Chiếc Fujifilm S100fs ra mắt đầu năm 2008 có cấu hình rất giống dòng máy ảnh bán chuyên của những năm 2003 - 2005 nhưng có nhiều tính năng hiện đại, quay phim được và chất lượng hình hơn hẳn máy ảnh compact.
Những năm 2003 - 2005 là thời kỳ cực thịnh của những chiếc máy ảnh dòng “bán chuyên” - dòng máy ống kính gắn liền với tính năng tương đương dòng DSRL - cùng các đại diện sáng giá như Canon Pro1, KonicaMinolta A2, Olympus C8080, Nikon 8700, Sony 828, Sony R1.
Sở dĩ dòng bán chuyên có đất dụng võ là vì tại thời điểm đó, chiếc DSLR rẻ nhất với ống kính bán kèm máy (loại thường) cũng có giá tới hơn 1.000 USD. Theo thời gian, những chiếc DSLR trở nên rẻ hơn khá nhiều kéo theo sự “biến thái” của dòng “bán chuyên” - trở thành những chiếc “siêu zoom” có cảm biến ánh sáng ngày càng nhỏ - hy sinh đáng kể chất lượng hình ảnh để giá cả nằm trong phân khúc chấp nhận được.
Thời điểm đầu năm 2008 đã đánh dấu sự trở lại của dòng bán chuyên đúng nghĩa bằng chiếc Fujifilm S100fs - với cấu hình rất giống các bậc "tiền bối": cảm biến lớn 2/3 inch, zoom tốt bắt đầu từ 28 mm rất hữu dụng, màn hình xoay, tích hợp các tính năng tiên tiến nhất.
Với ngót nghét 700 USD, Fujifilm S100fs cho người sở hữu chúng những gì?
Trước hết, chất lượng hình ảnh vào loại tốt nhất, tiến sát dòng ống kính rời DSLR tuy hiện tượng viền tím ở những khu vực tương phản cao đôi khi gây khó chịu (mặc dù có thể xử lý được bằng phần mềm trên máy tính).
Ống kính zoom 14,3x bắt đầu từ tương đương 28 mm có chống rung quang – có thể là không "dữ dội" như chiếc Olympus SP-570UZ zoom 20x nhưng so với máy ảnh DSLR thì chẳng kém gì. Nên lưu ý rằng cảm biến của S100fs có diện tích gấp đôi những chiếc zoom 18x-20x, và với tầm zoom này chỉ riêng ống kính của máy DSLR thôi cũng khó mà dưới cái giá 1.000 USD. Hơn nữa lại chưa chắc đã có chống rung.
Máy mang những đặc điểm riêng của Fujifilm: cảm biến Super CCD thế hệ thứ 8; giả lập màu phim, chế độ mở rộng dãy tương phản. phim và zoom được trong khi quay.
Về hình thức, các phím bấm ngoài rất phong phú, thậm chí còn nhiều hơn một số chiếc DSRL dòng khởi điểm, giúp người dùng thuận tiện trong việc thay đổi nhanh các thông số chụp. Màn hình linh động xoay lên xuống được
Có thể nói S100fs không hề có đối thủ cạnh tranh cùng loại bởi các hãng khác có vẻ đã chùn bước với thể loại “bán chuyên” này. Nó chỉ phải cạnh tranh với chính nó bởi mức giá tương đối cao - gấp rưỡi các chiếc “đàn em” và thậm chí đắt tiền hơn một số chiếc DSLR với ống kính bán kèm.
So sánh Fujifilm S100fs với những đối thủ “dưới cơ” nhưng đáng gờm
Với Panasonic Fz50, Canon G9, S100fs cho chất lượng hình ảnh vượt trội, tầm zoom lớn hơn, công nghệ mới hơn (của năm 2008), nhiều phím bấm và thuận tiện hơn. Một điểm trừ là giá S100fs đắt hơn hẳn.
Và đặt chiếc Fujifilm S100fs bên cạnh các máy DSLR dòng khởi điểm có giá quanh 700 USD, như Canon 350D, Nikon D40 với một hoặc 2 ống kính cho tầm zoom khoảng 28 - 300 mm. Điểm cộng: tầm zoom của chiếc máy này lớn hơn, nếu DSLR có các ống kính tương đương và có chống rung thì giá đội lên quá đắt. Hơn nữa, S100fs chỉ cần một ống kính duy nhất. Máy có tính năng cho người dùng nghiệp dư như nhận diện khuôn mặt.
Nhưng điểm yếu lớn nhất là chất lượng hình ảnh của sản phẩm này còn thua DSLR, khe ngắm dạng điện tử chứ không phải khe ngắm quang. Không điều khiển đèn flash rời theo chế độ TTL (through the lens) như DSLR để đạt độ chính xác cao. Ngoài ra, bạn không thể nâng cấp ống kính.
Chiếc S100fs thực sự đáng giá với những gì nó mang lại, tuy nhiên, mức giá tròm trèm 700 USD không phải là cái giá "hời" nếu đem so với các sản phẩm cùng loại như Panasonic Fz50 hay Fujifilm 9600. Trong khi đó, nếu muốn tiến xa hơn vào con đường nhiếp ảnh nghệ thuật thì 700 USD mới là sự bắt đầu của một bộ DSLR khởi điểm.
Theo Số hoá
Bình luận
Con S100fs này giới thiệu cách đây có "6 tháng" àh, giá bây giờ tại Mỹ, Nhật thì dưới 650 USD.
Dòng này thuộc loại máy "zoom nhiều" chứ về chất lượng ảnh thì ko cách nào so sánh được với Canon G9. Nhất là ko có chụp RAW thì ai thích chụp hình chẳng mua làm gì.
Dòng DC bán chuyên Canon Pro1, KonicaMinolta A2, Olympus C8080, Nikon 8700, Sony 828...lừng lẫy 1 thời vì thời đó 1 chiếc DSLR rẻ nhất giá chỉ khoãng 3000 USD à Còn bây giờ thì DSLR giá khá rẻ (500 đến 700 USD) mà chất lượng hơn hẳn thì dòng DC mắc tiền chết hết thôi.