Cuộc cách mạng nào cũng cần người đi trước "mở lối soi đường", và cách mạng IT không là ngoại lệ. Dưới đây là 10 "người tiên phong" đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình định hình ngành công nghiệp máy tính hiện đại.

10. "Ông tổ" máy điện toán?

Charles Babbage không thuyết phục được chính phủ Anh tài trợ cho dự án chế tạo máy-làm-toán, và vì thế dự án chế tạo máy tính của ông mãi mãi nằm trên giấy tờ. Nếu Babbage xin được tiền, có lẽ cuộc cách mạng máy điện toán đã bắt đầu từ năm... 1822 chứ không phải là những năm 50 của thế kỉ 20! Một phiên bản phục chế  mới được chế tạo lại gần đây và trưng bày trong bảo tàng kĩ thuật Anh Quốc, cho thấy cỗ máy hoạt động tốt đúng như thiết kế ban đầu của ông.

9. ENIAC

Có thể thực thi các tác vụ được lập trình từ trước và tính toán 357 phép tính/giây, ENIAC (viết tắt của Công cụ tham vấn tính toán số điện tử của Quân đội Mĩ) đặt nền móng cơ bản cho các PC hiện đại sau này. Vấn đề duy nhất: nó nặng tới... 30 tấn, dùng 17.478 bóng chân không, ngống 150 KW điện, cũng như lập trình “phần mềm” cho cỗ máy này đòi hỏi kĩ sư phải... đấu lại dây và chuyển mạch.

8. IBM System/360

 Trang bị đầy đủ ngõ giao tiếp và nhiều mẫu mã thích hợp với các nhu cầu khác nhau, dòng S/360 gây cơn sốt máy tính doanh nghiệp khi ra đời năm 1964. Sự phổ biến của dòng máy này đặt nền tảng kinh tế cho ngành sản xuất- kinh doanh máy tính hiện đại.

7. Datapoint 2200

Là một trong những sản phẩm dành cho một người dùng đầu tiên khi xuất hiện trên thị trường năm 1970, Datapoint 2200 “sống mãi trong tim” mọi máy tính cá nhân (PC) ngày nay. Hãng sản xuất CTC đã thành công khi thuyết phục được Intel sử dụng chỉ một chip xử lý nhằm tránh vấn đề nhiệt độ, nhưng thất bại trong lĩnh vực kinh tế khi phá sản không lâu sau đó. Thiết kế một-chip trở thành tiêu chuẩn cho mọi PC tận tới ngày nay.

6. Xerox PARC

 Xerox Palo Alto Research Center (PARC), có mặt năm 1974, là sản phẩm đầu tiên tập hợp đủ các thành phần tiêu chuẩn của PC hiện đại: một màn hình có giao diện đồ hoạ, dùng chuột, có ổ cứng lưu dữ liệu, kết nối Ethernet với phần còn lại của phòng làm việc. Tuy nhiên, Xerox lại không đủ .. dũng cảm đưa chiếc Alto ra thị trường.

5. RadioShack

Xuất xưởng năm 1977, Radio Shack nhìn hệt như máy tính tiền tại các cửa hàng tạp hoá. Nhờ thiết kế và hướng dẫn sử dụng dễ hiểu hướng tới người dùng không chuyên, Radio Shack được vinh danh “máy tính đầu tiên sử dụng rộng rãi phần mềm do hãng thứ 3 thiết kế”.

4.  Apple II

 Ra mắt vào năm 1977 và tung hoành trong suốt... 15 năm sau đó, Apple II lần đầu tiên chứng tỏ sức mua của thị trường máy tính cá nhân. Tiên phong ứng dụng màn hình màu, Apple II được người dùng cá nhân và giáo dục hâm mộ, trong khi bị giới doanh nhân ghẻ lạnh vì là  thứ… màu mè xa xỉ.

3. IBM PC 

 Không phải mạnh nhất, cũng không phải thời trang nhất trên thị trường, nhưng cỗ máy có cái tên đơn giản “IBM” thiết lập tiêu chuẩn phần cứng lẫn phần mềm cho toàn bộ thị trường máy tính cá nhân thời đó, khiến vô số đối thủ phải bắt chước kĩ thuật của IBM dù muốn hay không. Các sản phẩm nhái, ứng dụng, và thị trường thiết bị ngoại vi dành cho IBM PC là cha đẻ trực tiếp của ngành công nghiệp máy tính cá nhân ngày nay.

2. Apple Macintosh

Apple Macintosh nhấc máy tính ra khỏi “tháp ngà khoa học máy tính” và đặt vào tay người dùng thông thường khi thay giao tiếp dòng lệnh (tương tự MS-DOS) bằng giao diện đồ hoạ thân thiện. Không chỉ thành công về mặt kĩ thuật, Apple Macintosh còn là thành công rực rỡ về doanh thu.

1. IBM RoadRunner

Là siêu máy tính mạnh nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại, IBM RoadRunner lần đầu tiên đưa loài người vượt ngưỡng tính toán petaflop (1 triệu tỉ tính toán số thực /giây). Về mặt vật lý, RoadRunner lớn hơn chiếc ENIAC vào năm 1946, nhưng nếu lịch sử lặp lại, chúng ta sẽ có máy tính cá nhân mạnh ngang ngửa siêu máy tính này trong 3-4 thập kỉ nữa!

(Theo Dân trí/Livescience)



Bình luận

  • TTCN (0)