Smartphone thành trung tâm chăm sóc sức khỏe

Ngành công nghiệp di động phát triển nhanh chóng đã biến smartphone trở thành trung tâm của thời đại số. Sau nhiều cuộc đua từ cấu hình, tính năng, cho đến những trải nghiệm người dùng và ứng dụng của smartphone vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, giờ đây các nhà sản xuất đang tập trung phát triển tính năng theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho smartphone kết hợp cùng các thiết bị thông minh đeo trên người.

Thực tế là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cá nhân đã bắt đầu hưởng lợi từ cuộc cách mạng smartphone và các thiết bị đeo thông minh, như vòng đeo tay sức khỏe, smartwatch, hay những thiết bị khác tích hợp cảm biến có khả năng theo dõi tình trạng sức khỏe người dùng. Các thiết bị đeo trên người này hoạt động như những máy đo nhịp tim, huyết áp, thân nhiệt và nhiều dấu hiệu khác của cơ thể sẵn sàng phát tín hiệu cảnh báo khi có dấu hiệu bất thường. Và điều quan trọng là chúng có khả năng kết nối và gửi thông tin thu thập được cho ứng dụng chạy trên smartphone phân tích, xử lí và cho ra ngay những biểu đồ sức khỏe để người dùng tham khảo, điều chỉnh hành vi sinh hoạt, ăn uống, luyện tập có lợi cho sức khỏe. Thông tin còn có thể được ứng dụng trên smartphone cập nhật vào hồ sơ y tế điện tử cá nhân trên mây, hay gửi ngay đến cho bác sĩ điều trị để có những phân tích sâu hơn.

Những khoảng thời gian dài lê thê chờ đợi đến lượt khám bệnh để nghe những lời giải thích ngắn ngủn, chung chung của bác sĩ sẽ không còn là nỗi ám ảnh của mọi người. Triển vọng to lớn của ngành đang hấp dẫn các công ty tận dụng tính di động của thiết bị, phát triển phần mềm tiện theo dõi tình trạng sức khỏe cho người dùng. Các đại gia công nghệ Apple, Google và Samsung đều tỏ rõ tham vọng biến chiếc smartphone thành trung tâm chăm sóc sức khỏe cá nhân.

Apple tích hợp HealthKit vào nền tảng iOS 8 mới nhất. Google cũng đưa ra Google Fit tạo nền tảng để phát triển các ứng dụng chăm sóc sức khỏe cho nhiều loại thiết bị. Samsung thì đã tích hợp bộ ứng dụng S-Health cho chiếc điện thoại “đỉnh” Galaxy S5 tích hợp cảm biến đo nhịp tim, kết hợp smartwatch Galaxy Gear và vòng đeo Galaxy Gear Fit sẽ cho thông tin nhiều hơn về sức khỏe của người dùng.

Nhiều nhà sản xuất đang tích cực khai thác ứng dụng HealthKit của Apple. Công ty Withings chuyên sản xuất thiết bị thông minh theo dõi sức khỏe mới thông báo một số sản phẩm của mình đã tương thích với HealthKit, bao gồm các bộ hỗ trợ rèn luyện thể lực Pulse, theo dõi huyết áp Wireless Blood Pressure Monitor, theo dõi giấc ngủ Aura. Trong danh sách thiết bị tương thích với Apple HealthKit còn có những bộ theo dõi sức khỏe hàng đầu như Jawbone UP24, Misfit Flash hay Garmin Vivosmart. Điều đó có nghĩa là người dùng iPhone không nhất thiết sử dụng một thiết bị theo dõi sức khỏe mà có thể thay đổi tùy thích.

Thị trường chăm sóc sức khỏe di động bao gồm các thiết bị đeo và ứng dụng trên smartphone được đánh giá là rất tiềm năng, với qui mô trên toàn cầu lên tới hàng chục tỉ USD mỗi năm trong những năm tới đây. Hiện nay đang có nhiều yếu tố thuận lợi để thị trường bùng nổ. Thiết bị đeo thông minh đang nở rộ. Cảm biến sinh học gắn trên thiết bị theo dõi dấu hiệu cơ thể người đeo đang có giá giảm nhanh. Smartphone ngày càng phổ biến, và ứng dụng theo dõi sức khỏe ngày càng nhiều và hoàn thiện hơn. Công nghệ đám mây với dữ liệu lớn (big data) chứa vô vàn thông tin để người dùng khai thác.

Nở rộ thiết bị đeo theo dõi sức khỏe

Thị trường vòng đeo tay theo dõi sức khỏe đã hình thành và phát triển liên tục từ mấy năm nay, kể từ khi vòng đeo Fitbit Classic được tung ra bán và gây sự chú ý của người tiêu dùng vào năm 2008. Những năm gần đây nhiều hãng đã nhảy vào lĩnh vực này và thu được thành công như Fitbit, Jawbone, Nike.

Ảnh
Vòng đeo Vivosmart của Garmin kết nối không dây Bluetooth 4.0 LE với smartphone để hiển thị tin nhắn, email, lịch sự kiện và thông tin người gọi trên màn hình OLED. Thiết bị hỗ trợ đếm số bước chân, khoảng cách đã đi, lượng calo đã tiêu hao, và đo giấc ngủ nông sâu. Giá bán tham khảo 170 USD. Phiên bản tích hợp cảm biến đo nhịp tim giá 200 USD, tại Garmin.com.

Vòng đeo tay theo dõi sức khỏe, theo IDC dự báo, sẽ chiếm ưu thế trên thị trường thiết bị đeo cho đến năm 2018. Những vòng đeo thông minh đang được bán nhiều trên thị trường như Fitbit Flex, Jawbone UP, Nike FuelBand SE… hữu ích cho rèn luyện thể thao. Chúng có khả năng đếm số bước chân người đi trong ngày, ghi nhận khoảng cách đã đi được, lượng calo bị đốt cháy, một số còn theo dõi giấc ngủ của người đeo về đêm. Các vòng đeo tay theo dõi sức khỏe này kết nối không dây với smartphone, cập nhật dữ liệu mà chúng thu thập được từ người đeo, kết quả xử lí của ứng dụng có thể xuất ra dưới dạng biểu đồ trực quan, thúc đẩy người dùng cố gắng hơn trong rèn luyện, điều chỉnh hành vi sinh hoạt để đạt được mục tiêu đề ra cho sức khỏe bản thân.

Hồi tháng 3 vừa qua, Intel bất ngờ thông báo đã mua lại Basis Science – công ty sản xuất vòng đeo tay theo dõi sức khỏe Basis Band. Trước đó, theo tin đồn thì Apple và Google mới là những kẻ theo đuổi việc thâu tóm công ty này. Và quyết định thực hiện thương vụ được cho là có giá trị hơn 100 triệu USD này của Intel cho thấy tiềm năng lớn của thị trường theo dõi sức khỏe di động. Basis Band có giá bán 199 USD, khá đắt so với các sản phẩm cùng nhóm trên thị trường, như của Fitbit và Jawbone thường giá dưới 100 USD, nhưng có nhiều tính năng nổi trội. Ngoài đếm số bước chân, khoảng cách, tốc độ di chuyển, thiết bị còn có khả năng theo dõi nhịp tim, lượng mồ hôi người đeo tiết ra để đánh giá cường độ rèn luyện của buổi tập. Thiết bị còn đo được nhiệt độ, và theo dõi cả giấc ngủ người dùng để đưa ra lời khuyên hợp lí.

Trường hợp gây sự chú ý mới đây là sự tham gia vào thị trường của những công ty mới như Xiaomi của Trung Quốc đem lại triển vọng giá sản phẩm sẽ giảm nhanh, giúp số đông người dùng dễ tiếp cận. Hồi tháng 7, nhà sản xuất smartphone lớn thứ 5 (quý vừa qua đã lên top 3) trên thế giới này tung ra vòng đeo tay theo dõi thể lực Mi Band giá bán chỉ 13 USD, nhưng tính năng được quảng bá là không thua kém so với Fitbit Flex giá 100 USD, và Jawbone UP giá 80 USD.

Sân chơi dường như đang nóng dần lên. Ngay cả người khổng lồ phần mềm Microsoft đã tung ra vòng đeo theo dõi sức khỏe, tên gọi "Microsoft Band", cùng với nền tảng Microsoft Health. Microsoft Band có giá bán 199 USD, tương tích với các hệ sinh thái di động iOS, Android và dĩ nhiên là cả Windows Phone.

Ảnh
Vòng đeo tay theo dõi sức khỏe Microsoft Band, giá bán 199 USD, tích hợp GPS và 10 bộ cảm biến có thể theo dõi cả rèn luyện thể lực và giấc ngủ; đo nhịp tim, độ bức xạ tia cực tím mặt trời…

Hấp lực của lĩnh vực theo dõi và chăm sóc sức khỏe khiến các nhà sản xuất smartwatch không thể bỏ qua. Nhiều đồng hồ thông minh đã bắt đầu tích hợp tính năng theo dõi sức khỏe. Gear Fit của Samsung có thể gọi là smartwatch hay vòng đeo theo dõi sức khỏe cũng được. Nó có khả năng đo nhịp tim, đếm số bước và tính khoảng cách người đeo đã đi, hỗ trợ tốt cho những buổi rèn luyện thể lực cá nhân. Thiết kế màn hình cong như của Gear Fit đem lại tính thẩm mĩ cao, dễ thuyết phục người dùng đeo trên tay chứ không ngại ngần như thiết bị y tế thường có vẻ kì dị khi đeo trên người.

Ở thời điểm này giới quan sát đang đổ dồn sự quan tâm tới chiếc Apple Watch sẽ được bán ra vào đầu năm tới. Sự góp mặt của Apple sẽ đốt nóng thị trường bởi sản phẩm của hãng thường mang tính cạnh tranh cao và Apple nổi tiếng là công ty công nghệ sáng tạo hàng đầu. Với nền tảng HealthKit đã tích hợp vào iOS 8, khó có thể hình dung đồng hồ thông minh của Apple mà lại thiếu tính năng theo dõi sức khỏe.

Ảnh
Withings Pulse O2 tiện đeo trên người, tương thích với Apple Health giúp cung cấp dữ liệu sức khỏe chi tiết hơn. Pulse O2 cũng hỗ trợ đếm số bước chân và theo dõi giấc ngủ, thêm nữa còn đếm số bậc bước lên. Nó còn có thể đo nhịp tim và nồng độ oxy trong máu người đeo. Màn hình giúp xem lại thông tin sức khỏe 10 ngày gần nhất. Giá bán tham khảo 120 USD, tại Withings.com.

Nhiều dạng thiết bị đeo thông minh đang được phát triển cho mục đích chăm sóc sức khỏe. Tại triển lãm CES 2014 diễn ra ở Mỹ hồi đầu năm, hệ thống Mimo Kimono, giá bán dự kiến khoảng 200 USD, đã gây sự chú ý với khả năng theo dõi hơi thở, thân nhiệt và chuyển động của trẻ sơ sinh. Bộ Mimo hình con rùa cùng hai sọc màu xanh, do các sinh viên MIT phát triển có cảm biến tích hợp bên trong ghi lại nhịp tim, nhịp thở và nhiệt độ thân nhiệt của trẻ. Dữ liệu sẽ được máy tính Intel Edison nhỏ như chiếc thẻ nhớ SD phân tích và gửi toàn bộ thông tin về bé đến một ứng dụng chạy trên smartphone. Bố mẹ của bé sẽ yên tâm hơn khi không ở bên cạnh bé, khi có vấn đề gì xảy ra với bé thì hệ thống sẽ cảnh báo cho họ.

Hiện tại thì các thiết bị đeo thông minh chưa thu hút được các nhà phát triển cung cấp các ứng dụng, bao gồm ứng dụng cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Đó là lí do đến nay chúng vẫn được thiết kế để dùng kèm với smartphone.

Và nỗi lo rò rỉ thông tin sức khỏe cá nhân

Ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe di động hứa hẹn sẽ bùng nổ khi các công ty công nghệ đang tìm đủ cách giám sát từng hoạt động cũng như theo dõi mọi dấu hiệu liên quan đến tình trạng sức khỏe cá nhân người dùng.Thiết bị đeo ngày càng thông minh, tích hợp nhiều tính năng hữu ích, tạo động lực cho người dùng tăng cường rèn luyện thân thể để đạt mục tiêu đề ra, cũng sẵn sàng cảnh báo khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Nhưng cũng chính vì thế mà nảy sinh nỗi lo về nguy cơ rò rỉ thông tin nhạy cảm về bệnh tật hay tình trạng sức khỏe của người dùng.

Ảnh
Mi Band nổi bật tính thời trang, và giá đặc biệt chỉ có 13 USD. Vòng đeo này tích hợp cảm biến theo dõi sức khỏe hỗ trợ người dùng rèn luyện thể lực như đếm số bước chạy, lượng calo tiêu hao. Mi Band còn thêm tính năng mở khóa smartphone Xiaomi thay cho việc nhập mật khẩu. Theo giới thiệu của Xiaomi, thiết bị dùng được tới 30 ngày cho mỗi lần sạc pin, không sợ nước và bụi theo tiêu chuẩn IP67.

Chẳng hạn, những chiếc vòng đeo tay hay smartwatch có tính năng đo nhịp tim, huyết áp của người sử dụng có thể phát cảnh báo, và ứng dụng chạy trên smartphone sẽ gửi thông tin cho bác sĩ khi có những dấu hiệu bất bình thường của người đeo. Dữ liệu còn có thể được gửi lên “mây” để theo dõi lâu dài cùng hồ sơ bệnh án điện tử. Và như vậy nguy cơ người dùng phải đối mặt với tình huống bị kẻ xấu tiếp cận và lợi dụng những thông tin này cho mục đích xấu là có thực.

Có một thực tế là cả thế giới đang đau đầu trước vấn nạn tin tặc ngày càng gia tăng các cuộc tấn công có chủ đích. Nhưng cũng có một thực tế khác là phần lớn người dùng dường như sẵn sàng bỏ qua sự vi phạm riêng tư để có được những trải nghiệm hấp dẫn. Trên thực tế, các chuyên gia bảo mật không ngừng cảnh báo chia sẻ liên tục trên Facebook đem lại nhiều rủi ro cho người dùng, nhưng phần đông vẫn phớt lờ. Với thiết bị đeo thông minh, người dùng có thể bị hấp dẫn bởi những trải nghiệm hữu ích mà quên đi thông tin sức khỏe cá nhân có thể bị xâm phạm. Tuy nhiên, nếu ngành công nghiệp không giải quyết tốt vấn đề này, có thể người dùng sẽ e ngại mua sản phẩm một khi họ nhận thức được rủi ro có thể đến với mình.

Theo PC World VN.




Bình luận

  • TTCN (0)