Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo rất cụ thể tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2015 của Bộ TT&TT vào sáng 25/12/2014. Ảnh; Thái Anh

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Bộ TT&TT vào sáng ngày 25/12/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đánh giá cao những đóng góp của ngành TT&TT vào kết quả chung của cả nước, góp phần kinh tế xã hội ổn định, vững chắc, tạo đà tốt cho phát triển những năm sau.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, năm 2015 là năm rất quan trọng của đất nước, là năm bản lề của nền kinh tế, là năm có nhiều dịp kỉ niệm, là năm tổ chức đại hội Đảng các cấp. Do đó, ngành TT&TT bên cạnh các yêu cầu phát triển vững chắc, cần đẩy mạnh tuyên truyền để tạo không khí phấn khởi chung cho cả đất nước, điều quan trọng nhất là việc tuyên truyền phải làm sao tạo được đồng thuận của toàn xã hội vào sự phát triển chung của đất nước, tạo quyết tâm vươn lên, nhanh hơn, chắc hơn rút ngắn khoảng cách so với các nước khác.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, ngành Bưu điện luôn tự hào đi đầu trong đổi mới, bây giờ cũng thế, đổi mới không chỉ là để có ngày hôm nay mà còn rút ra bài học cho những ngành khác, cho đổi mới chung, điều đó rất đáng tự hào. Bây giờ, bưu chính,viễn thông và CNTT không chỉ là ngành kinh tế đơn thuần mà là hạ tầng của hạ tầng trong sự phát triển, nên ngành TT&TT lúc nào cũng phải ý thức được trách nhiệm đổi mới, không phải chỉ đổi mới cho mình mà còn đóng góp vào sự đổi mới chung. Ngành viễn thông đã có đóng góp lớn trong số hóa, mạnh dạn trong mở cửa Internet, số lượng thuê bao di động phát triển mạnh không thua nước nào trên thế giới. Tuy nhiên, việc phát triển băng rộng cũng phải có bước đi chủ động hơn và việc phát triển băng rộng phải luôn luôn gắn kết với phát triển công nghiệp CNTT và chú trọng an toàn an ninh mạng.

Đối với phát triển viễn thông, các doanh nghiệp đã cung cấp dịch vụ đều khắp mọi vùng miền, nhưng các thông tin ngoài dịch vụ cơ bản (dịch vụ gia tăng – PV) đến vùng sâu vùng xa còn nhu cầu rất lớn. Mặc dù đầu tư cho vùng sâu vùng xa không có lợi ích trước mặt, nhưng chủ trương là phát triển cân đối đầu tư hài hòa, cân đối, tập trung phát triển ngay từ đầu. Do đó doan nghiệp bưu chính viễn thông cần đầu tư vùng sâu vùng xa không chỉ đầu tư dịch vụ cơ bản, đây là những đòi hỏi các doanh nghiệp phải đưa đầy đủ các dịch vụ về nông thôn, phải đưa dịch vụ tới tận các điểm Bưu điện văn hóa xã, thậm chí là điểm văn hóa thôn. Bộ TT&TT và các doanh nghiệp chủ lực cần nghiên cứu đầu tư, để làm sao các doanh nghiệp kết hợp hài hòa mọi nguồn lực của nhà nước, phát triển đều cho các ngành.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trong lĩnh vực CNTT, chúng ta đã mạnh dạn đưa ra cơ chế thuê dịch vụ, đây là hướng phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ. Việc ứng dựng điện toán đám mây bây giờ đã khá rõ có thể giải quyết các vướng mắc mà anh em CNTT đau đầu về hạ tầng, giải quyết được bài toán thiếu vốn. Điện toán đám mây là bước đi đúng do đó, Bộ TT&TT cần hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng điện toán đám mây để đưa chủ trương phát triển hạ tầng về vùng sâu vùng xa.Trong CNTT, chúng ta có định hướng vươn ra nước ngoài nhưng nếu không cho anh em đầu tư trong nước thì không thể đi ra nước ngoài. Ví dụ, Viettel nếu không đầu tư thành công trong nước trước thì làm sao đi ra nước ngoài, với CNTT cũng thế.

"Chúng ta có yêu cầu cấp bách là làm sao xây dựng nền hành chính hiện đại, chính phủ điện tử là phải làm sao ứng dụng mạnh mẽ CNTT để đổi mới điều hành của các cơ quan nhà nước. Đây là việc rất khó, được nói đến khá lâu, một mình Bộ TT&TT không thể làm được mà đòi hỏi phải có sự tham gia của tất cả các ngành, các cấp. Ở địa phương, từ lâu chúng ta vẫn nói phải nhấn mạnh hơn vai trò của những người làm CNTT các cấp, có hội nghị đề xuất đưa ra chức danh CEO, nhưng điều quan trọng là người đứng đầu phải tham gia quan tâm đến ứng dụng CNTT. Vì người đứng đầu chịu trách nhiệm chỉ đạo đến lề lối làm việc của cả một bộ máy, vì vậy nên Ủy ban quốc gia về CNTT phải do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đứng đầu" Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)