Các nhà khoa học từ Goldsmiths, Đại học London đã tiến hành nghiên cứu gần 15.000 đứa trẻ và bố mẹ của chúng. Mục đích của việc làm này nhằm tìm ra sự ảnh hưởng của các điều kiện về kinh tế-xã hội và di truyền đến trí thông minh. Những đứa trẻ được khảo sát sẽ được đánh giá 9 lần trong giai đoạn từ 2-16 tuổi.
Nghiên cứu cho thấy trung bình trẻ em nghèo đói đạt được thấp hơn những đứa bé con nhà giàu đồng trang lứa 6 điểm trong các bài kiểm tra IQ. Khoảng cách này nới rộng ra theo thời gian và gấp 3 lần khi những đứa trẻ bước vào độ tuổi vị thành niên.
Kết quả được công bố trên tạp chí Intelligence cho thấy những đứa trẻ từ những gia đình giàu có nhiều cơ hội đạt điểm cao trong bài kiểm tra IQ hơn những đứa trẻ phải sống trong cảnh nghèo đói khi 2 tuổi và tác động này tăng theo thời gian.
Giáo sư Sophie von Stumm từ Goldsmiths, Đại học London, người đứng đầu cuộc nghiên cứu này cho biết: "Đôi khi chúng ta vẫn thấy rằng những đứa trẻ sống trong môi trường kinh tế xã hội kém phát triển sẽ có kết quả kiểm tra IQ tệ hơn những đứa trẻ được sống trong điều kiện tốt hơn, nhưng mối quan hệ phát triển giữa trí thông minh và điều kiện kinh tế xã hội vẫn chưa được chỉ ra trước đây".
"Nghiên cứu của chúng tôi thiết lập mối quan hệ đó và làm nổi bật mối liên hệ giữa điều kiện kinh tế xã hội và chỉ số IQ", Giáo sư Sophie von Stumm nói thêm.
Theo Ndh.
Bình luận