Mọi người đều tin rằng chúng ta có thể làm được nhiều việc cùng một lúc, khả năng tập trung của ta là vô hạn và “đa nhiệm” là khả năng tối cần thiết trong xã hội bận bịu hiện nay. Hiển nhiên, bạn có thể vừa đi dạo, vừa nghe nhạc, vừa hát theo, vừa mơ tưởng về một kì nghỉ đã lên kế hoạch. Thế nhưng, vừa soạn thảo báo cáo, vừa trả lời email, vừa họp cùng đồng nghiệp,... thì lại là chuyện khác. Cách thức được gọi là “đa nhiệm” này có thể gây nguy hại cho bản thân và cho cả tổ chức.

Đa nhiệm hay là nhảy cóc giữa các công việc?

Các nhà khoa học đã tiến hành nhiều nghiên cứu trên bộ não con người và khẳng định rằng: con người chỉ có thể thực hiện một hoạt động nhận thức tại một thời điểm, cụ thể, chúng ta không thể vừa đọc sách vừa trò chuyện với người khác, hay không thể vừa đọc báo cáo vừa trả lời email được. Nhưng con người lại có khả năng nhảy từ việc này sang việc khác rất nhanh và vì thế, tự huyễn hoặc bản thân rằng hành động nhảy cóc giữa các công việc ấy là “đa nhiệm”.

Năm 2009, Tiến sĩ Mark Hyman, một chuyên gia về thần kinh não bộ, đã nghiên cứu về khả năng tập trung của những người vừa đi bộ vừa sử dụng điện thoại di động. Kết quả cho thấy những người này thường va vào người khác và quan sát rất kém những gì đang diễn ra xung quanh.

Cũng trong một nghiên cứu khác được thực hiện với đối tượng sinh viên Đại học Stanford, Giáo sư Clifford Nass, cung cấp cho sinh viên nhiều luồng thông tin khác nhau để họ xử lí. Kết quả một lần nữa khẳng định rằng bộ não con người không thể xử lí nhiều hơn một hoạt động nhận thức tại một thời điểm. Các sinh viên cho biết họ không thể tập trung, ghi nhớ và xử lí được những luồng thông tin ấy.

Khi thực hiện cái gọi là đa nhiệm, điều chúng ta thực sự làm là chuyển sự tập trung của mình từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác. Điều này dẫn đến hậu quả tiêu cực là chúng ta vừa không dành đủ sự tập trung cho bất kì công việc nào mà chất lượng của sự tập trung đó cũng giảm sút.

Sự tràn ngập của công nghệ thông tin, mạng xã hội, ứng dụng di động, thiết bị thông minh và bên cạnh đó là sự cổ vũ sai lầm cho khả năng đa nhiệm càng khiến vấn đề này trở nên trầm trọng. Theo nghiên cứu của Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia Mỹ, vào năm 2000, độ dài của quãng thời gian con người có thể tập trung là 12 giây. Đến năm 2013, độ dài này chỉ còn 8 giây.

Khi bộ não phải chuyển sự tập trung từ công việc này sang công việc khác thì khi bắt nhịp trở lại công việc trước, nó sẽ mất thời gian để lấy lại “đà”, “trớn” đã mất. Theo nghiên cứu của các giáo sư tại Đại học California, thời gian trung bình để bắt nhịp trở lại với công việc đang dang dở là 25 phút, có nhiều trường hợp mất đến hàng giờ liền. Do đó, năng suất làm việc có thể giảm đến 40% nếu bạn cứ “nhảy cóc” giữa các nhiệm vụ.

Tập trung từng công việc

Nhằm thoát khỏi cái bẫy đa nhiệm để tránh những rủi ro tiềm ẩn do sụt giảm năng suất lao động, nhiều công ty lớn trên thế giới như Apple, Google, McKinsey & Company, Deutsche Bank, Procter & Gamble, AstraZeneca, General Mills, Aetna, Intel, Target, Mayo Clinic và United Way,... đang áp dụng các phương pháp nâng cao khả năng tập trung của nhân viên như thiền định, yoga, phòng tĩnh lặng.

Năm 2012, khi nghiên cứu xu hướng thực hành sự tập trung trong công việc, tờ Financial Times đã mô tả về những thành tích mà General Mills, chủ sở hữu thương hiệu kem nổi tiếng Häagen-Dazs, đã đạt được như sau:

“Sau khi tham dự chương trình huấn luyện nội bộ có tên gọi “Nhà lãnh đạo chánh niệm” của General Mills trong 7 tuần, 83% học viên cho biết mỗi ngày họ đều dành thời gian để tối ưu hóa hiệu quả làm việc của bản thân, 82% cho biết họ thường xuyên dành thời gian để loại bỏ những công việc, vấn đề gây xao nhãng và làm giảm năng suất. 80% đội ngũ quản lí cấp cao cho biết họ thấy được những thay đổi tích cực về khả năng ra quyết định, 89% thừa nhận họ lắng nghe hiệu quả hơn trước”.

Tuy những hoạt động trên chưa thể chuyển hóa thành những con số doanh thu, lợi nhuận, nhưng trước mắt, sự tập trung tích cực cho công việc đã trở thành một phần trong văn hóa làm việc của General Mills.

Trong số các công ty nói trên, Google có vẻ là công ty quyết tâm nhất trong việc nâng cao sự tập trung tích cực cho nhân viên. Công ty này đã phát triển riêng một chương trình đào tạo nội bộ có tên “Search inside yourself” (Tìm kiếm từ trong chính mình) nhằm trang bị cho nhân viên, kĩ sư cách thức giải tỏa áp lực, đạt được sự tập trung và an bình trong công việc. Ngày nay, “Search inside yourself” không chỉ là một chương trình ngoại khóa cho nhân viên Google, mà còn phát triển lớn mạnh trở thành học viện đào tạo, cung cấp dịch vụ đào tạo về sự tập trung, hay tư vấn về xây dựng văn hóa doanh nghiệp cho các cá nhân và công ty trên khắp thế giới.

Câu chuyện ngộ nhận về đa nhiệm, về cơ bản, có thể gói gọn trong hai chữ “lượng” và “chất”. Như ta đã biết, một giấc ngủ ngắn nhưng sâu vẫn có giá trị hơn một giấc ngủ dài đầy mộng mị. Một số nghiên cứu cũng cho thấy, người làm việc 40 giờ một tuần lại có năng suất làm việc cao hơn người làm việc 60 giờ một tuần.

Con người bắt đầu từ đơn nhiệm và tập trung toàn tâm toàn ý cho từng công việc, nhưng sau đó ngộ nhận rằng đa nhiệm mới là xu thế thời thượng. Sự phát triển và phổ biến của các chương trình đào tạo nói trên có thể xem là một tín hiệu vui cho những ai kì vọng vào xu hướng “trở về với những gì căn bản nhất” của con người.

Theo Nhipcaudautu.




Bình luận

  • TTCN (0)