Ông Nguyễn Long, Tổng Thư kí Hội Tin học Việt Nam

Trước thềm lễ trao thưởng cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm 2014, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Long, Tổng Thư kí Hội Tin học Việt Nam (thành viên ban giám khảo).

“Rất khó xác định nhân tài trong xã hội”

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về mặt bằng sản phẩm dự thi Nhân tài Đất Việt về lĩnh vực công nghệ thông tin năm nay?

Mặc dù số lượng sản phẩm dự thi Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực công nghệ thông tin năm nay không nổi bật, nhưng chất lượng lại tốt nhất trong 10 năm qua.

Mức độ chất lượng của mỗi nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực di động, triển vọng hay thành công khác nhau, tuy nhiên, hội đồng đều đã tìm ra được những sản phẩm có giá trị thiết thực, có chất lượng tốt hơn những năm trước.

Có ý kiến cho rằng, cuộc thi này chỉ mang tính chất bề nổi, ít người tham gia và còn bỏ phí nguồn nhân tài thực thụ trong xã hội? Ông nghĩ sao?

Nhiều người không tham gia cuộc thi do vấn đề bản quyền. Trong xã hội nhiều người vỗ ngực nhân tài nhưng thực chất không tài năng gì. Có đơn vị dự thi cho rằng, sản phâm đó là của mình nhưng cộng đồng lại không biết nguồn chính thức từ đâu.

Tham gia ít cũng có thể do người có sản phẩm kinh doanh lợi nhuận cao nên không muốn dự thi. Họ không muốn trình bày cách kiếm tiền của họ. Lúc mới thành lập, doanh nghiệp sợ, nhưng mấy năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đăng kí tham gia.

Nếu nói trong xã hội còn nhiều nhân tài thì rất khó xác định. Nếu tham gia và được hội đồng chấm sẽ có tính ứng dụng khoa học cao, được tôn vinh. Điều này khác hoàn toàn với những nhân tài chưa được phát hiện.

Những cuộc thi trước, Nhân tài Đất Việt được trọng dụng như thế nào, thưa ông?

Thực ra cuộc thi này là một bệ đỡ để các tác giả có điều kiện chắp cánh. Nếu ai thấy đồng hành cùng ban tổ chức, chúng tôi sẽ giới thiệu.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, ban tổ chưc đang lãng phí tiền bạc, thời gian trong khi chỉ tìm kiếm chứ không sử dụng?

Có thể trong lĩnh vực quản lí nhà nước không được trọng dụng. Điều này tôi không bình luận còn trong DN dại gì mà không trọng dụng.

Chính sách làm hạn chế sáng tạo

Có ý kiến cho rằng, chỉ có 7% người Việt có khả năng sáng tạo. Vậy, ông đánh giá thế nào về kết luận này?

Theo tôi, khả năng sáng tạo của người VN không được đánh giá cao vì Luật pháp không bảo vệ quyền tác giả, cứ một sản phẩm đưa ra là bị sao chép. Chẳng hạn trò chơi Flappy Bird vừa ra đời là cả thế giới lao vào.

Tất cả là do môi trường, chính sách khiến người Việt Nam khó sáng tạo.

Người Việt không có khả năng sáng tạo cao có thể không sai nhưng quan trọng là môi trường chính sách của Nhà nước đúng hay không, có tạo điều kiện cho người ta sáng tạo hay không. Khi người ta nhen nhóm sáng tạo đã bị ăn chửi.

Qua cuộc thi này, nhà đầu tư nước ngoài có chú ý vào các sản phẩm công nghệ thông tin tại VN được giải hay không, thưa ông?

Các sản phẩm tiềm năng sẽ được các nhà đầu tư nước ngoài có đầu tư. Theo tôi, các sản phẩm có khả năng ứng dụng không phải một nhà đầu tư mà rất nhà đầu tư nước ngoài đã quan tâm. Nhóm tác giả đoạt giải sẽ được mời làm việc tại các công ty nước ngoài hoặc được làm việc tại những nơi có đầu tư nước ngoài.

Tức là chúng ta phát hiện được nhân tài rồi nhưng vẫn để nhân tài ra đi?

Chúng tôi nhận được lời đề nghị trực tiếp từ những người có trọng trách từ Bộ KHCN, cần có những sản phẩm dự án để cộng đồng tiếp cận. Những sản phẩm tiềm năng, cần phải đầu tư. Các bạn trẻ có sản phẩm dự thi ứng dụng thực tiễn không phải loay hoay tìm nơi đầu tư, hợp tác.

Những sản phẩm dự thi rất khó để phát triển, đưa sản phẩm vào thực tế. Hầu hết các sản phẩm tự thân, dù sản phẩm nổi trội nhưng vẫn phải chạy theo doanh nghiệp.

Tại VN, để ra 1 sản phẩm khoa học công nghệ quá vất vả. Điều quan trọng là phải chung tay, góp sức. Sản phẩm đưa ra ứng dụng phải hoàn chỉnh.

Ban tổ chức chỉ có thể kết hợp với những nơi có nguồn đầu tư sản phẩm. Chúng tôi mong chờ nhà nước, Bộ KHCN, các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào các sản phẩm khoa học.

Đối với sản phẩm khoa học công nghệ thông tin đoạt giải, VNPT có thể mua đứt bản quyền hoặc hợp tác, ăn chia. Đó là chưa kể nhiều nhà đầu tư của Mỹ rình rập vào VN.

Theo tôi, cơ chế chính sách cho sản phẩm khoa học công nghệ đã sáng tỏ.Các DN được dùng 10% vốn phát triển KHCN. Đầu tư cho KHCN là đầu tư cho cái mới, cái tiềm năng. Đầu tư cho khoa học công nghệ mang lại lợi nhuận khủng khiếp. Trong thời buổi kinh tế khó khăn đầu tư cho KHCN này rất ý nghĩa.

Xin cảm ơn ông!

Theo Khám Phá.




Bình luận

  • TTCN (0)