Được biết, việc thực hiện thử nghiệm kéo dài ít nhất 6 tháng, hoàn thành trước ngày 30/6/2016 để từ ngày 1/1/2017 chính thức áp dụng. Như vậy, với việc áp dụng đề án này, hàng chục triệu thuê bao di động có quyền lựa chọn nhà mạng chất lượng, có nhiều ưu đãi dành cho khách hàng.
Dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao giúp khách hàng chuyển sang dùng mạng của DN cung cấp dịch vụ di động khác mà vẫn giữ nguyên số thuê bao. Khi đề án được triển khai sẽ đem lợi ích cho chủ thuê bao di động. Với góc độ cơ quan quản lí nhà nước, việc triển khai đề án cũng nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho thị trường viễn thông khi buộc các nhà mạng dù lớn hay nhỏ phải cạnh tranh vừa để giữ cũng như thu hút thêm thuê bao. Mặt khác, việc cho phép thuê bao chuyển mạng giữ số cũng nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên viễn thông.
Để thực hiện việc chuyển đổi số giữa các nhà mạng suôn sẻ, Cục Viễn thông (thuộc Bộ TT&TT) chịu trách nhiệm quản lí vận hành Trung tâm Chuyển mạng quốc gia Việt Nam (gồm hệ thống xử lí chuyển mạng trung tâm và cơ sở dữ liệu về thuê bao chuyển mạng). Các nhà mạng, bên cạnh phần đầu tư nâng cao mạng lưới, phải thực hiện kết nối với trung tâm chuyển mạng quốc gia.
Theo đề án, trung tâm này gồm hệ thống mạng lưới, thiết bị kết nối với DN cung dịch vụ viễn thông bắt đầu hoạt động từ ngày 30/6/2015, sẵn sàng kĩ thuật để các nhà mạng thử nghiệm. Như đã nói ở trên, các DN cung cấp dịch vụ di động có thời gian thực hiện thử nghiệm ít nhất là 6 tháng trước khi đề án có hiệu lực từ ngày 1-1-2017. Ngoài ra, Cục Viễn thông còn có trách nhiệm đưa ra các quy định về kĩ thuật và các văn bản pháp luật liên quan phục vụ cho việc chuyển đổi giữ nguyên số thuê bao.
Không ít ý kiến cho rằng, các nhà mạng lớn sẽ chẳng hứng thú với đề án này vì nó có thể gây thiệt hại cho họ. Chẳng hạn, 3 nhà mạng lớn gồm Viettel, MobiFone, Vinaphone đang nắm giữ thị phần khống chế, theo quy định sẽ không được "tự" áp giá cước, khuyến mãi mà chịu sự quản lí của nhà nước và theo Luật Cạnh tranh. Khi áp dụng đề án, các nhà mạng nhỏ có thể đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để hút thuê bao và thiệt hại sẽ thuộc về các nhà mạng lớn. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, đại diện một số nhà mạng lớn lại rất lạc quan và dường như không lo lắng khi triển khai đề án.
Đại diện các nhà mạng chỉ kiến nghị cơ quan quản lí nhà nước cần có các quy định cụ thể liên quan đến một loạt vấn đề khi áp dụng. Đó là, nếu thuê bao chuyển mạng, phải quy định rõ DN chịu trách nhiệm trả phí quỹ số (vì tài nguyên số của nhà mạng này, nhưng do thuê bao chuyển mạng dẫn đến DN khác khai thác); hoặc cần bổ sung quy định khách hàng không được chuyển mạng trong một thời gian nhất định. Thêm vào đó, các nhà mạng kiến nghị cơ quan quản lí quy định mức phí chuyển đổi thuê bao để tránh tình trạng cước chuyển đổi rẻ, dẫn đến quá tải chuyển mạng cho DN…
Đó là quan điểm của các nhà mạng lớn, còn doanh nghiệp nhỏ như Vietnamobile và Gmobile thì sao? Theo logic, hai nhà mạng này sẽ được hưởng lợi nếu đề án áp dụng. Đây là hai nhà mạng tham gia kinh doanh khi thị trường đã tương đối bão hòa và gặp khó khăn trong thu hút thuê bao mới. Song, cũng có một thực tế là hiện giá cước di động đã khá rẻ và người tiêu dùng quan tâm hơn là chất lượng dịch vụ. Vì vậy, "lợi thế" (do không bị quản lí giá cước, khuyến mãi) của hai nhà mạng nhỏ chưa chắc đã đem lại hiệu quả khi hệ thống hạ tầng kĩ thuật của họ còn hạn chế.
Được biết, hai nhà mạng này vừa có ý kiến đề xuất với Bộ TT&TT được lùi thời điểm áp dụng đề án chuyển đổi đến cuối năm 2017 thay cho đầu năm 2017 để có sự chuẩn bị tốt hơn. Với khách hàng, không ít thuê bao có nhu cầu chuyển sang dùng mạng khác, song lo ngại mất số liên lạc đã dùng lâu năm. Nếu bản đề án này được áp dụng mối lo này sẽ không còn. Song, có lẽ cái được lớn nhất với khách hàng là khi đề án chuyển mạng giữ số khởi động sẽ buộc các nhà mạng phải nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng.
Theo Hà Nội Mới.
Bình luận