Cho đến nay có lẽ MobiFone vẫn là nhà mạng duy trì được những danh hiệu đáng tự hào như nhà mạng chăm sóc khách hàng tốt nhất, nhà mạng có chất lượng dịch vụ tốt nhất. MobiFone cũng là nhà mạng có bình quân năng suất lao động đạt cao nhất (với 6,4 tỉ đồng/người/năm)... Nhưng, MobiFone lại không phải là nhà mạng lớn nhất cả ở góc độ doanh thu và thuê bao; thậm chí tại một thị trường lớn như Hà Nội, thị phần của MobiFone rất nhỏ…
Trước đây khi còn trực thuộc Tập đoàn VNPT, cùng là "anh em" với Vinaphone, nên VNPT có chủ trương Vinaphone tập trung phát triển thị trường phía Bắc, MobiFone phát triển thị trường phía Nam và cùng roaming để tận dụng hạ tầng của nhau, tránh lãng phí đầu tư nguồn lực. Do vậy, cũng dễ hiểu khi MobiFone nắm giữ thị phần cao tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, còn Vinaphone nắm giữ thị phần nhiều hơn ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Trong cơ cấu doanh thu của MobiFone, thị trường TP Hồ Chí Minh chiếm 35%. Còn tại thị trường Hà Nội, MobiFone chỉ nắm giữ khoảng 13% thị phần (Vinaphone khoảng 30%, còn lại là của Viettel và các nhà mạng nhỏ khác), cho thấy nhà mạng này còn nhiều cơ hội để phát triển khách hàng.
Được biết thêm, riêng thị phần ở Hà Nội của MobiFone chiếm gần 70% cơ cấu doanh thu của Trung tâm VMS khu vực 1 (gồm 14 tỉnh, thành phố trong đó có Hà Nội). Sau khi triển khai đề án tái cấu trúc được Chính phủ phê duyệt, MobiFone chính thức hoạt động độc lập với VNPT từ ngày 1-7-2014. Dù vẫn tạm thời dùng chung hạ tầng của nhau nhưng giữa MobiFone - Vinaphone lại là đối thủ trực tiếp, chuyện ắt xảy ra sẽ là, MobiFone phải tự đầu tư hạ tầng để không thể phụ thuộc vào đối thủ.
Mặt khác, theo đề án tái cấu trúc, sau khi chia tách, MobiFone còn được đầu tư kinh doanh các dịch vụ viễn thông khác theo quy định. Có nghĩa là, để cạnh tranh, MobiFone sẽ không chỉ dựng trạm BTS mà còn phải thiết lập cả hạ tầng truyền dẫn với mạng cáp băng rộng. Và nhà mạng này sẽ phải gia tăng cạnh tranh tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Nhưng, trong bối cảnh hiện nay việc dựng trạm BTS tại Hà Nội luôn là không dễ với bất kì nhà mạng nào, còn như đầu tư hạ tầng theo hình thức xã hội hóa rất có thể người dân khiếu kiện. Thêm nữa, về lợi thế thương hiệu, MobiFone khó có thể so với Vinaphone và Viettel vì các lí do: Viettel có lợi thế là DN của quân đội lại còn có nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc phòng nên khá suôn sẻ khi dựng trạm BTS, mạng truyền dẫn. Vinaphone lại có lợi thế cũng không kém, khi VNPT các tỉnh, thành phố có mối quan hệ, vị trí, vai trò khá lớn với các cấp chính quyền địa phương…
MobiFone dù là cái tên quen thuộc, nhưng do trước đây thuộc Tập đoàn VNPT nên không gắn bó với địa phương bằng Vinaphone và như vậy câu chuyện hiện nay của MobiFone là phải định vị thương hiệu với từng tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội. Về mạng truyền dẫn, từ Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố đã chủ trương đầu tư xây dựng hơn 60 công trình ngầm, trong đó cho phép các DN như VNPT Hà Nội, Viettel tham gia xây dựng theo hình thức xã hội hóa. Về cơ bản các tuyến chính và lớn đã xong. Vậy nên nếu thiết lập mạng truyền dẫn, MobiFone sẽ hoặc tự làm, hoặc thuê lại của hai đối thủ. Trong đó, nếu thuê lại đường truyền dẫn, thuê lại công trình ngầm sẽ dẫn đến không ít vấn đề. Nếu bị ép giá dịch vụ của MobiFone có chi phí cao hơn?
Từ những thông tin trên có thể thấy, dù là nhà mạng lớn, song việc nâng cao thị phần tại thị trường Hà Nội với MobiFone là chuyện không đơn giản.
Theo Hà Nội Mới.
Bình luận