Ngày 24/07/2008, gã khổng lồ Intel đã chính thức giới thiệu hệ thống tích hợp trên 1 chip SoC (System on Chip) nhằm hướng đến thị trường các thiết bị và ứng dụng tích hợp rộng lớn trong công nghiệp như: an ninh, hệ thống lưu trữ, thiết bị truyền thông và các hệ thống thông minh khác. Dòng hệ thống tích hợp SoC đầy sức mạnh này có tên mã là Intel EP80579
SoC tương đương 1 hệ thống máy tính thu nhỏ bao gồm lõi VXL, các thành phần điều khiển-quản lý hệ thống, các giao tiếp điều khiển và giao tiếp ngoại vi cần thiết. Như hình minh hoa hệ thống SoC EP80579 của Intel bao gồm lõi VXL Pentium M, Hub điều khiển bộ nhớ, Hub ngoại vi, TDM và lõi tăng tốc dữ liệu với tên gọi là Intel QuickAssist Technology, giao tiếp SATA 2.0, giao tiếp USB 2.0....
Hệ thống Intel EP80579 có tốc độ lõi xử lý Pentium từ 600 đến 1200 Mhz với năng lượng tiêu thụ tối đa TDP từ 11.5W đến 21W tùy theo sức mạnh của SoC.
Intel phát triển dòng sản phẩm này một phần cũng để chuẩn bị tốt cho các sản phẩm SoC dành cho thiết bị internet di động MID, smartphone cấu hình cao... hứa hẹn sẽ bùng nổ trong tương lai gần. Đây chính là dòng sản phẩm chủ lực của Intel nhằm mục đích "lấn sân" thị trường thiết bị tích hợp màu mỡ (như smartphone, multimedia player di động...) thống trị bởi các dòng VXL ARM hiện nay.
"Với việc thiết kế và tích hợp cả 1 hệ thống phức tạp lên 1 con chip đơn, chúng tôi đã có thể tiếp cận thị trường ứng dụng tích hợp rộng lớn từ các thiết bị robots trong công nghiệp, hệ thống thông tin trên xe hơi, các thiết bị giải mã Set-top Box, MIDs và nhiều thiết bị thông minh khác. Sản phẩm của Intel cho phép tăng sức mạnh hệ thống, cung cấp nhiều tính năng, đảm bảo sự tương thích phần mầm trong khi vẫn có thể kiểm soát tốt năng lượng tiêu thụ, kích thước và mức giá cho thị trường tích hợp" theo Gadi Singer, phó chủ tịch phục trách các hệ thống di động của Intel.
Bên cạnh việc công bố Intel EP80579 SoC, Intel cũng không ngần ngại tiết lộ kế hoạch tung ra hệ thống tương tự sử dụng lõi VXL Atom cho phép giảm hơn nữa mức tiêu thụ điện năng.
Nemo NGUYEN (Tổng hợp VNUnet, Softpedia)
Bình luận