Theo số liệu của hãng nghiên cứu IDC, vào năm 2011, 43% thị trường Indonesia vẫn còn nằm trong tay BlackBerry. Nhưng giờ đây, Steven Chandra, chủ một cửa hàng điện thoại thú nhận, ông gần như không bán nổi một chiếc nào cho khách. Và tất nhiên, Chandra không phải là trường hợp duy nhất.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, thị phần của BlackBerry đã tụt không phanh xuống mức vẻn vẹn 3%. Thị phần khiêm tốn này khiến cho BlackBerry phải xếp sau hầu hết các thương hiệu smartphone khác ở Indonesia, cả lớn lẫn nhỏ. Bạn có thể chấp nhận việc Dâu đen đứng sau những hãng như Samsung, nhưng thực tế là BlackBerry phải chịu thua cả những tên tuổi vô danh như Smartfren của Indonesia sẽ khiến các fan của BlackBerry không khỏi đau lòng.
Andy Cobham, Tổng giám đốc BlackBerry Indonesia trần tình rằng, chính cách quản lí của công ty mẹ đã làm nảy sinh vô số khúc mắc và bất cập tại thị trường này. Chẳng hạn như trụ sở chính ở Waterloo muốn đưa ra quyết định cuối cùng cho mọi vấn đề. Chẳng hạn như một chương trình khuyến mại tại Indonesia, nơi 1000 người đầu tiên đến mua Blackberry Bold 9790 sẽ được giảm giá 50%. Văn phòng bản địa đã cố gắng thuyết phục Waterloo hủy bỏ chương trình này vì lo ngại sẽ có náo loạn, ẩu đả ở trung tâm thương mại. Và thực tế đã diễn ra đúng như những gì mà họ lo sợ.
Đó là chưa kể cựu Tổng giám đốc Thorsten Heins đột ngột tuyên bố BlackBerry sẽ rời bỏ thị trường người dùng cá nhân để tập trung cho mảng doanh nghiệp, giữa lúc BlackBerry vẫn còn làm ăn khá tốt ở Indonesia. Phần lớn khách hàng của Dâu đen ở quốc gia này là người dùng cá nhân, vì thế họ lập tức lo ngại nếu như mua smartphone Blackberry, họ có thể sẽ bị hãng bỏ rơi về hậu mãi và chăm sóc khách hàng về sau. Chính phủ Indonesia càng đổ thêm dầu vào lửa khi đòi hỏi BlackBerry phải xây nhà máy tại nước này. Không những từ chối thẳng thừng Jakarta, BlackBerry còn như muốn chọc tức chính phủ khi quyết định xây nhà máy ở nước láng giềng Malaysia.
Nhưng không phải là mọi cánh cửa đều đã sập xuống với BlackBerry. Nhờ thỏa thuận bắt tay cùng chuỗi nhà máy Foxconn, BlackBerry Z3 đã được tung ra thị trường, nhắm riêng đến các thị trường mới nổi. Thậm chí còn có cả một phiên bản Jakarta Edition đặc biệt. Ứng dụng nhắn tin BBM bắt đầu được sử dụng nhiều hơn và số liệu cho thấy, lượng thành viên bản địa đã tăng hơn 150% so với năm ngoái. Người dùng Indonesia cũng đã sử dụng được dịch vụ thanh toán di động có tên BBM Money.
"Indonesia có rất nhiều tiềm năng, chỉ là Waterloo đã điều hành sai cách", ông Cobham kết luận.
Theo VietNamNet.
Bình luận