Sự kiện "Ngày An toàn thông tin Việt Nam" là sự kiện thường niên được Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam chủ trì tổ chức từ năm 2008 đến nay. Ảnh: M.Quyết.

Ngày 4/12/2014 tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), Cục An toàn thông tin và Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCẺRT) thuộc Bộ TT&TT cùng Cục CNTT của Bộ Quốc phòng đã phối hợp tổ chức sự kiện “Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2014”.

Phát biểu khai mạc sự kiện "Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2014", Chủ tịch VNISA Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Việt Nam với vị trí địa chính hiểm yếu, nằm trong khu vực là hội tụ của những mâu thuẫn tranh chấp bất ổn về kinh tế, chính trị, khoa học công nghệ trong đó có CNTT của khu vực và thế giới. Với sự phát triển vũ bão của CNTT và Internet, bên cạnh những lợi ích mà nó mang lại, nhân loại đang phải đối mặt với việc đảm bảo an toàn thông tin. An toàn thông tin đã trở thành một trong những vấn đề toàn cầu.

"Năm 2014 là năm chúng ta phải chứng kiến nhiều sự cố về an toàn thông tin thu hút sự quan tâm, theo dõi của chính giới và cộng đồng, đặc biệt là các cuộc tấn công lớn có chủ đích vào các vấn đề liên quan tới chủ quyền biển đảo. Với một quốc gia, an toàn thông tin gắn liền với lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học công nghệ và thậm chí là chủ quyền quốc gia", ông Ngọc nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ sự kiện này, tại phiên khai mạc hội thảo chuyên đề “An toàn, an ninh thông tin và chủ quyền quốc gia”, ông Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí VNISA cho hay, thời gian vừa qua, Hiệp hội đã chủ trì xây bộ quy tắc đạo đức nghề An toàn thông tin. Đến nay, trên cơ sở ý kiến góp ý của đại diện một số cơ quan nhà nước liên quan cùng các thành viên trong Hiệp hội, hiện VNISA đã hoàn thành, đưa ra phiên bản 1.0 của bộ quy tắc đạo đức nghề An toàn thông tin. Phiên bản 1.0 này sẽ là cơ sở cho hoạt động của các thành viên VNISA trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng nhận định, trong lĩnh vực như an toàn thông tin thì bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng. Đề nghị VNISA chủ trì, cùng cộng đồng sớm phổ biến bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp về an toàn thông tin này, không chỉ trong phạm vi những người làm an toàn thông tin mà còn ra cộng đồng những người sử dụng điện thoại, Internet nói chung.

Đại diện VNISA cũng cho biết, bộ quy tắc đạo đức nghề an toàn thông tin là tập hợp các chuẩn mực hành vi, cách cư xử và ứng xử được quy định cho nghề nghiệp an toàn thông tin nhằm bảo vệ và tăng cường vai trò, tính tin cậy, niềm tự hào của nghề nghiệp an toàn thông tin trong xã hội.

Là những qui định dành cho các tổ chức, cá nhân hành nghề an toàn thông tin, cung cấp các dịch vụ an toàn thông tin cho các tổ chức, doanh nghiệp khác, bộ quy tắc đạo đức nghề an toàn thông tin gồm 2 phần, trong đó: phần chung nêu những nguyên tắc chung ngắn gọn, súc tích và phần cụ thể nêu ra các tình huống thường gặp khi thực hiện.

Đơn cử như, điều 3 của bộ quy tắc đạo đức nghề an toàn thông tin phiên bản 1.0 quy định, với xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp hành nghề an toàn thông tin phải bảo vệ các hệ thống CNTT của xã hội, của các tổ chức và mỗi cá nhân; không thực hiện hành vi gây hại đến hệ thống CNTT của toàn xã hội, của các tổ chức và mỗi cá nhân; nỗ lực làm tăng niềm tin, sự tin cậy và đóng góp xây dựng cộng đồng an toàn thông tin.

Hay tại điều 4, bộ quy tắc quy định về thái độ hành nghề, các tổ chức, doanh nghiệp làm an toàn thông tin cần phải thực thi công việc một cách đúng pháp luật, minh bạch, trung thực và đúng đắn; Luôn nói thật; Luôn rõ ràng, công khai minh bạch công việc của mình với các bên có liên quan vào thời điểm thích hợp; Không có hành vi giấu diếm, gian dối trong khi hành nghề an toàn thông tin; Luôn trung thực, khách quan, đúng đắn khi lượng giá, khi đưa ra các quyết định trong khi hành nghề an toàn thông tin; đồng thời luôn đảm bảo tính bí mật, tính toàn vẹn của thông tin của cá nhân, tổ chức hình thành trong quá trình hành nghề trước, trong và sau khi công việc hoàn thành.

Đại diện VNISA khẳng định, bộ quy tắc đạo đức nghề ATTT là sự bổ sung, phối hợp và không mâu thuẫn với các quy định có tính pháp lí của Việt Nam và những qui định quốc tế được Việt nam công nhận. Bộ quy tắc này hướng tới mục tiêu hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hành nghề cung cấp dịch vụ an toàn thông tin a một cách chính trực, trọng danh dự và tin cậy.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)