Đại diện Cục Bản quyền Tác giả làm việc với Công ty TNHH Intertek Việt Nam. Ảnh: M.H.

Danh sách các công ty vừa nhận được cảnh báo từ văn phòng đại diện Cục Bản quyền Tác giả (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) tại TP.HCM gồm Công ty CP Bảo vệ Thực vật An Giang (38 Mê Linh, Phường 19, Bình Thạnh), Công ty Cổ phần Hàng không VietJet (tầng 8, CT Plaza, 60A Trường Sơn, Tân Bình), Công ty TNHH Intertek Việt Nam (Tòa nhà E-Town EW, 364 Cộng Hòa, Tân Bình).

Nội dung cảnh báo nhằm củng cố công tác đảm bảo an ninh mạng, bảo mật thông tin tại các doanh nghiệp, cùng đó là tăng cường việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo đại diện Cục Bản quyền Tác giả, tại thời điểm cuối năm 2014, nguy cơ an ninh mạng và bảo mật an toàn thông tin tại các doanh nghiệp vẫn ở mức báo động. Tình trạng bị hacker, virus, malware tấn công khiến dữ liệu bị xóa, thông tin bị đánh cắp, bị theo dõi, mất quyền bảo hành, lây truyền virus sang máy tính khác… liên tục gia tăng, gây ra hậu quả và thiệt hại vô cùng lớn về kinh tế, uy tín cho doanh nghiệp về lâu dài. Nguyên nhân chính gây ra các nguy cơ chủ yếu do việc sử dụng và tải phần mềm không bản quyền về máy tính.

Đặc biệt từ cuối tháng 8 đến tháng 10 vừa qua, tại Việt Nam xảy ra hàng loạt các cuộc tấn công rầm rộ vào các website. Thiệt hại về tài chính có thể thống kê được lên tới hàng chục tỉ đồng, nhưng những thiệt hại vô hình thì lớn hơn rất nhiều, đó là sự mất uy tín của đối tác, khách hàng vào hạ tầng CNTT của các doanh nghiệp.

“Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất bàng quan với hiện trạng ATTT, còn mang nặng tâm lí chuyện bị tấn công là xảy ra với người khác chứ không phải với mình”, ông Nguyễn Mạnh Quý, Trưởng Văn phòng Đại diện Cục Bản quyền Tác giả tại TP.HCM nói.

Theo IDC, 90% phần mềm không bản quyền chứa sẵn virus và malware, các doanh nghiệp sử dụng phần mềm không bản quyền sẽ có nguy cơ mất 73% dữ liệu quan trọng, 55% sẽ không thể hồi phục được tất cả dữ liệu khi hệ thống chủ bị hỏng cũng như khả năng lây nhiễm virus cho đối tác, khách hàng cao...

Ngoài ra, sử dụng phần mềm không bản quyền còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu bị điều tra hoặc liên quan đến các hoạt động pháp lí theo Luật dân sự và hình sự tại Việt Nam. Ví dụ, năm 2013 công ty TNHH Quốc tế Gold Long John tại tỉnh Đồng Nai đã bị đưa ra tòa vì hành vi vi phạm bản quyền phần mềm máy tính.

Ông Nguyễn Mạnh Quý cũng nhấn mạnh: “Đừng để phải tiếc nuối khi đã quá muộn! Thực tế, chi phí đầu tư, hợp thức hóa phần mềm có bản quyền nên được coi là khoản đầu tư lâu dài. Với phần mềm bản quyền, những dữ liệu và thông tin của doanh nghiệp sẽ được bảo vệ an toàn tối ưu trước hiểm họa virus, mã độc, hạn chế phần mềm bị lỗi... Cùng đó, các giải pháp đám mây sẽ mang đến độ an toàn cao hơn vì các nhà sản xuất đầu tư rất nhiều vào việc đảm bảo bảo mật, an ninh của sản phẩm”.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)