Doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đúng mức hơn nữa đến việc đăng kí tên miền...

Theo quy định của Luật Viễn thông và thông lệ quốc tế về quản lí tên miền, nguyên tắc cấp phát tên miền là ai đăng kí trước thì được quyền sử dụng. Thế nhưng theo Luật Sở hữu trí tuệ, "đăng kí, chiếm giữ quyền sử dụng tên miền" bị coi là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

1 tên miền, nhiều nhãn hiệu

Tại Hội nghị phổ biến pháp luật về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực TT&TT diễn ra tại Hà Nội, sáng 10/11/2014, ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc VNNIC chia sẻ hiện trạng xung đột trong quy định pháp lí xử lí tên miền trùng nhãn hiệu và bị coi là cạnh tranh không lành mạnh. Theo điểm d khoản 1 điều 150 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh là: "Đăng kí, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lí mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lí tương ứng".

Tuy nhiên, ông Trần Minh Tân băn khoăn: "Chưa rõ thế nào là chiếm giữ quyền sử dụng tên miền. Bởi vì cùng 1 cụm từ được đăng kí làm tên miền, sẽ có hàng loạt nhãn hiệu sử dụng cụm từ đó. Chẳng hạn, tra cứu một số nhãn hiệu quen thuộc trên hệ thống quản lí trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học & Công nghệ, thấy có khá nhiều doanh nghiệp sử dụng trùng nhãn hiệu. Chẳng hạn, nhãn hiệu "Quê Hương" được sử dụng bởi doanh nghiệp bảo hiểm, cửa hàng bán bánh mì, doanh nghiệp thực phẩm... Chủ thể đăng kí cụm từ thể hiện nhãn hiệu có khả năng trùng lặp cao như vậy sẽ bị xác định là chiếm quyền của ai trong số hàng loạt chủ nhãn hiệu trùng nhau, chủ tác phẩm đã được bảo hộ. Và trong số hàng chục chủ nhãn hiệu này, ai là người có quyền sử dụng cụm từ đấy để đăng kí trong tên miền".

Cần lưu ý là hành vi "đăng kí, chiếm giữ quyền sử dụng tên miền" bị xử lí khá nặng. Cụ thể, theo khoản 16 điều 14 Nghị định số 99 năm 2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, thì sẽ phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi "đăng kí, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lí, tên thương mại của người khác được bảo hộ nhằm chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lí tương ứng". Hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm, kể cả hoạt động thương mại điện tử từ 1 tháng đến 3 tháng đối với hành vi vi phạm.

Một trong những biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Khoản 18 điều 14 và khoản 3 điều 31 là buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền. Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng biện pháp buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền thì tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiến hành thủ tục thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền tại cơ quan quản lí tên miền trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định xử phạt hành chính có hiệu lực thi hành. Sau thời hạn nêu trên nếu tổ chức, cá nhân vi phạm không tiến hành thủ tục thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền thì cơ quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính yêu cầu cơ quan quản lí tên miền thu hồi tên miền. Cơ quan quản lí tên miền có trách nhiệm thu hồi tên miền theo quy định của pháp luật.

Nên xử lí theo thông lệ quốc tế

Ông Trần Minh Tân lưu ý, theo thông lệ quốc tế, tên miền không thuộc đối tượng điều chỉnh của các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ. Luật Viễn thông của Việt Nam cũng đã quy định rõ tên miền .vn là tài nguyên quốc gia nên không có khái niệm sở hữu của cá nhân, tổ chức. Nguyên tắc đăng kí tên miền theo thông lệ quốc tế là bình đẳng, không phân biệt, tổ chức, cá nhân nào đăng kí trước thì được quyền sử dụng (không có quyền sở hữu).

Với sự xung đột giữa quy định quản lí tên miền với quy định về sở hữu trí tuệ nêu trên, VNNIC đang lâm vào tình cảnh khá hóc búa để có thể giải quyết trọn lí vẹn tình. Sẽ có những chủ tên miền đang sử dụng tên miền suốt thời gian dài, bỗng dưng bị một chủ nhãn hiệu nào đó quy là vi phạm quy định cạnh tranh và nhờ cơ quan quản lí về sở hữu trí tuệ thu hồi tên miền này. Áp theo quy định về sở hữu trí tuệ thì phần thắng sẽ nghiêng về chủ thương hiệu. Nếu VNNIC không thu hồi tên miền thì sẽ dễ bị chủ thương hiệu kêu là không thực thi quy định của pháp luật. Còn nếu thu hồi tên miền thì sẽ bị chủ tên miền kêu là không theo thông lệ quốc tế khi chủ tên miền không vi phạm các quy định chuyên ngành về viễn thông, Internet.

VNNIC đề nghị cơ quan ra quyết định xử phạt những trường hợp bị quy là vi phạm quy định cạnh tranh khi đăng kí sử dụng tên miền trùng nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân khác, cần phải cân nhắc thật kĩ lưỡng. Chỉ nên xử lí nếu chủ sử dụng tên miền dùng tên miền này đưa thông tin sai về sản phẩm của chủ nhãn hiệu khác, gây nhiễu loạn thông tin thị trường. Còn nếu chủ tên miền đăng kí tên miền để sử dụng mục đích khác thì không nên làm khó dễ họ và quy là cạnh tranh không lành mạnh. Trong vấn đề này, cần có sự thống nhất giữa các Bộ, ngành liên quan. Từ hiện trạng bất cập nêu trên, ông Trần Minh Tân tiếp tục khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam chú trọng đúng mức hơn nữa đến việc đăng kí tên miền và sử dụng đúng mục đích để phát huy hiệu quả quảng bá, tránh phát sinh những rủi ro tranh chấp trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn pháp luật về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực TT&TT, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết: Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật và nâng cao nhận thức của người dân, bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm minh, công bằng, thống nhất, xây dựng nền hành chính trong sạch, tôn trọng kỉ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật; đồng thời, tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức pháp luật, thói quen sử dụng pháp luật của doanh nghiệp, đề phòng rủi ro pháp lí và tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp...

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)