Từ rất lâu con người đã có suy nghĩ tạo ra những cỗ máy để giúp đỡ và thay thế con người làm việc, với ý tưởng trong tương lai con người sẽ không phải làm những công việc nặng nhọc và nguy hiểm nữa. Đây thực sự là ý tưởng tuyệt vời, tuy nhiên khi Robot hoàn toàn thay thế con người trong việc lao động thì thế giới của chúng ta sẽ ra sao? Liệu nó có tốt đẹp như những gì chúng ta vẫn nghĩ?
Kỉ nguyên công nghệ
Foxconn là nhà sản xuất và gia công lớn nhất cho các hãng công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay. Công ty này có hơn 1 triệu lao động tại Trung Quốc, tuy nhiên sẽ không còn lâu nữa những lao động này sẽ được thay thế bởi các robot tự động. Chỉ trong năm 2001, Foxconn đã cho lắp đặt 10.000 robot Foxbot và dự kiến mỗi năm sẽ tăng thêm 30.000 robot như vậy.
Mỗi một robot Foxbot có giá khoảng 20.000 USD và được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ lắp ráp, hàn mạch điện hoặc phun sơn … Vào tháng 6 năm 2013, giám đốc điều hành của Foxconn là Terry Gou đã phát biểu rằng “Hiện tại chúng tôi có hơn 1 triệu lao động và trong tương lai chúng tôi sẽ có thêm 1 triệu công nhân là robot”. Điều đó có nghĩa Foxconn sẽ mở rộng quy mô sản xuất lên gấp đôi? Không, điều đó có nghĩa rằng rất nhiều lao động sẽ mất việc vì robot đã thay thế công việc của họ.
Nếu như sự phát triển của công nghệ robot gắn liền với định luật Moore, thì trong tương lai số lượng robot sẽ tăng theo cấp số nhân với giá thành giảm đi đáng kể. Với một robot có giá 20.000 USD thì chỉ một vài năm tới giá thành của nó có thể chỉ còn 5.000 USD. Và khi đó thì ngay cả những người lao động lương thấp nhất tại các nước kém phát triển cũng khó có thể cạnh tranh.
Không chỉ dừng lại ở đó, các robot hiện nay có khả năng làm việc tương đương với một người lao động trung bình, có nghĩa là nó có cùng chỉ số IQ là 100. Nhưng nếu công nghệ vẫn tiếp tục phát triển theo tốc độ hiện tại thì đến năm 2025, các robot sẽ có chỉ số IQ tương đương cao hơn 90% dân số Mỹ. Trong 10 năm các robot sẽ thay thế hơn 50 triệu lao động trên toàn thế giới.
Bằng chứng là hiện nay các nhà khoa học đã chế tạo ra những cỗ máy có thể đạt chỉ số IQ lên tới 115. Năm 2013, tổ chức FDA đã chấp nhận việc sử dụng robot để chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân, đây là những công việc bậc cao mà trước đây đòi hỏi những người có trình độ mới có thể đảm nhiệm.
Thế giới sẽ ra sao?
Kỉ nguyên công nghệ sẽ đem lại những lợi nhuận khổng lồ cho các công ty, do giảm bớt được chi phí nhân công và tăng năng suất nhờ hệ thống máy móc tự động. Các chuyên gia gọi đây là nền kinh tế thứ hai, khi mà công nghệ gần như thay thế hoàn toàn con người và các giao dịch chỉ còn diễn ra trên máy tính. Nó sẽ sản sinh ra một tầng lớp tỉ phú mới, những người hưởng lợi từ sự phát triển của công nghệ, cả người bán lẫn người mua.
Trong khi đó sẽ có một lượng lớn người lao động bị mất việc làm và không có khả năng nuôi sống bản thân cũng như gia đình. Trong khi đó trình độ của họ không đủ khả năng để tìm công việc khác. Đó sẽ là một vấn đề rất nan giải của toàn bộ nền kinh tế.
Các chuyên gia vẫn rất lạc quan
Ông Gary Frank, người đứng đầu dự án nghiên cứu các hệ thống tự động tại Westfalia Technologies cho biết “Trái ngược với lo sợ công nghệ tự động hóa và robot sẽ khiến hàng triệu người lao động mất việc làm trên toàn thế giới, các cơ hội việc làm sẽ không biến mất, tuy nhiên nó cần có sự phát triển. Trong khi những công việc mà robot đã có thể thay thế và không cần đến con người, thì vẫn còn những công việc liên quan đến công nghệ cao hơn”.
Do đó theo các chuyên gia, giải pháp chính là đào tạo nguồn lao động có trình độ cao hơn. Trong tương lai chúng ta sẽ có thể đối mặt với hai khả năng. Thứ nhất, nếu nguồn lao động được cải tạo tốt và có thể đảm nhiệm những công việc yêu cầu kĩ thuật cao, thế giới sẽ phát triển vô cùng mạnh mẽ với sự hỗ trợ từ công nghệ máy móc và quan trọng là con người vẫn làm chủ.
Tuy nhiên kịch bản thứ hai có phần tồi tệ hơn, đó là tốc độ cải tạo không theo kịp với sự tăng trưởng của khoa học công nghệ. Khi đó sẽ có rất nhiều người không có việc làm, dẫn tới những hỗn loạn trong xã hội, sự phân cấp giàu nghèo, gánh nặng kinh tế sẽ khiến thế giới lâm vào khủng hoảng.
Theo Genk. Nguồn Hbr, Lnsresearch.
Bình luận