Theo thông tin mới đây, sau gần 10 năm kiến nghị, khiếu nại và kháng cáo, phiên tòa về vụ kiện Apple độc quyền thị trường nhạc số trên thiết bị iPod thông qua phần mềm quản lí bản quyền nhạc số DRM đã được tiến hành vào đầu tháng 12/2014.
Vụ kiện này chống lại Apple với phía nguyên đơn lên tới gần 8 triệu người bị ảnh hưởng khi Apple sử dụng hệ thống DRM – hệ thống ngăn chặn các dịch vụ âm nhạc số cạnh tranh trên các thiết bị iPod. Đơn kiện cũng cáo buộc rằng Apple không cho phép chuyển nhạc mua trên iTunes sang các máy nghe nhạc không phải của Apple.
Cáo trạng cho biết các bản cập nhật iTunes - cụ thể là iTunes 4.7, iTunes 7.0 và iTune 7.4 cho iPod không phải được tạo ra để cải tiến chất lượng sản phẩm mà nhằm triển khai các cập nhật DRM trên iPod và nhạc được bán trên iTunes. Apple đã độc quyền trong không gian âm nhạc số (với hơn 80% trong năm 2003). Bằng cách làm trên, Apple đã trói buộc khách hàng và khiến họ phải chi nhiều tiền hơn nếu muốn nghe nhạc trên iPod của mình.
Đi sâu hơn vào vụ kiện này, tháng 4/2004, Rob Glaser, người sáng lập và là CEO của RealNetworks (là RealPlayer bây giờ) – đã gửi mail cho cố giám đốc điều hành Apple - Steve Jobs, yêu cầu được cấp giấy phép bản quyền công nghệ FairPlay. Trong trao đổi, Glaser hứa hẹn RealNetworks sẽ đưa iPod trở thành ưu tiên hàng đầu trong cửa hàng và các dịch vụ âm nhạc của công ty.
Tháng 7/2004, RealNetworks đã ra mắt một công nghệ mới gọi là Harmony cho phép người dùng iPod mua nhạc từ RealPlayer Music Store – giá bán một bài hát chỉ có 0,49 USD, thấp hơn so với các bài hát được bán trên iTunes với giá 0,99 USD tại thời điểm đó. Công nghệ mới đã cung cấp cho người dùng iPod một lựa chọn khác ngoài iTunes và có thể đưa các CD nhạc vào thiết bị. Rõ ràng điều này sẽ gây thiệt hại doanh thu không hề nhỏ cho Apple.
Tuy nhiên vào ngày 29/7/2004, Steve Jobs tuyên bố RealNetworks đã cảnh báo người dùng tránh mua nhạc từ RealNetworks vì lí do bảo mật. Apple cũng tuyên bố sẽ tiến hành cập nhật phần mềm ngăn chặn công nghệ Harmony của RealNetworks xuất hiện trên iPod.
Tháng 10/2004, Apple đã phát hành bản cập nhật iTunes 4.7, chặn các bài hát được mua từ các cửa hàng nhạc số khác hoạt động trên các thiết bị iPod. Việc này buộc người dùng phải sử dụng hệ sinh thái của Apple, khiến họ phải mua nhạc từ Apple hoặc là mất tất cả các bài nhạc đã mua từ công ty cũng như việc sử dụng iPod. Các luật sư nguyên đơn đã yêu cầu Apple phải bồi thường hơn 350 triệu USD cho sự độc quyền này.
Theo một số thông tin tiết lộ, những email của Steve Jobs khi còn sống sẽ là bằng chứng chống lại Apple. Trong những email đó có đoạn: “Chúng ta cần đảm bảo rằng khi kho nhạc Music Match ra mắt, họ không thể dùng chúng với chiếc iPod” (Music Match là một dịch vụ tải nhạc cạnh tranh với iTunes vào thời điểm đó).
Ở chiều ngược lại, các nhân chứng của Apple, trong đó bao gồm hai nhà kinh tế và cựu quản lí kinh doanh đã đưa ra các dẫn chứng cho thấy công ty luôn cải thiện chất lượng sản phẩm và giảm giá các thiết bị trong những năm từ 2006-2009 bao gồm iPod nano, iPod Classic, iPod touch, và iPod Shuffle.
Mark Donnelly, nhân viên làm việc dưới trướng của giám đốc marketing của Apple Phil Schiller - đã nghỉ hưu từ tháng 10/2013, cho rằng Apple đã luôn luôn cố gắng cập nhật nhiều tính năng vào các sản phẩm mới và liên tục giảm giá các model cũ.
Ông vẫn nhớ về Jeff Williams, phó chủ tịch cấp cao của Apple đã từng hào hứng công bố rằng: sản phẩm iPod mới sẽ có dung lượng gấp đôi, nhưng giá sẽ không đổi. “Chúng tôi luôn muốn tạo ra những sản phẩm tốt nhất với giá thành rẻ nhất cho người dùng – nhưng không nhiều người biết rõ điều này”.
Trước khi Donnelly đưa ra những ý kiến bảo vệ công ty cũ, Apple đã kêu gọi hai giáo sư của Đại học Chicago, Robert Topel và Kevin Murphy phân tích lại những sai lầm mà nhà kinh tế học Roger Noll đã tính toán thiệt hại cho gần 8 triệu khách hàng trong đơn kiện.
Roger Noll đã không nêu ra những cập nhật của sản phẩm như tăng dung lượng, tuổi thọ pin và màn hình lớn hơn, khả năng chơi nhạc của iPod cũng được cải thiện theo thời gian. Murphy chỉ ra rằng hệ thống tích hợp của Apple iPod và iTunes cũng giống như Microsoft, Sony, Nintendo, Amazon đã làm trong nhiều năm qua.
Trước đó trong phiên tòa, Apple đã lập luận rằng RealNetworks đã cố gắng để chiếm quyền điều khiển iPod – hành động có thể gây thiệt hại thư viện âm nhạc và ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của máy nghe nhạc này. Apple cho biết họ đang cố gắng để bảo vệ người dùng khỏi phần mềm lỗi, trong khi bên nguyên đơn cho rằng hành động trên là sự độc quyền kinh doanh nhạc số của Apple.
Tất nhiên, con số 350 triệu bồi thường thiệt hại của Apple có thể phải gánh chịu là tương đối nhỏ, nhưng con số này cũng có thể tăng gấp ba lần nếu công ty bị phán xét là cố tình vi phạm luật chống độc quyền, tương tự như hành động của Samsung đã bị Apple khởi kiện một vài năm trước.
Theo Genk. Nguồn Theverge.
Bình luận