"iPhone cấu hình thấp"

Trong khi các smartphone Android cao cấp "điên cuồng" nâng cấp phần cứng bằng việc nâng RAM, tốc độ vi xử lí thì iPhone dường như nằm ngoài cuộc đua này. Nhiều người dùng Android cho rằng chiếc iPhone 6 chỉ sở hữu chip 2 nhân 1,4 GHz, RAM 1 GB thì không thể so sánh với một chiếc LG G3 có chip 4 nhân tốc độ 2,5 GHz và RAM lên đến 3 GB.

Nhưng sự thật, LG G3 đôi khi vẫn có cảm giác "lag" (độ trễ) khi chạy nhiều ứng dụng. Không chỉ model này, nhiều smartphone Android cao cấp khác cũng gặp vấn đề tương tự dù phần cứng thuộc hàng mạnh nhất hiện nay. Lí do được cho là nằm ở phần mềm, khi Android không sở hữu những thuật toán tối ưu nhất giúp hệ thống luôn chạy mượt mà. Trong khi đó, RAM chỉ 1 GB, tài nguyên của iPhone vẫn được iOS tận dụng rất tốt, giúp máy luôn hoạt động nhẹ nhàng dù mở nhiều ứng dụng.

Trên thực tế, những bài đánh giá qua Antutu, SunSpyder,... cũng chỉ ra rằng tuy iPhone có thông số phần cứng thấp, nhưng luôn có hiệu năng dẫn đầu trong tất cả các smartphone. Smartphone không giống máy tính Windows, và cấu hình đôi khi không quan trọng bằng những trải nghiệm mà một chiếc smartphone có thể mang lại.

"iPhone là một sản phẩm quá đắt tiền"

iPhone có giá cao nhất trong các smartphone hiện nay, nhưng không đồng nghĩa với việc nó là một sản phẩm quá đắt đỏ. Khái niệm "đắt" chỉ đúng khi chiếc điện thoại này có chất lượng không tương xứng với giá tiền.

Theo báo cáo tài chính của Apple, lợi nhuận quý II của hãng đạt mức tăng kỉ lục 13% (8,5 tỉ USD), với doanh thu tăng lên 42,1 tỉ USD nhờ bán được hơn 39 triệu chiếc iPhone. Con số không biết nói dối. Nếu là một sản phẩm có giá bất hợp lí, iPhone không thể hút khách đến vậy.

"iPhone tù túng vì iOS"

Đây là định kiến phổ biến nhất mà những người dùng Android dùng để tấn công những người dùng iPhone. Thực tế không thể chối cãi iPhone là một nền tảng đóng và hoạt động trong một hệ sinh thái khép kín. Do vậy, người dùng phải trải qua nhiều bước nếu muốn chép nhạc, phim, nhạc chuông, hình ảnh,.. cũng như không thể tự do can thiệp vào hệ thống như Android.

Tuy nhiên, sự tù túng trên iOS có thể chỉ là cảm giác của các "vọc sĩ", khi họ cảm thấy thỏa mãn hơn với những thiết bị Android có thể tự do Up hàng tá các loại ROM cook. Người dùng thông thường có những nhu cầu rất cơ bản: nghe gọi, lướt web, chụp ảnh và dùng những ứng dụng phổ biến để làm việc hoặc giải trí. Với những nhu cầu này, nhìn chung Android và iOS vẫn có thể đáp ứng ngang nhau.

Tuy nhiên, một nền tảng đóng cũng mang đến nhiều lợi ích cho người dùng. Hạn chế người dùng "vọc" cũng là cách để hệ thống luôn đảm bảo tính ổn định. Dù các công cụ Jailbreak vẫn xuất hiện nhan nhản trên Internet, nhưng những con số thống kê gần đây cho thấy kể từ iOS 7, số lượng người dùng Jailbreak đang ngày càng giảm đi. Người dùng bắt đầu có thói quen mua ứng dụng thay vì "xài chùa" như trên Android. iOS cũng cung cấp cho người dùng khả năng kiểm soát các ứng dụng để ngăn chúng có những hành vi bất thường như thu thập dữ liệu, quảng cáo quá nhiều hoặc theo dõi địa điểm.

"iPhone chỉ được cái mã bề ngoài"

Định kiến này chính xác là của những người dùng chưa trải nghiệm iPhone. Số đông người dùng cho rằng iPhone 5s trông vẫn đẹp hơn iPhone 6. Nhưng những con số thống kê cho thấy không ít người dùng iPhone 6 từng dùng iPhone 5s. Vậy nếu "chỉ vì mã ngoài", liệu có đáng để người dùng bỏ đi một thứ đẹp đẽ để chọn một chiếc điện thoại xấu hơn trước?

Quay trở lại với câu chuyện của ứng dụng, iOS luôn được giới lập trình viên ưu ái phát triển phần mềm hơn Android. Facebook, Instagram,... luôn được cập nhật trước Android là những ví dụ cụ thể nhất. Cảm giác được trân trọng là điều một người dùng iPhone cảm nhận được khi sử dụng các tiện ích trên iOS.

Nguyên nhân được cho là nằm ở hai lí do sau:

Một là, thiết bị chạy iOS không quá nhiều như Android, họ chỉ cần thiết kế ứng dụng sao cho chạy tốt trên iPhone, iPad, iPod Touch. Trong khi đó, trên Android, họ phải làm ra hàng tá các phiên bản dành cho nhiều loại màn hình khác nhau, nhiều loại vi xử lí khác nhau. Điều này khiến các nhà phát triển thêm "mệt mỏi" mỗi khi tung ra các bản cập nhật.

Nguyên nhân thứ hai có vẻ gần gũi hơn. Business Insider gần đây đã đăng tải những con số thống kê cho thấy người dùng iOS luôn "chịu chi" hơn Android. Họ chi tiền nhiều hơn để mua các ứng dụng, bài hát, sách,.. và đó là điều khiến các nhà phát triển thích thú.

"iPhone có camera chỉ 8 Mpx, ngang với smartphone tầm trung"

Với những người dùng thiếu kiến thức về nhiếp ảnh, họ dễ dàng bị lừa bởi thông số megapixel (độ phân giải). Lợi dụng điều này, các nhà sản xuất thường chỉ quảng cáo số "chấm" trên camera khiến nhiều người tin rằng số "chấm" càng nhiều thì ảnh càng đẹp. Và với camera chỉ 8 Mpx, iPhone dễ dàng bị quy chụp là một chiếc smartphone có camera "làng nhàng".

Trên thực tế, một camera tốt trên smartphone cần có một cảm biến tốt. Cảm biến này cần đủ lớn để có thể chụp ra những bức ảnh có độ phân giải cao, vừa phải có khả năng xử lí mạnh mẽ để lấy nét, khử nhiễu. Xét theo tiêu chí này, chiếc Lumia 1020 của Nokia hiện vẫn không có đối thủ khi sở hữu cảm biến lớn và ống kính Carl Zeiss danh tiếng.

Không chạy đua theo số megapixel, nhưng qua mỗi thế hệ iPhone mới, Apple đều cải tiến cảm biến lẫn chất lượng ống kính để cho ra chất lượng ảnh tốt hơn. Không chỉ vậy, Apple còn cải thiện các thuật toán bên trong iOS để nó có thể sử dụng camera một cách hoàn hảo nhất.

Quay trở về với camera trên các máy Android, trừ những ông lớn như Samsung, Sony, LG,.. vốn rất chăm chút cho phần mềm điều khiển camera, các hãng sản xuất ít tên tuổi hơn thường dùng cảm biến của Sony, nhưng phần mềm chụp ảnh lại do chính tay các lập trình viên của hãng viết.

Do đó, tuy có số "chấm" lên đến 13 Mpx, nhưng nhiều model Android trên thị trường vẫn cho ra những bức ảnh có chất lượng bình thường, thậm chí là tồi tệ. Lí do nằm ở chỗ phần mềm chụp ảnh bên trong những thiết bị này chưa đủ tốt để tận dụng được sức mạnh của cảm biến - một linh kiện mà họ thường mua của một hãng thứ ba.

Ngoài những phân tích về phần cứng và phần mềm, hãy để ý đến... Facebook. Hiện tại, mạng xã hội lớn nhất thế giới chỉ cho phép một vài dòng smartphone cao cấp như Sony Xperia, BlackBerry Passport, Nokia Lumia, iPhone,... được upload ảnh chất lượng cao (2048 pixel).

Do đó, giữa một smartphone Android có camera 13 Mpx, thậm chí 16 Mpx, nhưng chỉ upload được ảnh có độ phân giải 960 pixel và một chiếc iPhone 8 Mpx có thể upload ảnh 2.048 pixel lên Facebook, hầu hết người dùng đều nhận ra sự "vô dụng" của thông số Megapixel, ít nhất là trong trường hợp này.

Theo Zing.




Bình luận

  • TTCN (1)
Nguyễn Văn Thoan  115
Tôi không thích iPhone, không phải vì 5 nỗi oan này. Tôi không thích iPhone vì lí do sau: - Tôi không thể gửi file bất kỳ tới iPhone, thẻ nhớ hoặc tới máy tính, nhạc và hình cũng vậy. Thao tác cài đặt quá phức tạp. Hôm bữa gửi mấy cái hình chụp cho nhỏ bạn. Ngồi mò nguyên buổi sáng không ra. - Cái bluetooth connect xong thấy trống trơn. Có bluetooth cũng như không.