Theo một báo cáo mới đây của trang Nhật báo phố Wall, Apple bị tố đã từng tự ý xóa bài hát khỏi iPod của người dùng, thời điểm giữa năm 2007 đến 2009. Những bài hát bị xóa là những bài mà người dùng đã tải về từ các dịch vụ nhạc đối thủ của "Táo khuyết". Sự thật này được đưa ra ánh sáng trong vụ kiện mà Apple bị tố vi phạm luật chống độc quyền khi mà hãng đã "trói buộc" máy nghe nhạc iPod của họ vào hệ sinh thái iTunes.

Theo Patrick Coughlin, một luật sư bên nguyên đơn, khi người dùng download nhạc từ 1 dịch vụ nhạc đối thủ của Apple rồi đưa nhạc vào iPod, máy sẽ hiển thị một thông báo lỗi rất mơ hồ, không rõ ràng, đồng thời hệ thống tư vấn người dùng restore thiết bị về cài đặt gốc. Nếu làm theo, bài hát mà người dùng vừa tải về sẽ bị xóa khỏi máy mà không hề nhận được thêm bất kì khuyến cáo nào.

Giám đốc bảo mật của Apple là Augustin Farrugia phản pháo cáo buộc trên và nói rằng đoạn thông báo lỗi có nội dung mơ hồ thay vì cụ thể, chi tiết, là vì họ không muốn "người dùng bị khó hiểu" vì được cung cấp quá nhiều thông tin. Vị đại diện này còn nói thêm việc xóa nhạc của dịch vụ ngoài là nhằm bảo vệ người dùng khỏi hacker và các nội dung độc hại.

Hôm qua, luật sư bên nguyên đã được cho xem và đọc các video và email được viết bởi Steve Jobs. Các tài liệu này là bằng chứng cho thấy Apple đã cố tình cản trở dịch vụ âm nhạc của đối thủ khi ra mắt iPod. Trong thư, cố CEO của Apple ấp ủ một kế hoạch để buộc tội dịch vụ âm nhạc RealNetworks đã hack iPod bởi dịch vụ của hãng này cho phép người chơi phát nhạc trên máy nghe nhạc của Apple. Vụ kiện tụng giữa nguyên đơn là các cá nhân cũng như một số công ty, và bị đơn Apple, được đưa ra tòa án hôm thứ 3 (2/12) vừa qua tại Tòa án quận thuộc khu vực phía Bắc California. Theo Reuter, nhóm nguyên đơn yêu cầu khoản bồi hoàn thiệt hại là 350 triệu USD. Và theo các quy định trong luật chống độc quyền, con số này có thể được tự động nhân lên 3 lần, nghĩa là "Táo khuyết" có nguy cơ bị phạt hàng tỉ USD nếu thua kiện.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)