Thông tin nêu trên vừa được ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 của VNNIC diễn ra sáng nay, ngày 19/12/2014.
Được triển khai qua phương thức cầu truyền hình với 3 điểm cầu Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 của VNNIC có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng.
Trong năm 2014, bên cạnh việc tham gia xây dựng chính sách về quản lí tài nguyên Internet, VNNIC đã tiếp tục tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thúc đẩy phát triển tài nguyên Internet.
Đại diện VNNIC cho biết, mặc dù năm 2014 tiếp tục chịu ảnh hưởng chung từ tình hình khó khăn của nền kinh tế nhưng do Trung tâm đã chủ động triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy phát triển tên miền “.vn” nên số lượng tài nguyên Internet được cấp phát mới vẫn phát triển tốt, ổn định, đảm bảo mục tiêu quản lí nhà nước.
Một điểm mới trong năm 2014 là VNNIC đã chuyển đổi thành công hệ thống quản lí, cấp phát tên miền “.vn” sang hệ thống mới theo mô hình Cơ quan quản lí - Nhà đăng kí (SRS), sử dụng chuẩn giao thức quốc tế EPP. Việc chuyển đổi sang hệ thống quản lí mới với các công nghệ hiện đại góp phần nâng cao năng lực quản lí và thúc đẩy phát triển tên miền “.vn” trong và ngoài nước. Hệ thống mới giúp VNNIC và các nhà đăng kí tên miền “.vn” trong và ngoài nước thực hiện các nghiệp vụ hoàn toàn trực tuyến, rút ngắn đáng kể thời gian đăng kí và xử lí các yêu cầu từ chủ thể đăng kí.
Thống kê của VNNIC cho hay, từ đầu năm 2014 cho đến ngày 15/12/2014 đã phát triển mới được 100.319 tên miền “.vn”, nâng tổng số tên miền “.vn” lên 297.235 tên miền, tăng trưởng 12,3% so với cùng kì năm 2013.
Với kết quả này, tên miền “.vn” tiếp tục khẳng định vị trí là tên miền quốc gia có số lượng đăng kí sử dụng cao nhất khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, tên miền “.vn” đang vươn tầm ảnh hưởng ra khu vực châu Á. Trong bảng xếp hạng 22 tên miền quốc gia có số lượng tên miền đăng kí sử dụng lớn nhất khu vực châu Á do Hiệp hội các tổ chức quản lí tên miền cấp cao mã quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APTLD) công bố, tên miền “.vn” đứng thứ 7.
Cũng theo đại diện VNNIC, trong năm 2014, Thanh tra Bộ đã tiến hành nhiều đợt thanh tra về việc sử dụng tên miền Internet nhưng tập trung chủ yếu vào tên miền “.vn”, trong khi đó chưa triển khai đồng bộ với tên miền quốc tế và các nhà đăng kí tên miền quốc tế tại Việt Nam. Tổng số tên miền bị tạm ngừng theo yêu cầu của Thanh tra Bộ TT&TT và Thanh tra các Sở TT&TT là 17 tên miền và tổng số tên miền bị thu hồi là 15 tên miền.
Về tên miền tiếng Việt, tính đến ngày 15/12/2014, đã có 83.330 tên miền đăng kí mới, nâng tổng số tên miền tiếng Việt lên 983.199 tên miền. Trong đó, số lượng tên miền đã được đưa vào sử dụng thực tế trên các loại dịch vụ là 172.332, chiếm hơn 17,5% tổng số tên miền tiếng Việt đang duy trì trên hệ thống.
Tháng 7/2014, số lượng tên miền tiếng Việt đăng kí trên hệ thống đã chạm mốc 1 triệu, đưa tên miền đa ngữ Việt Nam đứng thứ nhất trên thế giới về số lượng đăng kí. Đây là kết quả ấn tượng, cho thấy sự quan tâm của cộng đồng và tiềm năng phát triển tên miền tiếng Việt, đánh dấu sự phát triển Internet ở Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của đại diện VNNIC, con số 1 triệu tên miền này còn tồn tại một lượng không nhỏ các tên miền “ảo”, không đưa vào sử dụng, đăng kí để giữ chỗ. Vì thế, trong nửa cuối năm 2014, VNNIC đã tập trung mục tiêu đưa tên miền tiếng Việt phát triển về chất, thay vì phát triển về lượng như những năm trước. Tính đến giữa tháng 12/2014, VNNIC đã thanh lọc 59.000 tên miền tiếng Việt đăng kí nhưng không đưa vào sử dụng, chủ thể không liên lạc được. Việc thanh lọc giúp đẩy tỉ lệ sử dụng tên miền tiếng Việt từ 16,4% lên 17,5% hiện tại và hướng tới đạt mức trên 20% vào dịp kỉ niệm 4 năm tên miền tiếng Việt tự do, miễn phí (28/4/2015).
Bên cạnh đó, năm 2014, với số lượng địa chỉ IPv4 được cấp cho các thành viên tính đến ngày 15/12/2014 là trên 15,6 triệu địa chỉ, Việt Nam vẫn là quốc gia đứng thứ hai trong khu vực ASEAN; đứng thứ 8 khu vực châu Á và đứng thứ 27 trong tổng số các quốc gia giữ nhiều IPv4 nhất toàn cầu.
Theo ICTnews.
Bình luận