Cuộc cải tổ viễn thông Trung Quốc liệu giúp người nước ngoài sẽ trở thành người tham gia đầy đủ vào thị trường lớn nhất thế giới này?

Khi cuộc cải tổ viễn thông của Trung Quốc đang tập trung sức lực, có một câu hỏi lớn lờ mờ hiện ra đối với những người chơi viễn thông toàn cầu của thế giới: Thị trường viễn thông được săn đón từ lâu này cuối cùng sẽ mở đối với những hãng như Vodafone (Anh), Telefónica (Tây Ban Nha), SK Telecom (Hàn Quốc)? Tất cả những công ty này đã bị hạn chế với số cổ phần thiểu số dưới 7% ở các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Trung Quốc.

Việc cải tổ chắc chắn sẽ thay đổi sức mạnh giữa các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông Trung Quốc. Nhà cung cấp dịch vụ di động thống lĩnh thị trường Trung Quốc China Mobile sẽ chứng kiến sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn sau khi 6 nhà cung cấp dịch vụ điện thoại của Trung Quốc được sáp nhập thành 3 siêu doanh nghiệp. China Mobile sẽ “nuốt” công ty viễn thông Đường sắt và kiểm soát mảng điện thoại cố định của công ty này.

Nhà cung cấp dịch vụ cố định lớn nhất Trung Quốc China Telecom sẽ thâu tóm hoạt động mạng di động CDMA của China Unicom và bước vào thị trường cung cấp dịch vụ di động. Các đối thủ yếu hơn China Unicom và China Netcom sẽ trở thành các đối thủ cạnh tranh dữ dội sau các cuộc sáp nhập.

China Mobile chắc sẽ vẫn là số 1

Tuy nhiên, Jonathan Dharmapalan, người đứng đầu Trung tâm Viễn thông toàn cầu ở Bắc Kinh của hãng Ernst & Young sẽ không dự đoán rằng China Mobile sớm bị đẩy khỏi ngôi vị hàng đầu trên thị trường. "China Mobile rất mạnh, rất có năng lực và hoạt động được quản lý tốt”, ông nói, “Họ sẽ thấy hai đối thủ mạnh hơn trên thị trường nhưng họ đã luôn chứng tỏ mình có thể vượt qua thách thức đó. Họ có một khởi đầu đi đầu”.

Song đối với các hãng viễn thông nước ngoài, cuộc cải tổ này có ý nghĩa gì? Trong vài năm trước, những người chơi viễn thông của Trung Quốc đã để các kế hoạch đầu tư của mình chững lại trong khi các công chức tranh cãi về kế hoạch cải tổ viễn thông. Nay cuối cùng việc cải tổ đã hình thành, các nhà sản xuất thiết bị mạng như ZTE, Huawei (Trung Quốc) và Ericsson (Thụy Điển) và các nhà sản xuất điện thoại di động như Nokia (Phần Lan) và Motorola (Mỹ) đang ky vọng nhận được ồ ạt các đơn hàng mới.

"Cuộc cải tổ viễn thông sẽ là một cơ hội tốt không chỉ cho các công ty cung cấp dịch vụ Trung Quốc mà còn cả các công ty cung cấp dịch vụ nước ngoài muốn đầu tư vào đây”, theo Lee Suk Hwan, CEO SK Telecom Trung Quốc và là một thành viên của ban giám đốc China Unicom, người đã bỏ phiếu ủng hộ cải tổ. “Trước khi cải tổ, có quá nhiều điều không chắc chắn”.

Không có gì đảm bảo tăng quyền sở hữu

Trước khi cải tổ, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất của Tây Ban Nha Telefónica có 5% cổ phần trong China Netcom (hãng cố định lớn thứ nhì Trung Quốc). Telefónica nay nói họ hy vọng sẽ tăng cổ phần của mình trong thực thể mới được sáp nhập China Unicom-China Netcom lên 10% trong vòng 18 tháng tới. Song không có gì đảm bảo điều đó sẽ thực sự xảy ra. Trong năm 2000, CEO của Vodafone khi ấy, ông Chris Gent nói muốn tăng cổ phần của mình trong China Mobile lên 20%. Hiện cổ phần của Vodafone ở China Mobile chỉ có 3,23%.

Điều đó phần lớn bởi Trung Quốc đã lừng danh về việc miễn cưỡng nới lỏng sự o bế của mình đối với lĩnh vực viễn thông. Khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Trung Quốc đã cam kết cho phép đến 49% đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này vào năm ngoái. Song đến nay, không có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nào ở China Mobile, China Netcom và China Unicom đang giữ mức cổ phần “chạm trần”. Sau khi China Unicom và China Netcom sáp nhập, SK Telecom và Telefónica sẽ thấy cổ phần của họ trong công ty mới giảm còn tương ứng 3,8% và 2,1%. “Ngay bây giờ, thị trường các dịch vụ (viễn thông) Trung Quốc vẫn là một thị trường non trẻ. Nó sẽ tiếp tục mở rộng nhanh chóng và không chắc các nhà chức trách có muốn mở thị trường cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài”, Peter Lovelock, phó giám đốc công ty tư vấn viễn thông Singapore Telecommunications Research Project Corporate nói.

Trong số 4 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu của Trung Quốc, chỉ có China Telecom không có đối tác nước ngoài. China Telecom đã có nhiều cuộc thảo luận với các đối tác tiềm năng nhưng các đàm phán này bị treo cho đến khi kế hoạch cải tổ được công bố. China Telecom sẽ cần tăng ít nhất 16,2 tỷ USD để mua mạng di động CDMA của China Unicom. Không có gì ngạc nhiên khi có suy đoán sẽ có nhà đầu tư nước ngoài hợp tác với China Telecom.

China Telecom tìm kiếm sự hiệp lực

Song China Telecom không chắc chọn một đối tác chiến lược nước ngoài chỉ vì tiền. China Telecom thu về 3,3 tỷ USD doanh thu trong năm ngoái và sẽ không có khó khăn gì trong việc huy động vốn trên các thị trường tài chính. “Mục tiêu chính không chỉ là thêm vốn mà cả sự hợp lực trong việc cải thiện quản lý và hoạt động của chúng tôi”, Lisa Lai, Trưởng phòng quan hệ đầu tư của China Telecom viết trong một email. “Chúng tôi đã tiếp cận một số bên song hiện tại công ty không bắt đầu bất kỳ thảo luận lớn nào về vấn đề nào”.

Khi các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Trung Quốc bán cổ phần thiểu số cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, không có gì ngạc nhiên là họ cũng nhằm mục đích thu được lợi ích trở lại. China Mobile muốn học các tiêu chuẩn điện thoại di động đã được định toàn cầu như thế nào vì vậy họ đã bắt tay với Vodafone để học các quy tắc của cuộc chơi. China Unicom hợp tác với SK Telecom xây dựng khả năng đàm phán để giảm chi phí phải trả cho người nắm giữ công nghệ CDMA Qualcomm và hoa hồng.

Nhiều nhà quan sát đang dự đoán Trung Quốc cuối cùng sẽ mở cửa hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt khi Bắc Kinh bắt đầu phát hành các giấy phép công nghệ di động thế hệ thứ 3 (3G) cho ba người khổng lồ viễn thông sau khi cải tổ.

Điều này có thể đem đến cho các hãng viễn thông nước ngoài, đặc biệt những công ty đã triển khai dịch vụ 3G ở thị trường quê nhà, cơ hội họ đã chờ rất lâu. Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nước ngoài có công nghệ và kinh nghiệp mà đối tác Trung Quốc đang thiếu. "Chúng tôi sẽ thu hút thêm đầu tư nước ngoài khi triển khai 3G và sử dụng tiền của người khác để xây dựng mạng lưới”, giáo sư Lu Tingjie, Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh nói.

(Theo ICTNews.vn)



Bình luận

  • TTCN (0)