bẫy sex" tại "Chợ nội dung số mmoney.vn"... 71% người dùng smartphone tại Việt Nam liên tục bị làm phiền bởi tin nhắn rác. Ngoài ra, vi rút gửi tin nhắn tới đầu số thu phí gây tổn thất lên tới 1.400 tỉ đồng mỗi năm. Đây chỉ là một trong số nhiều vụ việc bị cơ quan công an phát giác.
Người dùng phải biết tự bảo vệ
Giảng viên chính Cao Đăng Tân, Bộ môn Mạng máy tính - Viễn thông, trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM cho biết, mã độc (malware) là bất kì phần mềm nào được sử dụng để phá hoại hoạt động của máy tính, thu thập các thông tin nhạy cảm, chiếm quyền điều khiển tới các hệ thống mạng nội bộ.
Hiện nay, kĩ thuật “che giấu” của malware phát triển ngày càng đa dạng và phức tạp, chúng không chỉ đơn thuần sử dụng một phương pháp biến hình, gây khó khăn cho việc nghiên cứu, phát hiện nhận diện. Tuy đã có nhiều phương pháp nhận diện mã độc đã được áp dụng như signature, các thuật toán phân lớp trong data mining... nhưng chúng có thể tạo ra được các loại mã độc mới mà không bị phát hiện bởi những chương trình diệt vi rút.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Phụ trách Nghiên cứu Phát triển của Bkav, mã độc có khả năng lây lan đa nền tảng, được đánh giá đáng lo ngại giữa bối cảnh thế giới của smartphone và máy tính gần như là một. Để cài đặt vào máy tính, điện thoại của người sử dụng, bên cạnh các hình thức truyền thống như phát tán qua email, qua USB hay qua lỗ hổng phần mềm, gần đây hacker thường xuyên sử dụng các thông điệp mang tính thời sự, giật gân, gây tò mò để đánh lừa người sử dụng tự tay tải mã độc về máy và kích hoạt.
Sau khi vi rút xâm nhập vào máy tính, điện thoại, nó chiếm quyền kiểm soát, cho phép hacker có thể điều khiển, xâm nhập máy từ xa, nhằm thực hiện theo dõi, lấy cắp thông tin của người sử dụng, huy động các máy bị nhiễm vi rút để thực hiện tấn công mạng.
Ông Ngô Trần Vũ, Công ty TNHH Bảo mật Nam Trường Sơn thì cho rằng, thông tin cá nhân trong thời đại số rất dễ bị tấn công trên bất kì hệ điều hành, thiết bị nào. Hiện hacker tấn công mạng máy tính và điện thoại mục đích thiết thực là ăn cắp tiền, trộm thông tin người dùng để quy thành tiền. Số lượng phần mềm độc hại trên hệ điều hành di động phổ biến là android tiếp tục phát triển nhanh chóng.
Thống kê cho thấy, 40% người dùng bị rò rỉ thông tin cá nhân khi sử dụng Wi-Fi công cộng. Ngoài ra, thiệt hại lớn hơn tiền bạc là những nội dung mà trẻ em phải đối mặt trên interet như bạo lực, tội ác, từ ngữ dung tục, nội dung đồi trụy...
Các chuyên gia khuyến cáo, người sử dụng cần cảnh giác khi nhận được các file, đường link gửi qua email, qua chat, cho dù được gửi từ những người quen. Phải xác nhận lại với người gửi để biết chắc chắn file hoặc đường link đó được gửi cho mình. Đặc biệt, những khuyến dụ có phần thưởng bất ngờ, hoặc yêu cầu bạn phải cung cấp password, account của bạn. Không vào các website không rõ nguồn gốc...
Nên tỉnh táo trước phần mềm được giới thiệu các tính năng diệt vi rút bảo vệ người dùng trên nhiều phương diện, vì rất có thể các phần mềm này cũng cấy các vi rút độc hại. Nếu có nhu cầu cài đặt phần mềm, cần tải từ các nguồn đảm bảo. Tốt nhất trang bị cho máy tính, điện thoại một phần mềm an ninh từ các hãng uy tín, nguồn đáng tin cậy, giúp bảo vệ một cách tự động trước các loại vi rút mới.
Giảng viên chính Cao Đăng Tân (Bộ môn Mạng máy tính - Viễn thông, trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM)
Theo Kienthuc.
Bình luận