Smartwatch Moto 360 của Motorola được nhiều người chờ đợi nhưng khi bày bán lại gây thất vọng

Các hãng công nghệ có thể giúp cho cuộc sống của chúng ta trở nên tiện lợi và dễ dàng hơn nhờ những sản phẩm và dịch vụ của họ, nhưng những sự cố mà họ gây ra cho người dùng cũng không hề hiếm. Những câu chuyện dưới đây cho thấy một điều rằng ngay cả những người thông minh cũng có phút hành xử bồng bột và làm/nói ra những điều dại dột. Và ngay cả những thương hiệu phát đạt, thành công nhất hiện nay cũng có lúc sảy chân.

1. SmartWatch: Sản phẩm bị "chém gió" nhiều nhất trong năm

Hãy đối diện với sự thật: Liệu có mẫu smartwatch nào tương xứng được với những lời đồn thổi hay sự đình đám mà giới truyền thông tạo ra cho chúng trước đó hay không? Sau một vài thử nghiệm đầy hứa hẹn trong năm 2013, lẽ ra 2014 phải là năm mà đồng hồ thông minh trở nên phổ biến hoặc chí ít thì cũng khuấy động được không khí đôi chút. Google đã cho thấy hãng rất nghiêm túc khi ra mắt hệ điều hành Android Wear, được thiết kế riêng cho các thiết bị wearable, trong khi Samsung, Motorola, LG và Sony đều lần lượt tung ra những thiết kế tâm đắc của mình với hi vọng thu hút được người dùng.

Nhưng những vấn đề cố hữu vẫn được "bảo tồn" nguyên vẹn: thiết kế cồng kềnh, thời lượng pin đáng thất vọng và phần mềm không quá phức tạp, ôm đồm thì lại quá sơ sài, nghèo nàn. Không có bất cứ một mẫu đồng hồ đang bày bán nào trên thị trường thực sự đáng mua cả.

Mọi người đang rất hi vọng rằng tình hình sẽ thay đổi vào năm tới, khi ít nhất một công ty cũng biết đi sao cho đúng hướng. Đó chính là Apple với Apple Watch, dự kiến mở bán trong Q1/2015.

2. Phần mềm taxi: Điên đầu vì cạnh tranh bẩn

Ở đâu có cạnh tranh, ở đó không thiếu chiêu trò. Hồi tháng 8 vừa qua, hãng Lyft tố cáo các nhân viên của dịch vụ đối thủ Uber đã gọi đặt sau đó hủy hàng ngàn chuyến xe chỉ trong vòng 9 tháng, một chiến thuật mà theo Lyft là để khiến các tài xế cảm thấy nản lòng. Về phần mình, Uber phủ nhận rằng những cáo buộc trên là "hoàn toàn sai sự thật". Rắc rối là ở chỗ ứng dụng gọi xe Gett cũng đưa ra những cáo buộc tương tự nhằm vào Uber, ám chỉ rằng Uber đã sử dụng kiểu tấn công "từ chối dịch vụ" để tuyển dụng tài xế của các hãng đối thủ.

Hình ảnh của Uber càng khó cải thiện hơn khi tháng 11 vừa qua, một quan chức buột miệng tiết lộ hãng này có thể sẽ chi tới 1 triệu USD cho kế hoạch "vận động các phóng viên không viết ra những bản tin không có lợi". Sau vụ đó, Tổng giám đốc Uber Travis Kalanick đã cãi bay rằng tiết lộ trên cho thấy người nói ra là kẻ "thiếu tố chất lãnh đạo, mất nhân tính và xa rời các lí tưởng cũng như giá trị của Uber". Dù vậy, người này vẫn được Kalanick giữ lại làm việc với lí do "Những ai mắc sai lầm thì có thể sẽ rút được bài học từ đó".

3. Tizen: Hãy đợi đấy!

Hệ điều hành do Samsung và Intel chung lưng hậu thuẫn được phát triển với tham vọng lớn: Tạo cho các nhà mạng quyền tự do tùy biến smartphone mà không bị lệ thuộc vào nhà sản xuất, trong khi các hãng điện thoại thì giảm bớt sự phụ thuộc vào Android. Lẽ ra, smartphone Tizen phải ra mắt từ đầu năm nay và nhắm tới phân khúc cao cấp.

Thế nhưng không một điều nào trên đây trở thành hiện thực cả.

Hình ảnh duy nhất cho tới nay mà chúng ta có về Tizen chỉ là mẫu smartwatch Gear mới của Samsung, mà đây thì cũng không phải là món hàng bán chạy gì cho lắm. Hai nhà mạng lớn là NTT Docomo và Orange đã tuyên bố rút lui khỏi liên minh Tizen, trong khi mẫu smartphone Tizen mà Samsung dự định bày bán tại Nga cũng bị hoãn vô thời hạn.

Động thái mới nhất từ Samsung là có thể sẽ trình làng một mẫu smartphone Tizen mới trong tháng tới, nhưng đó lại là một model giá rẻ.

4. Dữ liệu của chúng ta đang lâm nguy

Năm 2014 đã khiến chúng ta thực sự lo sợ cho dữ liệu cá nhân của mình, khi các con số càng ngày càng leo thang.

Hồi tháng 10, JPMorgan Chase tiết lộ rằng 76 triệu hộ gia đình và 7 triệu doanh nghiệp nhỏ có lẽ đã bị hacker lấy được dữ liệu trong một vụ xâm nhập có quy mô rộng hơn nhiều so với ước tính trước đây.

Đến tháng 11, Home Depot thừa nhận 53 triệu email cùng với 56 triệu số thẻ tín dụng lưu trong hệ thống dữ liệu của chuỗi siêu thị đồ vật liệu xây dựng, nội thất này đã bị hacker đánh cắp.

Và nếu như bạn không may là một trong những người sử dụng dịch vụ backup của bên thứ ba dành cho ứng dụng Snapchat thì nguy cơ tin nhắn của bạn bị lộ vào tay hacker là rất cao. Không những không tỏ ra đồng cảm với người dùng, Snapchat còn phủi sạch trách nhiệm khi cho rằng người dùng chỉ có thể tự trách mình vì đã lựa chọn những dịch vụ "hớ hênh" như vậy.

5. Scandal iCloud

Ảnh
Siêu mẫu Kate Upton, một trong những nạn nhân của scandal ảnh nude iCloud

2014 tiếp tục là một năm bản lề của Apple khi iPhone tiếp tục thống trị thị trường kể cả khi đối thủ Samsung đã hụt hơi. Nhưng điều đó không có nghĩa là Apple không có điều tiếng gì.

Liên quan đến khía cạnh bảo mật, vụ scandal đình đám nhất năm qua không gì khác, chính là vụ hacker đã ăn trộm và tung lên mạng ảnh nude của hàng trăm nhân vật nổi tiếng. Trong danh sách nạn nhân có cả những cái tên như nữ diễn viên Jennifer Lawrence, siêu mẫu Kate Upton, cô Kim siêu vòng ba... Theo giả thiết của các chuyên gia bảo mật, những bức ảnh này đã được thủ phạm lấy trực tiếp từ tài khoản iCloud cá nhân của các sao. Apple bác bỏ những cáo buộc rằng dịch vụ của họ bảo mật sơ hở nhưng thừa nhận rằng, lẽ ra hãng cần làm nhiều hơn để cảnh báo người dùng về sự nguy hiểm của hacker. Sau sự vụ này, Apple đã tìm cách siết chặt bảo mật của iCloud bằng cơ chế xác thực hai yếu tố cùng một số giải pháp khác.

Rồi cũng phải kể đến miếng vá iOS 8.0.1 dành cho iPhone và iPad mà Apple đã phát hành mùa thu vừa qua. Có sứ mệnh vá lỗi của iOS 8 nhưng bản thân miếng vá này lại còn tiềm ẩn những nguy cơ lớn hơn như ngắt kết nối mạng di động của iPhone hay vô hiệu hóa máy quét vân tay TouchID. Để bảo vệ thanh danh của mình, Apple đã tung ra miếng vá 8.0.2 khá nhanh.

Những vụ việc khác làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Apple trong năm qua còn có scandal iPhone 6 Plus bị bẻ cong (Bendgate), dù Apple khẳng định chỉ có 9 khách hàng thực sự phàn nàn tới hãng về vấn đề này.

6. Satya Nadella lỡ lời

Xét tổng thể, tân Tổng giám đốc của Microsoft Satya Nadella là một người được đánh giá cao. Gã khổng lồ phần mềm đã có những chuyển mình rõ rệt theo những chiến lược mới về phần mềm và dịch vụ do Nadella xây dựng. Ngay cả dòng máy tính bảng Surface cũng bắt đầu được chú ý với model Surface Pro 3.

Nhưng ngay cả con người thông minh cũng có lúc sai lầm. Nadella đã bước nhầm vào bãi mìn khi lỡ lời rằng phụ nữ làm trong lĩnh vực công nghệ không nên đòi hỏi tăng lương mà thay vào đó chỉ nên tin tưởng vào cách đánh giá của cả hệ thống.

Điều tệ nhất là Nadella lại thốt ra câu đó khi đang dự tiệc Grace Hopper Celebration để tán dương những người phụ nữ xuất sắc trong lĩnh vực điện toán.

Không lâu sau đó, Nadella đã phải cải chính lại lời bình luận của mình và một ngày sau, ông tuyên bố mình đã "hoàn toàn sai". Nhưng điều đó vẫn không thể ngăn được những lời chỉ trích.

7. Cú hẫng mang tên Amazon Fire Phone

Bạn có còn nhớ Fire Phone, mẫu smartphone đầu tay của Amazon hay không? Nếu bạn đã trót quên thì cũng không sao, vì những người như bạn rất nhiều.

Fire Phone ra mắt với ít nhiều sự quan tâm của giới truyền thông khi nhận được sự hậu thuẫn của nhà mạng AT&T, vốn đã hứa hẹn trước đó về một chiến dịch marketing rầm rộ. Ngoài ra, nó sở hữu 2 tính năng khác biệt: Khả năng hiển thị hình ảnh 3D nhờ 4 camera theo dõi chuyển động và ứng dụng nhận dạng vật thể Firefly để quét mã vạch và các dữ liệu khác từ những món hàng ngoài đời thực, giúp bạn mua chúng trên Amazon.com dễ dàng hơn.

Nhưng như Facebook đã từng ngậm ngùi nhận ra cách đây một năm với HTC First, gắn một thương hiệu lớn lên thiết bị không có nghĩa là đảm bảo thành công. Fire Phone chạy trên nền hệ điều hành Android nhưng đã được cải biên nặng đô và không còn hỗ trợ các ứng dụng Google chủ chốt như Google Maps hay Gmail nữa. Nỗ lực marketing của AT&T cũng xẹp ngóm rất nhanh và chỉ sau 2 tháng, giá bán của Fire Phone giảm chỉ còn 99 cent cho những thuê bao kí hợp đồng dịch vụ 2 năm.

Các tính năng nổi bật nói trên ư? Người dùng thậm chí còn chẳng quan tâm. Amazon đã thừa nhận rằng hãng sai lầm khi định giá sản phẩm. Dòng máy tính bảng Kindle Fire chỉ chinh phục được một bộ phận khách hàng nhờ mức giá siêu rẻ, trong khi đó, mức giá 200 USD (đã được nhà mạng trợ giá) của Fire Phone bị cho là quá cao. Hi vọng rằng Amazon sẽ may mắn hơn với lần thử sức tiếp theo.

Theo VietNamNet.




Bình luận

  • TTCN (0)