Làm đối tác của Apple, nên hay không?

Một vài năm trước, Apple đã hợp tác với nhà sản xuất kính sapphire – công ty công nghệ GT Advanced Technologies (GTAT) để cung cấp kính sapphire cho quá trình sản xuất iPhone 6. Tuy nhiên, mẫu điện thoại iPhone 6 và iPhone 6 Plus của Apple đã ra mắt từ hồi tháng 9 mà không có màn hình kính sapphire. Bởi lẽ, công ty GTAT đã đệ đơn xin phá sản để giải quyết tình trạng kinh doanh thua lỗ từ trước đó.

Dù vậy, nhà cung cấp kính sapphire GTAT đã tiết lộ nhiều thỏa thuận quan trọng với Apple và cho rằng thương hiệu đắt giá nhất thế giới này đã “chèn ép” các công ty đối tác nhỏ như GTAT.

Mối quan hệ của GTAT và Apple có nhiều điểm rất phức tạp, trước đó Apple từng muốn mua lò phản ứng của GTAT để tự sản xuất kính sapphire cho mẫu điện thoại iPhone nổi tiếng, nhưng sau đó họ lại quyết định chỉ mua sản phẩm kính sapphire do GTAT sản xuất. Cuối cùng, nhà cung cấp GTAT lại không sản xuất đủ số lượng cũng như chất lượng của kính sapphire mà Apple yêu cầu. Vì vậy, quan hệ đối tác giữa hai công ty bị đổ vỡ, theo thông tin từ tờ Nhật báo phố Wall.

Đặc biệt, tờ Nhật báo phố Wall còn đưa ra các số liệu cụ thể như, công ty GTAT đã bị thua lỗ gần 500 miếng kính sapphire trị giá hàng nghìn USD và việc công ty này đã thuê 700 nhân viên nhưng không có nguyên liệu để sản xuất bởi chi phí mua nguyên liệu quá lớn.

Trên thực tế, trước khi kí hợp đồng với Apple khoảng 3 ngày, GTAT đã sản xuất được 578 pound kính sapphire, nhưng không có một chút nào trong số đó được sử dụng.

Ảnh
iPhone 6 đã được sản xuất mà không có màn hình kính sapphire

Mặt khác, vụ bê bối giữa hai công ty đã cho thấy quyền lực và độ nguy hiểm khi hợp tác với Apple, theo Nhật báo phố Wall. Tim Cook và Apple đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng cao và giá thành thấp, vì vậy, điều này đã gây khó khăn cho các công ty đối tác.

Triển vọng về việc sản xuất ra một lượng lớn kính sapphire cho công ty công nghệ đắt giá nhất trên thế giới là việc quá khó khăn cho GTAT, bởi lẽ sự thiếu kinh nghiệm, không có khả năng mở rộng quy mô và trên hết là chi phí sản xuất kính sapphire cao hơn nhiều so với số tiền 1 tỉ USD mà công ty đầu tư vào dự án.

Tuy vậy, Apple cũng đã đề nghị giúp đỡ về mặt tài chính cho GTAT nhưng đã quá muộn. Nhà cung cấp kính sapphire GTAT đã đệ đơn xin phá sản chỉ hai tuần sau khi iPhone 6 được phát hành - mà không có màn hình sapphire. Trong phiên tòa xử lí việc phá sản của GTAT, hai công ty lại đổ lỗi cho nhau vì sự thất bại. Thế nhưng, có vẻ như cả hai công ty đều phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Màn hình Sapphire là một bước tiến lớn so với các vật liệu đã từng được sử dụng trên màn hình điện thoại thông minh. Và có lẽ, Apple cần tìm một đối tác mới nếu muốn sử dụng loại màn hình này cho các thế hệ tiếp theo của mẫu điện thoại iPhone “đình đám”.

Theo Bizlive.




Bình luận

  • TTCN (0)