"15% khách hàng 2G chuyển lên 3G có thể coi là thành công" một quan chức hãng di động Pháp Orange chia sẻ kinh nghiệm triển khai 3G.
Cho đến thời điểm này, các mạng di động ở Việt Nam đang chuẩn bị cho cuộc thi giành giấy phép triển khai công nghệ di động thế hệ thứ 3 (3G). Báo Bưu điện Việt Nam đã phỏng vấn ông Marc Fossier, Giám đốc Công nghệ Orange France Telecom trong dịp ông đến Việt Nam mới đây.
Theo ông, khi được cấp phép, các mạng di động của Việt Nam nên tiến lên 3G như thế nào?
Khuyến nghị đầu tiên của chúng tôi là các nhà khai thác phải triển khai từng bước, theo một chiến lược rõ ràng. Trước hết, Việt Nam phải tập trung vào những khu trung tâm thành phố, nơi có nhiều khách hàng, sau đó mở rộng ra vùng xung quanh. Muốn như thế phải tận dụng được mối liên lạc giữa 2G và 3G để cho người dùng có thể sử dụng một cách liên tục. Thứ hai, Việt Nam nên tận dụng những thiết bị mà 2G đang có, để đảm bảo đầu tư đỡ tốn kém hơn, dịch vụ không bị gián đoạn. đó là cách hay nhất để tối ưu sự thành công.
Hiện tại các nhà khai thác của Việt Nam dự kiến số thuê bao 3G sau khi được cấp giấy phép sẽ không nhiều và doanh thu chủ yếu vẫn là dịch vụ thoại. Ông có đồng tình với quan điểm này không?
Tôi nghĩ sẽ có nhiều khách hàng với điều kiện là những nhà cung cấp dịch vụ có sản phẩm điện thoại hấp dẫn với giá tiền phải chăng và kèm theo đó là dịch vụ phong phú. Bởi vì, hiện nay có nhiều nhà cung cấp thiết bị có những chipset 2G và 3G, do đó ĐTDĐ vừa dùng được cho 2G và 3G ngày càng nhiều và giá thành rẻ.
Dịch vụ là yếu tố quyết định thành công trong 3G, nếu không có dịch vụ đáp ứng yêu cầu của khách hàng thì sẽ không thể thành công. Dịch vụ đa phương tiện như là truyền hình di động, nghe nhạc, xem phim theo yêu cầu…, rất nhiều người có nhu cầu sử dụng. Cung cấp dịch vụ 3G không chỉ là việc của các mạng di động mà phải có nhiều đối tác nội dung để kích cầu người sử dụng.
Theo ông mức phí hợp lý khi dịch vụ 3G phát triển ở Việt Nam cần được đưa ra trên cơ sở nào?
Với kinh nghiệm của chúng tôi thì giá thành phải thích nghi với mức sống ở địa phương. Chẳng hạn như chúng tôi rất thành công về Mobile TV ở châu Âu vì đã cung cấp một dịch vụ thuê bao trọn gói. Bạn chỉ cần trả một số tiền cố định và muốn xem truyền hình di động bao nhiêu cũng được. Chúng tôi đã có 1 triệu người dùng Mobile TV ở châu Âu. Muốn thành công cần có 3 yếu tố: thứ nhất, mạng phải triển khai với hiệu quả tốt, chất lượng cao. Thứ hai, thiết bị đầu cuối phải đa dạng phong phú để cho khách hàng lựa chọn. Thứ ba, quan trọng là nội dung phải phong phú, thích nghi với khách hàng.
Theo ông, số lượng thuê bao 3G phải đạt bao nhiêu trong năm đầu triển khai của nhà cung cấp tại Việt Nam thì mới được coi là thành công?
Mới năm đầu thì khó nói vì còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện như quy định của Chính phủ về triển khai giấy phép. Nhưng 1-2 năm sau đó, nếu đạt khoảng 15% khách hàng từ 2G chuyển lên 3G thì có thể coi là thành công.
Khi tiến lên 3G rõ ràng chính sách sẽ phải thay đổi, ông có khuyến cáo gì với Bộ TT&TT Việt Nam về thay đổi chính sách khi các mạng chuyển từ 2G lên 3G hay không?
Tôi xin nhấn mạnh trên những yếu tố chính yếu: thứ nhất, Chính phủ đừng bắt các nhà khai thác phải triển khai toàn bộ tức thì, như vậy sẽ tốn quá nhiều tiền mà lúc đó khách hàng chưa tới kịp. Thứ hai, nên dựa trên các nhà cung cấp GSM 2G. Vì kinh nghiệm cho thấy nước nào cho nhà cung cấp hoàn toàn mới lên 3G thì tốn quá nhiều tiền và phần lớn là thất bại. Như vậy, khi có kinh nghiệm với công nghệ GSM và có mạng 2G rồi thì việc triển khai từng bước sẽ ít tốn kém hơn, khả năng thành công cao hơn nhiều. Tôi muốn nhấn mạnh, điều quan trọng là dịch vụ chứ không phải công nghệ.
Ông có bình luận gì về việc thi tuyển 3G của Việt Nam?
Ở châu Âu có 50% đấu giá và 50% thi tuyển. Vì khi đấu giá nhà khai thác đã phải trả nhiều tiền cho đấu giá dẫn tới chi phí cho đầu tư thấp. Vì vậy, tôi cho rằng thi tuyển 3G tốt hơn. Giấy phép sẽ được cấp cho những nhà khai thác nào có kế hoạch tốt nhất.
Cảm ơn ông!
(Theo ICTNews)
Bình luận