Triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc đánh giá hiệu quả của Hệ thống thông tin chính quyền điện tử (CQĐT) TP Đà Nẵng, ngày 17/11/2014, Đoàn công tác Ban điều hành triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước do Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng chủ trì đã có buổi làm việc với TP Đà Nẵng.
Để có cơ sở đo lường hiệu quả của mô hình hệ thống thông tin CQĐT Đà Nẵng, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) yêu cầu TP Đà Nẵng chia sẻ khả năng triển khai nhân rộng; đặc biệt là khả năng liên thông, tương thích với các hệ thống ứng dụng sẵn có của các cơ quan Trung ương (liên thông chiều dọc) và các địa phương khác (liên thông chiều ngang); Đánh giá tính hiệu quả khi triển khai nền tảng ứng dụng CQĐT (Da Nang eGovPlatform); việc tuân theo quy chuẩn, an toàn thông tin, kinh phí, nguồn nhân lực CNTT...
Theo ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng: “Hệ thống thông tin CQĐT Đà Nẵng được triển khai dựa trên những quy chuẩn từ hệ thống văn bản hướng dẫn của Bộ TT&TT, các công cụ mà Đà Nẵng sử dụng không có gì khác với quy chuẩn quốc gia, vì vậy hệ thống của địa phương nào tuân theo đúng quy chuẩn kĩ thuật quốc gia thì chắc chắn sẽ liên thông được với hệ thống thông tin CQĐT Đà Nẵng”.
"Điều quan trọng để triển khai thành công mô hình CQĐT là địa phương phải có quyết sách thể hiện quyết tâm chính trị của lãnh đạo. Từ tháng 7/2000, Thường vụ Đà Nẵng đã có Nghị quyết về phát triển công nghiệp phần mềm và từ tháng 6/2003, Đà Nẵng có Nghị quyết về phát triển công nghiệp CNTT. Đặc biệt từ năm 2010, Đà Nẵng đã ban hành Khung kiến trúc tổng thể ứng dụng CNTT làm kim chỉ nam, làm nền tảng góp phần quan trọng xây dựng thành công CQĐT của TP", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, Đà Nẵng không phải là địa phương có tiềm lực kinh tế mạnh như Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ… nhưng Đà Nẵng biết huy động các nguồn lực con người, tiền bạc và chọn giải pháp công nghệ phù hợp. Khi xây dựng hệ thống một cửa điện tử cho 56 xã, phường, Đà Nẵng chỉ tiêu không đến 300 triệu đồng (trong khi với số tiền như vậy, một số địa phương chỉ làm được cho 1 xã, phường); Xây dựng hệ thống một cửa điện tử cho 7 quận, huyện chỉ mất 800 triệu đồng. Nếu Đà Nẵng không chọn công nghệ mã nguồn mở thì không thể xây dựng được hệ thống thông tin này.
Giải pháp nền tảng ứng dụng CQĐT (Da Nang eGovPlatform) là kế thừa mô hình, công nghệ và kinh nghiệm do Cơ quan thông tin quốc gia Hàn Quốc (NIA) chuyển giao. Dựa trên nền tảng này, hồ sơ thuộc các thủ tục hành chính được tiếp nhận, luân chuyển và trả kết quả trên một hệ thống liên thông, tích hợp duy nhất trên nhiều cơ quan khác nhau, nhiều lĩnh vực xử lí khác nhau, qua đó nâng cao hiệu quả xử lí hồ sơ, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp. Đến nay, nguồn nhân lực của Đà Nẵng đã đảm bảo làm chủ được giải pháp đó.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đánh giá cao hệ thống thông tin CQĐT của TP Đà Nẵng, đặc biệt là các ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lí nhà nước cũng như một số chuyên ngành. Theo Thứ trưởng, việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào hoạt động của bộ máy công quyền nhằm tạo sự công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn là mục tiêu mà Chính quyền điện tử hướng tới.
“Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, đoàn công tác của Ban điều hành triển khai ứng dụng CNTT sẽ tập hợp, đánh giá chi tiết hiệu quả hệ thống thông tin CQĐT Đà Nẵng để triển khai rộng rãi ra nhiều địa phương khác với mong muốn sẽ có nhiều “mô hình Đà Nẵng” hơn nữa, góp phần xây dựng thành công CQĐT tại Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh.
Theo ICTnews.
Bình luận