Flappy Bird

Trò chơi có giao diện được thiết kế trên nền tảng 8 bit với cách chơi chỉ cần đưa chú chim vượt qua các ống nước lại khiến hàng triệu người “điên đầu”. Được lập trình viên Việt Nam, Nguyễn Hà Đông, viết vào tháng 2/2014, game đơn giản nhưng siêu khó này liên tục khuynh đảo bảng xếp hạng các game được tải về nhiều nhất trên kho ứng dụng của iOS và Android.

Vừa đơn giản nhưng vừa kích thích người chơi, Flappy Bird đã nổi tiếng ở nhiều nước trước khi gây sốt ở Việt Nam và đạt hàng chục triệu lượt tải. Game không những mang lại lợi nhuận cao cho tác giả Nguyễn Hà Đông mà còn đưa tên của lập trình viên người Việt nổi tiếng khắp thế giới.

Khi đang trên đỉnh “cơn sốt”, sáng 10/2, Hà Đông tuyên bố trên trang cá nhân sẽ gỡ ứng dụng vĩnh viễn gây nhiều tiếc nuối cho người dùng. Sau khi biến mất khỏi kho ứng dụng di động, một loạt game ăn theo Flappy Bird xuất hiện tràn lan và thậm chí những chiếc smartphone có chứa game này được rao bán với giá cao.

Bắt chữ

Bất ngờ nổi tiếng trên mạng hồi tháng 6/2014, game Bắt chữ là sản phẩm hoàn toàn thuần Việt được phát triển bởi WePlay, một nhóm bạn trẻ người Việt.

Ra đời một tháng trước đó nhưng kể từ khi bắt đầu được trau chuốt, đầu tư bài bản thì Bắt chữ mới thực sự phổ biến, đặc biệt trong giới văn phòng. Trò chơi một thời tạo được trào lưu trên mạng và giới trẻ chia sẻ đáp án khiến game này ngày một hot hơn.

Yêu cầu của Bắt chữ là dựa vào hình ảnh mô phỏng gợi ý để đoán tên của cụm từ, thành ngữ, ca dao hoặc tục ngữ. Đáp án đôi lúc khiến người chơi phì cười, vừa hài hước vừa lắt léo khiến họ tò mò muốn xem màn kế tiếp là gì. Đôi khi đó là những vật dụng, từ ngữ hay hành động gần gũi trong cuộc sống mà người chơi không nghĩ đến.

Bắt chữ có thiết kế đơn giản, giao diện thân thiện, có mặt trên 2 kho ứng dụng iOS và Android và tính đến tháng 6/2014 đã có hơn 3 triệu lượt tải.

School Cheater

Là một trong số những game "made in Vietnam" tạo được tiếng vang trong năm qua, School Cheater xoay quanh những câu chuyện học đường và được chọn là một trong 11 game hay nhất trong cuộc thi Game Development World Championship (GDWC).

Được phát triển bởi Bưởi Studio, School Cheater mô phỏng hài hước những tình huống mà khi còn đi học bất cứ người nào cũng từng gặp nhau. Để chiến thắng, người chơi phải vượt qua 25 vòng, ở mỗi vòng, "nhân vật" phải di chuyển khéo léo qua các dãy bàn mà không được để giáo viên phát hiện. Đồ họa của School Cheater rất dễ thương và thú vị, chi tiết hài hước nhất là những lời thoại hoặc câu nói được lồng vào game.

Từng được sự đoán sẽ vượt qua "đồng hương" Flappy Bird, School Cheater còn có phiên bản ứng dụng bằng tiếng Nhật để xâm nhập thị trường lớn này. Người chơi vẫn có thể tải game trên kho ứng dụng iOS và Android.

Swing Copters

Ra đời sau Flappy Bird, “đứa con” thứ hai của Nguyễn Hà Đông tiếp tục khuynh đảo giới game di động. Có mặt trên các kho ứng dụng ngày 21/8,Swing Copters có giao diện gần giống Flappy Bird, cũng với nhân vật chính chỉ là một chú chim phải vượt qua hàng loạt chướng ngại vật với cách chơi vẫn là dùng một tay chạm vào màn hình cảm ứng. Nhiều nhận xét cho rằng Swing Copters là “phiên bản đứng” của Flappy Bird và game này đã sớm leo lên đừng đầu App Store chỉ sau 2 ngày ra mắt.

Độ khó của Swing Copters ngang ngửa, thậm chí khó hơn Flappy Birdnhưng lại được đánh giá không hay bằng Flappy Bird do đã mất đi tính mới mẻ và gây tò mò. Dầu vậy, doanh thu mang về cho trò chơi sinh sau đẻ muộn này vẫn không hề thấp do không phải tốn chi phí marketing nào.

Game For Two

Là một trong những game được phát hành bởi nhà sản xuất Việt Nam, Guava7 Studio, Game For Two từng được trang CNET bình chọn vị trí thứ 13 trong danh sách các trò chơi miễn phí hay nhất cho iPad.

Thuộc thể loại đấu trí, đây là game lí tưởng cho những ai muốn chơi nhiều người cùng một lúc các thể loại cờ khác nhau. Hiện Game For Twochỉ cho phép người dùng chơi miễn phí 2 game và phải trả phí cho bản 8 game còn lại trên iOS và Android.

Freaking Math

Game của sinh viên người Việt có tên Nguyễn Lương Bằng từng có giai đoạn tạo được "cơn sốt" nhất định trên mạng xã hội tiếp nối trào lưu những game đơn giản nhưng có độ phức tạp cao. Game được đánh giá trên kho ứng dụng là rất hay nhưng quá khó vì phải nhanh tay xử lí những con số hiện lên chỉ trong hơn một giây.

Freaking Math không chú trọng nhiều vào giao diện mà ngược lại tập trung nhiều vào cách chơi. Chỉ với những phép tính đơn giản cấp độ tiểu học, thoạt nghe có vẻ dễ nhưng người chơi phải nhanh chóng trả lời các câu hỏi hiện lên liên tiếp trong vòng 1,5 giây gây cảm giác ức chế không thua kém gì Flappy Bird. Dù được đánh giá là khó khăn song Freaking Math tạo phản xạ nhanh tay lẹ mắt giúp nâng cao khả năng tiếp cận với tình huống. Người chơi hiện vẫn có thể tải game này trên các kho ứng dụng.

Theo Số Hoá.




Bình luận

  • TTCN (0)