Người dùng điện thoại di động hiện nay luôn bị quấy rối bởi tin nhắn rác bất kể ngày đêm...

Sau thời gian bị dư luận phản ánh gay gắt và cơ quan chức năng quyết liệt xử lí, các tin nhắn rác bói toán, lô đề, xổ số… đã giảm nhiều. Tuy nhiên, vài tháng gần đây, tin nhắn rác lại bùng phát, nhất là tin nhắn rao bán sim số, bất động sản... liên tục “dội bom” vào điện thoại di động (ĐTDĐ) của người dùng.

Quấy rối bất kể ngày đêm

Anh Nguyễn Văn Toàn (quận 6, TP HCM) cho biết: “Trong tháng 10, có ngày tôi nhận tới 23 tin nhắn quảng cáo sản phẩm, dịch vụ chào mời nhắn tin hay gọi lại các tổng đài dịch vụ 1900xxx. Một số khác đến từ các sim 11 số để chào mời mua nhà, đất, sử dụng khách sạn, tour du lịch… Những dịch vụ mà tôi chưa từng liên hệ hay đồng ý nhận các tin nhắn này. Tôi như bị khủng bố vì tin nhắn rác còn nhiều hơn tin nhắn từ bạn bè, người thân. Tôi đã thử cài các phần mềm ngăn chặn nhưng vẫn liên tục bị làm phiền”.

Trường hợp của anh Nguyễn Văn Toàn không phải là cá biệt. Rất nhiều bạn đọc cũng đã phản ánh đến Báo Người Lao Động về tình trạng bị “quấy rối” bởi tin nhắn rác bất kể ngày đêm...

Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), cảnh báo: Những tin nhắn rác này nhằm lừa đảo người dùng ĐTDĐ gọi lại vào đầu số 1900xxxx hoặc nhắn tin vào các đầu số này để chiếm đoạt cước. Các cuộc gọi thường có block 1 phút, cước gọi có thể phát sinh lên đến 15.000 đồng/phút. Người dùng bấm máy gọi vào các đầu số này thì bị tốn 15.000 đồng. Mỗi tin nhắn phản hồi tới các đầu số thuê bao cũng có thể bị trừ từ 3.000 - 15.000 đồng.

Ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, Giám đốc Công ty Emerald Digital Marketing, nhận xét: Ở nhiều nước, dịch vụ nhắn tin tiếp thị cũng phổ biến nhưng tuân thủ theo quy định, quy cách. Tại Việt Nam, các tin nhắn loại này không theo quy định của pháp luật, bị biến tướng thành tin nhắn rác (spam), gửi đến một cách tùy tiện, gây phiền toái, bức xúc cho người dùng”.

Buông lỏng quản lí

Một trong những nguyên nhân tin nhắn rác phát triển là quảng bá bằng tin nhắn rác có mức chi phí thấp, độ lan tỏa rộng so với các hình thức khác. Bên cạnh đó, công tác quản lí thuê bao di động trả trước chưa chặt chẽ dẫn đến các tổ chức, cá nhân dễ dàng mua sim đã được kích hoạt và đăng kí thông tin thuê bao với số lượng lớn để phát tán tin nhắn rác.

Trong 2 năm 2013 và 2014, Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Bình Dương đã thu hồi trung bình 5.000 sim rác/năm. Ông Phan Thanh Nam, Trưởng Phòng Bưu chính Viễn thông Sở TT&TT tỉnh Bình Dương, cho biết: “Lí do để tin nhắn rác phát triển là do nhận thức của doanh nghiệp (DN - viễn thông, quảng cáo) và người quảng cáo chưa cao, nhân viên DN viễn thông tiết lộ thông tin cá nhân khách hàng; các thuê bao di động chưa bảo vệ tốt thông tin cá nhân (cung cấp cho các nhà quảng cáo); công tác tuyên truyền về chống thư rác chưa chú trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng...”.

Mặt khác, mức phạt đối với một số hành vi vi phạm chưa hiệu quả nên nhiều tổ chức, cá nhân bị xử phạt vẫn tiếp tục phát tán tin nhắn rác. Khâu quản lí, giám sát việc cung cấp các đầu số và triển khai dịch vụ nội dung chưa chặt chẽ cũng góp phần cho tin nhắn rác bùng phát. Khi kí hợp đồng với nhà mạng, công ty viễn thông, các DN thường báo cáo nội dung tin nhắn lành mạnh, đúng quy định nhưng thực tế thì khác.

Ngoài ra, những hàng rào kĩ thuật chặn tin rác hiện nay của nhà mạng chỉ có tác dụng đối với các DN có đăng kí chính thức với cơ quan quản lí. DN, cá nhân không đăng kí thì vẫn có thể thoải mái nhắn tin rác mà không hề bị chặn. Ông Nguyễn Khoa Hồng Thành cho biết: “Lẽ ra SMS Marketing phải được thực hiện theo đúng quy định đến người tiêu dùng có nhu cầu. DN cần quảng bá sẽ cung cấp danh sách khách hàng đã đồng ý nhận tin nhắn cho nhà làm marketing nhắn tin. Thế nhưng, DN đi mua danh sách khách hàng trên mạng (được bán tràn lan) đủ thể loại, sau đó mua sim trả trước và nhắn tin hàng loạt”.

Phạt cũng không sợ

Theo Thanh tra Bộ TT&TT, từ đầu năm 2014 đến nay đã xử phạt 1,375 tỉ đồng đối với 17 DN, cá nhân phát tán tin nhắn rác, riêng tháng 10/2014 là 1,185 tỉ đồng. Đây không phải là con số nhỏ thế nhưng qua thực tế cho thấy các DN, cá nhân phát tán tin nhắn vẫn không hề e sợ mà lại có dấu hiệu ngày càng lộng hành hơn.

Dù trách nhiệm xử lí tin nhắn rác thuộc các cơ quan quản lí tuy nhiên người dùng nên tích cực phối hợp cùng nhà mạng, cơ quan quản lí để hạn chế tin nhắn rác. Ông Bùi Việt Dương, Trưởng Phòng Bưu chính Viễn thông Sở TT&TT TP HCM, khuyến cáo: “Khi nhận tin nhắn rác, tin lừa đảo, người dùng nên gửi chuyển tiếp ngay tới tổng đài số 456 (miễn phí) của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) hoặc email: [email protected]. Thông qua tổng đài 456, Thanh tra Bộ TT&TT, VNCERT sẽ xử phạt, cắt đầu số đối với các tổng đài gửi tin nhắn không đúng quy định”.

Cũng theo khuyến cáo từ các nhà quản lí, người dùng không nhắn tin đến các đầu số cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn nếu chưa hiểu rõ hoặc không nắm chắc thông tin và giá cước dịch vụ. Không nhắn tin phản hồi hoặc làm theo hướng dẫn đối với các tin nhắn không rõ nguồn gốc, mời chào hoặc mạo danh các DN, tổ chức, cá nhân.

Nhà mạng có tiếp tay?

Mỗi khi khách hàng khiếu nại vì bị tin nhắn rác lừa đảo, các nhà mạng đều yêu cầu khách hàng cung cấp để cắt các đầu số cung cấp dịch vụ nội dung số (CP). Lí thuyết là vậy nhưng xem ra các đầu số bị cắt chẳng đáng là bao so với sự ra đời của các CP lừa đảo. Theo thống kê, các CP có thể nhắn đến 220.000 tin/giờ. Mức độ phát tán tin nhắn rác với tốc độ khủng khiếp như vậy đang là nỗi ám ảnh của khách hàng sử dụng ĐTDĐ.

Một chuyên gia trên lĩnh vực viễn thông cho hay: Chỉ cần nhìn vào sự phân chia lợi nhuận giữa các DN viễn thông với các CP theo tỉ lệ từ 60% đến 80% là đã thấy việc dẹp tin nhắn rác không phải dễ. Bởi nếu mạnh tay dẹp tin nhắn rác, các DN viễn thông sẽ mất đi khoản thu không nhỏ. Chính vì vậy có thể hiểu chính các DN viễn thông vô tình tiếp tay cho CP tha hồ tạo tin nhắn rác.

Theo Thanh tra Bộ TT&TT, do tỉ lệ phân chia lợi nhuận giữa các DN viễn thông và các CP thấp nên các CP phải tìm mọi cách phát tán tin nhắn rác. Việc cắt bỏ những CP phát tán tin nhắn rác thời gian qua chỉ như muối bỏ bể vì cắt đầu này lại tiếp tục mọc đầu kia. Trong khi chưa tìm ra công cụ hữu hiệu để xóa bỏ tin nhắn rác, cách tốt nhất là ngừng cho phép các DN viễn thông quản lí các CP mà nên đưa về một mối để chính nhà nước quản lí cấp phép.

N.Mai

Cần mạnh tay

Hiện có quá nhiều kẽ hở cũng như thiếu các quy định quản lí, xử phạt đối với hành vi phát tán tin nhắn rác.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác và được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 77/2012/NĐ-CP, tuy nhiên, mức xử phạt tại các nghị định này còn tương đối nhẹ, chưa đủ sức răn đe, không tương xứng với lợi ích bất hợp pháp mà cá nhân, tổ chức vi phạm đạt được do thực hiện hành vi gửi, phát tán tin nhắn rác. Nghị định 90/2008/NĐ-CP và Nghị định 77/2012/NĐ-CP cũng chưa có biện pháp cụ thể để kiểm soát, xử lí vi phạm đối với các cá nhân không đăng kí hoạt động quảng cáo. Trong khi đó, hiện nay, tình trạng này diễn ra phổ biến, nhất là các nhân viên môi giới bất động sản, nhân viên tín dụng, đại lí bán sim số đẹp...

Cũng cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của nhà mạng, cơ quan chuyên ngành về thông tin và truyền thông. Xét về góc độ xử phạt hành chính thì mức xử phạt từ 15-20 triệu đồng với các hành vi phát tán tin nhắn rác cũng không phải là mức phạt “quá nhẹ”. Tuy nhiên, do cách thức xử lí chưa triệt để nên nhiều cá nhân có hành vi nhắn tin rác vẫn không bị xử phạt theo quy định.

Để ngăn chặn tin nhắn rác, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp bên cạnh quy định xử lí hành vi chuyển thông tin của người dùng một cách bất hợp pháp. Cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra trên diện rộng quản lí thông tin thuê bao trả trước nhằm hạn chế việc dùng sim rác để nhắn tin. Bên cạnh đó, các nhà mạng phải có cơ chế quản lí cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân của khách hàng, tránh bị lợi dụng một cách bất hợp pháp. Người dùng cũng cần thay đổi tâm lí, tư duy ngại kiện cáo mà mạnh dạn tố cáo để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời, cần có biện pháp nâng cao đạo đức nghề nghiệp của các nhà mạng viễn thông.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Theo Người Lao Động.




Bình luận

  • TTCN (0)