Ngày 18/7, 40 năm về trước, nhà vật lý Gordon Moore và Robert Noyce đồng sáng lập hãng sản xuất vi xử lý, lấy tên rút gọn từ “Intergrated Electronics”. Đến ngày nay mọi người dùng máy tính đều biết với cái tên Intel.
Paul Otellini, Giám đốc điều hành kiêm chủ tịch tập đoàn, phát biểu: “Khi chúng tôi cho ra mắt bộ vi xử lý đầu tiên, không ai có thể tưởng tượng thị trường dành cho máy tính cá nhân sẽ thể vượt khỏi con số 350 triệu chiếc/năm. Trong 40 năm tới, công nghệ của Intel sẽ tiếp tục là hạt nhân của các đột phá nhắm tới vấn đề sức khoẻ và môi trường. Đối với Intel, đây mới chỉ là điểm khởi đầu".
Intel đang có kế hoạch chào mừng ngày sinh nhật bằng một cuộc biểu diễn nghệ thuật vẽ tranh tường trực tuyến khổng lồ của các thành viên trẻ em từ hơn 70 “câu lạc bộ” của hãng trên khắp thế giới. Hơn 500 tác phẩm sẽ khắc hoạ hình dung của lớp trẻ về những gì máy tính sẽ mang lại cho thế giới trong 40 năm tới. Hãng hi vọng dự án này sẽ nêu bật các nỗ lực nhân đạo cũng như ảnh hưởng của Intel tới ngành công nghiệp máy tính: “Chúng tôi có trách nhiệm đáp ứng được kì vọng. Bằng việc trao cơ hội cho người trẻ ở những nơi kém phát triển “xoá mù công nghệ” và học hỏi kĩ năng giải quyết vấn đề, chúng tôi hi vọng thế hệ mới sẽ có nhiều phát kiến, có năng lực lãnh đạo cũng như sẵn sàng đi đầu”.
Trong khi đó, phó chủ tịch, kiêm quản lý bộ phận giải trí của Intel, Pat Gelsinger cũng tậm sự trên blog của mình về những gì Intel đã làm được trong suốt 40 năm qua. Một trong những thời khắc đáng nhớ nhất theo ông là sự ra đời của bộ vi xử lý 32 bit, nền tảng CISC chính thức ra mắt, và cả những nỗ lực đảm bảo tương thích giữa các thế hệ vi xử lý. Gelsinger cũng cho biết quyết định khó khăn của hãng theo đuổi công nghệ đa nhân, sau khi thừa nhận nỗ lực theo đuổi tốc độ xung không thành công.
“Trong thông cáo tại Hội nghị công nghệ Quốc tế năm 2001, chúng tôi dự đoán được viễn cảnh không thể vượt qua, trong đó mật độ nhiệt của khuôn chế tạo vi xử lý sẽ tương đương với phản ứng hạt nhân trên bề mặt mặt trời - rõ ràng chúng tôi cần thay đổi, và đa nhân là lối rẽ đúng đắn”.
"Khi nhận ra điều này, chúng tôi đã chậm chân hẳn một đời chip, và còn định tiếp tục mở rộng nền tảng Pentium IV. Nhưng rất may chúng tôi hồi phục nhanh chóng khi tập trung vào tăng hiệu năng hoạt động, giảm điện năng tiêu thụ với Centrino, cùng những chiến lưọc kinh doanh đúng đắn khác".
(Theo Dân trí/Vnunet)
Bình luận