Tại hội thảo “Hành vi người mua sắm trực tuyến Việt Nam" do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức chiều 10/11, bà Trương Thanh Hà – đại diện của hãng Google đã đưa ra 6 lí do khiến người tiêu dùng tự tin mua hàng online.
Theo đó, lí do quan trọng nhất của mua sắm online là tiết kiệm được thời gian. Vì thế, sự thuận tiện được đánh giá rất cao. Người tiêu dùng muốn bỏ ra ít thời gian nhất nhưng mua được hàng hóa tốt nhất.
"Các doanh nghiệp trong tương lai phải đề cao sự thuận tiện lên hàng đầu, làm sao cho website, phương thức vận chuyển thuận tiện nhất để người tiêu dùng bỏ ít tiền nhất, có thể mua được những món hàng ưng ý, thuận tiện nhất. Nếu làm được điều này, các doanh nghiệp sẽ thu hút được ngày càng nhiều khách hàng", bà Hà nhấn mạnh.
Lí do thứ hai được bà Hà đưa ra là, 51% người online tại Việt Nam chưa bao giờ mua hàng trực tuyến muốn thử mua trực tuyến bởi lẽ giá rẻ, mẫu mã đẹp, và họ muốn thử sử dụng kênh thương mại điện tử để mua hàng.
Ngoài quần áo, điện thoại, hàng điện tử, sách cũng là mặt hàng được nhiều người mua hàng trực tuyến muốn mua.
Để chuẩn bị cho Ngày mua sắm trực tuyến lần đầu tiên tại Việt Nam (5/12), Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã chính thức khởi động website của Ngày mua sắm trực tuyến tại địa chỉ tiếng Việt ngaymuasamtructuyen.vn và địa chỉ tiếng Anh mang tên onlinefriday.vn.
29% người mua sẽ thử mua mặt hàng nếu đọc được lời bình luận, ý kiến tốt đến từ người quen. Ngoài ra, họ cũng sẵn sàng mua hàng nếu mặt hàng đó đảm bảo được chất lượng. Có thể thấy, người tiêu dùng rất cẩn trọng và suy nghĩ kĩ càng trước khi mua hàng trên cơ sở mua hàng trực tuyến.
Khuyến mại cũng là một yếu tố khiến người tiêu dùng bị thuyết phục hơn khi mua hàng online.
Cuối cùng, việc hoàn lại tiền khi sản phẩm có vấn đề cũng là yếu tố giúp người tiêu dùng thích mua sắm trực tuyến hơn.
Cũng theo nghiên cứu của Google, có tới 44% số người chưa mua hàng trực tuyến muốn được mua hàng trực tuyến thời gian tới.
Tuy nhiên, bà Hà cũng cho hay, hiện nay mua sắm online cũng gặp rất nhiều rào cản ảnh hướng tới sự phát triển.
Người tiêu dùng xưa nay vốn quen với kiểu mua sắm truyền thống là "nhìn tận mắt, sờ tận tay", hiện có tới 57% số người muốn được chạm/thử vào sản phẩm trước khi mua. Đây chính là rào cản lớn nhất đối với thương mại điện tử hiện nay.
Một rào cản khác là, người tiêu dùng không được tiếp cận với sản phẩm ngay lập tức khi được thanh toán. Ngoài ra, còn có những rào cản khác như: Họ không tự tin về chất lượng sp trên mạng, không thể mặc cả, trả giá các món hàng ở trên mạng.
"Những vấn đề này chúng tôi cho rằng cần có thời gian để thay đổi về suy nghĩ, hành vi, cơ sở hạ tầng của thương mại điện tử. Chúng ta cũng cần hạn chế những cá nhân, doanh nghiệp chưa đưa ra được các sản phẩm tốt đến người tiêu dùng hoặc kiểu bán hàng "treo đầu dê, bán thịt chó", bà Hà nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín tốt trên thị trường cần quảng bá nhiều hơn nữa, cần đưa thông điệp về sản phẩm, thương hiệu về sản phẩm tốt đến người tiêu dùng. Khi đó niềm tin của người tiêu dùng sẽ được cải thiện và là một trong những yếu tố quan trọng để thương mại điện tử phát triển.
Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, cũng cho rằng trở ngại lớn đối với bán hàng trực tuyến là thói quen của người tiêu dùng Việt Nam muốn khảo sát trực tiếp sản phẩm, tâm lí e ngại mua hàng trực tuyến có chất lượng không đảm bảo, cũng như không được mặc cả.
"Quảng cáo trực tuyến có tác động mạnh mẽ đến người tiêu dùng với hai kênh phổ biến nhất là qua các công cụ tìm kiếm và mạng xã hội. Về phía người bán không mong đợi bán được sản phẩm với giá cao nhất nhưng hi vọng mua bán trực tuyến sẽ mang lại đông đảo khách hàng tiềm năng," ông Quang nói.
Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), giao dịch thương mại điện tử Việt Nam hiện đạt 2,2 tỉ USD và thị trường này còn tiếp tục lớn mạnh trong thời gian tới. Cục này đặt mục tiêu, giao dịch thương mại điện tử trong năm 2015 sẽ đạt 4 tỉ USD.
Theo VTC.
Bình luận