Vấn nạn phổ biến
Vi phạm bản quyền, vi phạm quyền sao chép vẫn được nhắc đến thường xuyên như một vấn nạn thường trực trên đủ các lĩnh vực. Những vụ việc bị phát giác, những cố gắng vào cuộc của các cơ quan chức năng, các vụ kiện tụng, những kết quả giải quyết chưa đi đến đâu… cũng là đề tài được đông đảo báo chí phản ánh, bàn luận thời gian qua.
Những hành vi vi phạm, tái vi phạm trong môi trường số càng có điều kiện nở rộ, nhất là khi internet, công nghệ thông tin, viễn thông phát triển mạnh mẽ, bùng nổ như hiện nay. Một CD, VCD của nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng mới phát hành, nhanh chóng bị phát tán trên mạng để công chúng “xài chùa” khiến khổ chủ chỉ biết “kêu trời” và ngày càng không thể đề cao việc thu lời từ việc ra ấn phẩm, mà chỉ coi đó như một cách để khẳng định tên tuổi, duy trì hình ảnh. Nhiều tác phẩm thơ, truyện… được vô tư đẩy lên mạng mà không xin phép, hỏi ý kiến tác giả hay cơ quan xuất bản và rồi không biết đâu là thủ phạm ban đầu, và tác giả cũng chỉ đành ngậm ngùi với phép “thắng lợi tinh thần”, rằng thôi thì sáng tác của mình cũng được người ta đọc. Nhiều tờ báo từng gay gắt và đến nay vẫn tiếp tục lên tiếng chống hành vi “hớt váng mỡ” của một số báo điện tử khác và những trang mạng, thể hiện qua việc lấy lại tin, bài của báo khác rồi “xào xáo”, “chế biến” thành sản phẩm của mình, tha hồ đăng tải mà không tốn công sức đi thực tế cũng như không hề xin phép hay trích dẫn nguồn…
Theo GS.TSKH Hồ Ngọc Đại – Chủ tịch Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam (VIETTRO), có thông tin cho rằng, mỗi năm thế giới thiệt hại 400 tỉ USD vì tội phạm mạng. Tình trạng làm giả nhãn hiệu hàng hóa và ăn cắp bản quyền có quy mô toàn cầu. Việt Nam cũng không nằm ngoài những vấn nạn, khó khăn trên, đặc biệt là khó khăn trong quản lí sao chép dưới hình thức sao chụp và sử dụng số sau khi tác phẩm đã được xuất bản.
Thiếu hậu thuẫn
Cũng đứng trước nhiều vấn nạn và thực tế, đang chịu sự hoành hành của nạn vi phạm bản quyền, quyền liên quan trong môi trường số, nhưng Việt Nam còn thiếu nhiều cơ sở, điều kiện cho việc đẩy mạnh quản lí, kiểm soát những tồn tại và phát sinh trên.
Theo ông Đỗ Khắc Chiến, chuyên gia độc lập về sở hữu trí tuệ và quyền tác giả, nguyên Phó cục trưởng Cục bản quyền tác giả, hệ thống quy định pháp luật gần như chưa được chuẩn bị để điều chỉnh nhiều vấn đề quan trọng trong môi trường số như sao chép tạm thời, quyền chuẩn bị sẵn sàng để công chúng tiếp nhận, giới hạn quyền và trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ internet… Như đánh giá của ông Chiến, thì liên quan đến quản trị tập thể quyền sao chép trong môi trường số, ngay cả nhiều nhà quản lí cũng thiếu nhận thức về vấn đề này và thường lâm vào bị động trước thực trạng vi phạm. Trong khi đó, việc thực thi pháp luật lại không nghiêm. Điều này được thể hiện qua tình trạng mức độ tuân thủ của người sử dụng rất thấp, còn cơ quan có thẩm quyền thì bỏ qua…
Hiện nay, ủy thác quyền cho tổ chức chuyên về lĩnh vực tác quyền, quyền liên quan, quyền sao chép… để theo dõi, giám sát và thu tiền từ việc sử dụng tác phẩm của người sở hữu tác phẩm đó, là cách làm mà nhiều chuyên gia, nhà quản lí đề cao. Vừa qua, tại hội thảo “Quản lí tập thể quyền sao chép trong môi trường số” do VIETTRO phối hợp Đại sứ quán Hoa Kì tại Việt Nam tổ chức, ông Jack Lambert – Tùy viên kinh tế Đại sứ quán Hoa Kì tại Việt Nam cho rằng, nếu không có một chế tài thực thi mạnh mẽ, các điều luật bảo vệ tài sản trí tuệ chỉ tồn tại trên giấy tờ mà thôi. Chủ động thực thi luật sở hữu trí tuệ vô cùng quan trọng, không chỉ vì luật bắt buộc đưa người vi phạm ra trước công lí, mà còn bởi luật là một cách ngăn chặn mạnh mẽ cho những người có ý định vi phạm… Người tiêu dùng cần phải nhận thức rằng, trả tiền cho các sản phẩm chính hãng, được cấp phép có thể phải trả chi phí nhiều hơn, nhưng điều đó giúp bảo vệ và thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, do đó, tạo động lực và thúc đẩy tiến bộ khoa học, công nghệ, nghệ thuật.
Theo bà Đoàn Thị Lam Luyến – Phó Chủ tịch, Tổng thư kí VIETTRO, thời gian qua, VIETTRO đã phát hiện trên dưới 20 triệu người thường xuyên sao chụp các tác phẩm dưới dạng xuất bản phẩm mà không xin phép và không trả tiền thù lao cho người nắm giữ quyền. VIETTRO cũng phát hiện trên 100 website khai thác, sử dụng trái phép nội dung dưới dạng số hóa.
Theo Nhandan.
Bình luận