TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Bộ KH&CN) trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong ngày 19/11 tại TPHCM. Ảnh: Trúc Quỳnh.

Đó là nhận định của TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam khẳng định với PV Tiền Phong bên lề Diễn đàn các nhà cung ứng công nghiệp điện hạt nhân khu vực châu Á (Atomex Asia 2014) ngày 19/11 tại TPHCM.

Thưa ông, có phải quá trình nghiên cứu khả thi cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đã hoàn tất?

Theo tôi biết, quá trình nghiên cứu khả thi đối với nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đến nay đã hoàn tất, dù vẫn còn vài điểm cần làm rõ. Quá trình khảo sát địa điểm đã xong, nhưng vẫn phải tiếp tục bàn bạc với các bên để làm rõ đánh giá tính phù hợp của địa điểm đối với việc xây dựng nhà máy. Ninh Thuận 2 vẫn còn xem xét việc lựa chọn công nghệ.

Đại diện của Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom) hôm qua thông báo, quá trình nghiên cứu khả thi nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đã hoàn tất và các tài liệu đã được nộp cho chủ đầu tư để trình lên Hội đồng thẩm định Nhà nước để phê duyệt. Theo ông, Việt Nam có đủ năng lực đánh giá các tài liệu này không hay phải thuê bên thứ ba?

Nếu để đánh giá toàn bộ báo cáo thì có lẽ Việt Nam chưa đủ năng lực, nhưng có thể tham gia một phần. Vì thế sẽ vẫn phải cần tư vấn nước ngoài. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân sẽ chịu trách nhiệm lựa chọn tư vấn nước ngoài. Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam có đội ngũ làm nghiên cứu sẽ sẵn sàng đóng góp hỗ trợ công việc. Theo tôi, không cần thuê toàn bộ tư vấn nước ngoài.

Có những phần Việt Nam làm được thì nên vừa làm vừa học. Quá trình cùng làm việc với tư vấn nước ngoài sẽ là quá trình đào tạo tốt nhất. Việc thẩm định đánh giá khả thi là cần thiết nhưng chưa phải bước cuối cùng. Đến giai đoạn thiết kế kĩ thuật sẽ phải làm lại tất cả những báo cáo đó để xin cấp phép xây dựng. Quá trình đó còn quan trọng và chi tiết hơn nhiều, và có thể thay đổi so với đánh giá ban đầu vì thực hiện đối với thiết kế chi tiết tại địa điểm cụ thể.

Lựa chọn công nghệ mới nhất AES2006/V491 cho nhà máy Ninh Thuận 1 có phải việc mạo hiểm không?

Công nghệ hạt nhân không phải như chiếc điện thoại. Công nghệ mới, thiết kế mới có tính kế thừa, dựa trên công nghệ cũ, tận dụng tất cả ưu điểm của công nghệ cũ. Trong nhà máy điện hạt nhân có 2 phần, gồm phần sản xuất điện và phần hệ thống an toàn. Phần sản xuất điện hầu như không thay đổi nhiều so với các công nghệ trước. Phần mới là phần đảm bảo an toàn.

Hệ thống này đều có ở các nhà máy điện hạt nhân, nhưng có thể không dùng đến trong suốt thời gian vận hành nhà máy. Việc kiểm tra hệ thống an toàn này không thể kiểm tra bằng thực tế vì có thể trong suốt đời của nhà máy, hệ thống an toàn không hoạt động mà chỉ có thể bảo dưỡng và kiểm tra để biết nó vẫn bình thường. Khi sản xuất những hệ thống này, người ta phải thí nghiệm để kiểm chứng các mô hình tính toán, chứng minh hệ thống hoạt động tốt, hiệu quả và việc này đã được thực hiện khi thiết kế.

Có ý kiến cho rằng, Việt Nam đang không mặn mà thúc đẩy dự án điện hạt nhân, ông nghĩ sao?

Theo tôi, không phải Việt Nam không mặn mà, mà vì những lí do khách quan, đặc biệt là Việt Nam chưa có kinh nghiệm, chưa biết vướng mắc chỗ nào, nguồn nhân lực vẫn thiếu. Sự cố Fukushima (Nhật Bản) xảy ra sau khi Quốc hội phê duyệt kế hoạch điện hạt nhân, nên chúng ta phải xem lại kĩ lưỡng.

Một lí do nữa là năm 2009, khi phê duyệt dự án, chúng ta đặt ra kế hoạch xây dựng vào năm nào đó, nhưng lúc đó chưa có những kinh nghiệm về sự cố để đưa ra quyết định xác đáng. Vì thế, việc chậm lại cũng là bình thường. Gần đây, các nước khác thường cũng bị chậm so với kế hoạch.

Vấn đề cấp bách: Nhân lực

Theo ông, khó khăn lớn nhất của Việt Nam trong triển khai kế hoạch là gì?

Tôi luôn nói đến vấn đề cấp bách là nguồn nhân lực. Muốn làm điện hạt nhân, phải có một đội ngũ người giỏi, nắm chắc mọi thứ để triển khai công việc tốt. Thứ hai phải có sự chỉ đạo tốt. Các công việc đang triển khai ở Việt Nam liên quan đến điện hạt nhân còn đang rất rời rạc, không kết nối thành một mạch, một hệ thống để triển khai bền vững. Đây là lĩnh vực mới nên các cơ quan, bộ ngành liên quan còn lúng túng. Kiến thức, kinh nghiệm và nguồn nhân lực là yếu tố rất quan trọng để thực hiện thành công các kế hoạch đặt ra.

Rosatom đang giúp đào tạo hơn 300 sinh viên Việt Nam trong ngành năng lượng hạt nhân. Theo ông, việc này có kịp đáp ứng khi Ninh Thuận 1 hoàn thành và đi vào sử dụng?

Nguồn nhân lực có nhiều mảng, gồm nhân lực để vận hành nhà máy thuộc công ty điện lực. Nguồn thứ hai là của các cơ quan pháp quy, chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống văn bản pháp quy để điều tiết được bên vận hành để đảm bảo nhà máy hoạt động an toàn, không ảnh hưởng đến con người và môi trường. Đội ngũ này không chỉ cần kiến thức mà còn cần kinh nghiệm. Đội ngũ thứ ba là đội ngũ nghiên cứu triển khai. Đội ngũ này giống như bác sĩ chịu trách nhiệm bảo vệ sức khỏe, chữa bệnh cho bệnh nhân trong suốt cuộc đời. Có đủ những đội ngũ nhân lực này mới vận hành nhà máy an toàn được. Muốn nhà máy hiệu quả thì phải đảm bảo an toàn, không an toàn thì không hiệu quả. Ba đội ngũ này giống như kiềng ba chân, nếu vững chắc mới phát triển điện hạt nhân bền vững.

Phần nhân lực đào tạo bên Nga chỉ là một phần của công ty điện lực. Trước đây, khi Nga và Mỹ phát triển hạt nhân, họ phải thu hút những người giỏi nhất vào lĩnh vực này, và họ có những nhà bác học thực sự giỏi. Đào tạo người vận hành nhà máy khác với đào tạo những người đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu triển khai. Việc đào tạo một người thành người điều khiển vận hành được lò hạt nhân thường mất 10 - 12 năm. Trong những năm 1970 - 1980, Việt Nam đã cử người đi học trong lĩnh vực này. Nhưng nay họ đã chuyển sang làm trong những lĩnh vực khác, nên chúng ta phải đào tạo lại từ đầu. Còn để đào tạo được chuyên gia, người làm khoa học trong lĩnh vực điện hạt nhân, cần 10 - 15 năm, và không phải có người đào tạo là thành chuyên gia, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, ví dụ năng lực và đam mê nghiên cứu.

Theo tôi, việc chuẩn bị của phía Nga là tốt. Nếu Việt Nam không kịp đào tạo thì có thể phía Nga sẽ vận hành nhà máy trong những năm đầu để họ đào tạo tại chỗ cho phía ta rồi thay đổi dần dần bằng nhân lực trong nước, giống như dự án Vietsovpetro trước đây.

Cảm ơn ông.

Về lựa chọn công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, phía Nhật Bản đưa ra 4 loại công nghệ, gồm có ABWR, MPWR+, AP1000 và ATMEA1, TS Trần Chí Thành cho biết. Những công nghệ này được phát triển trước khi Nhật Bản gặp sự cố hạt nhân Fukushima.

Theo Tienphong.




Bình luận

  • TTCN (0)