Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015 của Bộ TT&TT, đại diện Bộ TT&TT cho biết, năm 2014, công nghiệp CNTT tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế quan trọng, đang tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, đóng góp ngày càng tăng vào tăng trưởng GDP cũng như xuất khẩu của cả nước.
Tổng doanh thu công nghiệp CNTT ước tính đạt hơn 27 tỉ USD (năm 2012 đạt 25,5 tỉ USD, năm 2013 đạt khoảng 37 tỉ USD - PV) và tổng số nhân lực đang hoạt động trong lĩnh vực này ước đạt 350.000 người.
Nguồn doanh thu chủ yếu của công nghiệp phần cứng Việt Nam vẫn đến từ các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như Samsung, Microsoft Mobile (trước là Nokia), LG, Intel… Trong đó lớn nhất vẫn là nhà máy của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên.
Đánh giá của Bộ TT&TT cũng cho thấy, trong điều kiện giảm sút vốn đầu tư nước ngoài FDI và kinh tế khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn hiện vẫn tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam như Samsung, LG, Microsoft, Panasonic, Canon, Intel...
Dự kiến trong thời gian tới, ngành công nghiệp CNTT Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng doanh thu khi nhiều doanh nghiệp FDI vẫn đang có xu hướng đẩy mạnh đầu tư, chuyển dịch nhà máy, dây chuyền sản xuất về Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo Bộ TT&TT, các doanh nghiệp phần mềm tiếp tục giữ vững thị trường xuất khẩu, dịch vụ CNTT tiếp tục phát triển khá, đa dạng các loại hình dịch vụ.
Nếu so với công nghiệp phần cứng, tỉ lệ doanh thu của lĩnh vực phần mềm và dịch vụ tuy vẫn thấp hơn rất nhiều nhưng lại đem về giá trị gia tăng lớn hơn.
Đánh giá của Vụ CNTT (Bộ TT&TT) đưa ra gần đây cũng cho thấy, dù doanh thu từ công nghiệp phần cứng vượt trội hơn hẳn so với công nghiệp phần mềm và dịch vụ, tuy nhiên, giá trị gia tăng để lại cho Việt Nam của phần cứng chỉ đạt khoảng 10%, trong khi nhiều phần mềm, dịch vụ đạt tới 80 – 90%.
Bình luận